Khối ngoại đang trở lại đầy mạnh mẽ

(Banker.vn) Theo đánh giá của ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BSC, khối ngoại đã có những động thái đáng ngạc nhiên khi suốt nhiều tháng, ngày nào họ cũng mua ròng với khối lượng lớn, trong khi trước đây mức mua ròng chỉ vài ba phiên với khối lượng vừa phải...

Trong vòng gần 2 tháng cuối năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 26.600 tỷ đồng trên HoSE. Đây cũng là một trong những giai đoạn, khối ngoại mua ròng nhanh và mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Tính riêng tháng 11/2022, khối ngoại đẩy mạnh mua vào trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt với tổng giá trị mua ròng đạt 16.900 tỷ đồng - mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018.

Khối ngoại đang trở lại đầy mạnh mẽ

Nhờ sự tham gia tích cực, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đạt 14% trong tháng 11. Con số này cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng đầu năm nay. Lũy kế cả năm 2022, khối ngoại đã mua ròng khoảng hơn 1 tỷ USD cổ phiếu Việt.

Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital…, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường qua kênh ETF (quỹ hoán đổi danh mục) cũng ghi nhận những động thái tích cực. Các quỹ ETF chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị khối ngoại mua ròng khớp lệnh.

Cụ thể, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại có đóng góp phần lớn từ Fubon ETF với khoảng 4.500 tỷ. Khoảng 13.400 tỷ đồng là được khối ngoại mua ròng thông qua P-Notes - một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư, do các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Xét về cổ phiếu cụ thể, trong số các mã chứng khoán được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong năm 2022, STB là cái tên dẫn đầu với giá trị đạt 4.590 tỷ đồng. Theo sau là chứng chỉ quỹ Diamond FUEVFVND với giá trị mua ròng đạt 3.897 tỷ đồng. Với lợi thế danh mục gồm nhiều cổ phiếu hết room, FUEVFVND luôn được nhiều quỹ ngoại ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên về thị giá, hai mã chứng khoán này trong năm 2022 diễn biến lại không mấy tích cực song vẫn thấp hơn mức giảm chung của toàn thị trường, STB giảm gần 29% sau 1 năm giao dịch trong khi FUEVFVND giảm hơn 25% để kết phiên cuối năm tại mức 22.400 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu DGC cũng được khối ngoại mua ròng hơn 3.144 tỷ đồng, tập trung phần lớn trên kênh khớp lệnh. Động thái gom ròng gần nhất được ghi nhận tại nhóm quỹ Dragon Capital khi mua ròng gần 8 triệu đơn vị chỉ trong tháng 12. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch dưới mức 59..000 đồng/cổ phiếu, tăng 20% sau hơn một tháng nhưng vẫn thấp hơn 55% so với đỉnh đạt được vào giữa tháng 6 năm nay...

Theo đánh giá của ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BSC, khối ngoại đã có những động thái đáng ngạc nhiên khi suốt nhiều tháng, ngày nào họ cũng mua ròng với khối lượng lớn, trong khi trước đây mức mua ròng chỉ vài ba phiên với khối lượng vừa phải.

“Dòng tiền khối ngoại vào mạnh cho thấy dù thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi trái phiếu, lãi suất, thanh khoản… nhưng nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vì góc nhìn về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tốt trong 5-10 năm tới. Mặt khác, nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 và tháng 11 cũng kích hoạt dòng vốn giải ngân vào TTCK Việt”, ông Long nhấn mạnh.

Tương tự, ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ đầu tư PYN Elite Fund nhìn nhận, trong các nước Đông Nam Á, triển vọng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết trong vài năm tới ở Việt Nam là mạnh nhất. Nhà đầu tư nước ngoài đã chớp thời cơ để mua vào cổ phiếu Việt Nam trong bối cảnh bất ổn của thị trường.

Mặt khác, kỳ vọng TTCK Việt sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng là yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau giai đoạn bán ròng triền miên suốt 2 năm 2020-2021.

“Theo các thống kê, một khi TTCK được nâng hạng, các quỹ sẽ đổ vào thị trường khoảng 5 tỷ USD”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) thông tin.

Có thể thấy, sự trở lại của khối ngoại mang dấu ấn đậm nét nhất mang tên ETF. Và do các tổ chức đầu tư này có quy mô lớn nên ảnh hưởng khá lớn đến xu hướng đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Đà mua sẽ còn tiếp tục kéo dài?

Chia sẻ về động lực mua ròng của khối ngoại, ông Thái Hữu Công, Chuyên viên phân tích Chứng khoán KBSV chỉ ra rằng các nhà đầu tư khối ngoại thường là các tổ chức với nguồn vốn dồi dào và tầm nhìn đầu tư dài hạn.

Việc họ đẩy mạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua là do định giá thị trường đã về mức hợp lý với chiến lược đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, về sát cuối năm, dòng vốn ngoại chảy vào thị trường có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, vị chuyên gia đến từ KBSV đánh giá điều này sẽ không có nhiều tác động tiêu cực lên thị trường. Xu hướng của khối ngoại trong đầu năm 2023 tới đây sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu các nền kinh tế lớn trên thế giới có rơi vào suy thoái hay không, sức chống chịu của Việt Nam trước tác động tiêu cực các yếu tố vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tỷ giá,…) như thế nào và tình hình tài chính cũng như triển vọng kinh doanh riêng của từng doanh nghiệp.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán