Khoai lang tốt cho người bệnh tiểu đường, nhưng ăn thế nào mới đúng?

(Banker.vn) Khoai lang có lượng calo và chỉ số đường huyết thấp nên người bệnh tiểu đường vẫn ăn được, tuy nhiên người bệnh cần ăn đúng cách để giữ đường huyết ổn định.
Quả vải tốt cho người bệnh tiểu đường, nhưng nên ăn bao nhiêu thì đủ? Vì sao quả mận lại tốt cho người mắc bệnh tiểu đường?

Giá trị dinh dưỡng không ngờ từ khoai lang

Phân tích dinh dưỡng cho thấy, trong khoai lang chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Thành phần dinh dưỡng trung bình trong 100 gram khoai lang bao gồm: Năng lượng 86 kcal; nước 77%; Carbohydrate 20 gram, trong đó 4.2 gram là đường và 3 gram chất xơ; protein 1.6 gram; lipid 0.1 gram; vitamin A 823 microgram; beta-carotene 9,470 microgram; sắt 0.7 mg; canxi 50.8 mg; magie 19.8 mg; selenium: 0.9 microgram; folate 7.44 microgram; kali 337 mg; natri 55 mg.

Khoai lang tốt cho người bệnh tiểu đường
Khoai lang là thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường

Đáng nói, các chất xơ hòa tan trong khoai lang có thể làm tăng cảm giác no lâu, giảm lượng thức ăn và giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa đường và tinh bột. Trong khi đó, chất xơ không hòa tan mang đến lợi ích với sức khỏe người bệnh tiểu đường, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và cải thiện sức khỏe đường ruột.

Đặc biệt chỉ số GI thấp: Chỉ số GI của khoai lang chỉ có 44 trong khi đó khoai tây là 78. Những loại thực phẩm có GI <55 làm mức đường huyết tăng từ từ đều đặn và cũng giảm từ từ nhờ đó giữ được nguồn năng lượng ổn định, rất phù hợp cho người bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, caiapo – một tinh chất được chiết xuất từ khoai lang trắng có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu và cholesterol ở bệnh nhân tiểu đường type II.

Khoai lang cũng chứa hợp chất Carotenoids giúp hạn chế kháng insulin, giúp đường từ máu đi vào các tế bào thuận lợi hơn. Nhờ đó mà lượng đường lưu giữ trong máu được giảm đáng kể.

Một số nghiên cứu cho thấy, khoai lang còn có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, nhờ vào khả năng làm tăng nồng độ adiponectin – một loại hormone được tạo ra bởi các tế bào của mô mỡ – giúp cơ thể điều hòa chuyển hóa insulin.

Lượng ăn hợp lý với người bệnh tiểu đường

Dù khoai lang có nhiều lợi ích cho người bệnh nhưng cần ăn ở mức độ vừa phải vì chứa nhiều carbs (trong 100g khoai lang có 28,5g carbs). Mỗi bữa, người bệnh ăn ít hơn 200g khoai lang (tương đương một củ khoai), tương đương với một bát cơm trắng. Nếu ăn quá nhiều khoai lang chứa carbs có thể khiến tích tụ đường trong máu và làm đường huyết tăng đột biến sau ăn.

Ngoài ra, người bệnh nên ăn khoai lang luộc, khoai lang hấp (chỉ số GI còn 44), trong khi khoai lang chiên (GI 75), khoai lang nướng (GI 82). Thậm chí, cách luộc khoai lang cũng ảnh hưởng đến lượng đường huyết khi đưa vào cơ thể. Người bệnh cần luộc khoai càng lâu càng tốt, ví dụ khi luộc trong 30 phút, khoai lang có giá trị GI thấp khoảng 46, nhưng chỉ luộc trong 8 phút thì GI trung bình lên đến 61.

Nếu đã dùng khoai lang, người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm chứa tinh bột khác để cân bằng lượng carbohydrate trong cơ thể. Thêm vào đó, người bị tiểu đường cũng cần kết hợp thêm rau xanh trong khẩu phần ăn để giảm bớt lượng đường hấp thu.

Thời điểm ăn khoai lang tốt nhất là bữa sáng, nhằm cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bữa trưa, tối nên sử dụng ít khoai lang hơn và thay thế bằng những thực phẩm khác để bổ sung thêm chất đạm, vitamin, đặc biệt cần tăng cường lượng rau xanh.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương