Khó kỳ vọng “một con sóng lớn” dù ngành thép tạm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

(Banker.vn) Chỉ hơn 2 tháng sau khi tạo đáy hồi tháng 11/2022, hầu hết các cổ phiếu thép đều đã tăng hàng chục %, trong đó POM, HPG tăng trên dưới 50%, thậm chí HSG hay NKG còn gấp đôi thị giá vùng đáy. Tuy nhiên, cổ phiếu thép sau giai đoạn hồi phục mạnh này đã có sự chững lại rõ rệt kể từ đầu tháng 2 tới nay.

Tại ĐHCĐ thường niên 2023 tổ chức ngày 30/3, Chủ tịch HĐQT Thép Hòa Phát - ông Trần Đình Long cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép có lẽ đã đi qua. Dù vậy, ông Long lại chia sẻ thông tin HPG sẽ chuyển đổi mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác.

Theo đó, HPG sẽ đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo. Cùng với đó là tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao.

Khó kỳ vọng “một con sóng lớn” dù ngành thép tạm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Ông Trần Đình Long cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã đi qua

Phát biểu của ông Long khiến cho giới đầu tư ngầm hiểu là HPG đang bế tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế, sau khi ghi nhận mức lỗ kỷ lục 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022, HPG vẫn tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm trong 2 tháng đầu năm 2023.

Trước đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng hồ hởi công bố thời điểm xấu nhất của ngành thép đã qua đi qua. “Chưa bao giờ, HSG tốt như bây giờ, với những điều kiện căn bản để phát triển trong tương lai. Hiện tại, lợi nhuận mảng tôn cao hơn đối thủ 10% nhờ thương hiệu, lợi nhuận xuất khẩu cao hơn 3-5% so với đối thủ, chi phí khấu hao thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành”- ông Vũ khẳng định.

Trong khi đó, lãnh đạo Thép Nam Kim (NKG) dù từ chối đưa nhận định cụ thể về ngành thép tuy nhiên vẫn nhấn mạnh giai đoạn khó khăn nhất 2 quý vừa rồi đã qua, khởi đầu năm 2023 dự đoán ổn hơn.

Giá thép "quay đầu" giảm

Mặc dù ngành thép được cho rằng, sẽ khởi sắc hơn so với năm trước, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn hiện hữu. Tại Hội nghị triển vọng thị trường thép Việt Nam - Trung Quốc, ông Đoàn Danh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định xét trên các khía cạnh về cung - cầu và giá nguyên vật liệu chưa thể khẳng định giai đoạn khó khăn của ngành thép đã đi qua và sẽ bước vào thời kỳ phục hồi.

Ông Tuấn cho biết thêm, hầu hết hoạt động sản xuất bị đình trệ, khó quay lại trong năm 2023 và cán cân cung - cầu thép thời điểm hiện tại vẫn không thay đổi nhiều. Trong kịch bản xấu, tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2023.

Một số doanh nghiệp lớn sản xuất thép như Hòa Phát, Thép Việt Ý, Thép Việt Đức,.. đã đồng loạt giảm tiếp 100.000 – 610.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, đây là đợt giảm giá thứ 2 kể từ đầu năm 2023.

Trong đó, doanh nghiệp hàng đầu ngành thép là Hòa Phát đã thực hiện đợt giảm giá lần thứ 2 vào ngày 12/4. Cụ thể, đối với dòng thép cuộn CB240 giảm thêm 460.000 đồng/tấn và thanh vằn D10 CB300 giảm thêm 310.000 đồng/tấn tại miền Bắc so với ngày 11/4.

Ghi nhận trên thị trường quốc tế, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc quay đầu giảm về 3.972 CNY/tấn, giảm 9% so với đỉnh ngắn hạn 1 tháng trước. Cùng xu hướng, giá HRC cũng phá vỡ xu hướng tăng giá từ đầu năm 2023, giảm mạnh hơn 15% kể từ đỉnh đầu tháng 3/2023, xuống còn 1.107 USD/tấn.

Triển vọng ngành thép trong năm 2023

Nhận định về thị trường thép trong năm 2023, bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành thép sẽ có tăng trưởng dương về mặt lợi nhuận trong năm nay bởi trong năm vừa qua, ngành thép có nền thấp khi những ngân hàng, xuất nhập khẩu... có mức lợi nhuận rất cao.

Khó kỳ vọng “một con sóng lớn” dù ngành thép tạm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

"Nếu nhìn sâu vào từng doanh nghiệp trong ngành thép, những yếu tổ tích cực trong ngắn hạn rất ít, đi kèm với rủi ro nhiều hơn... Ở thời điểm hiện tại, thị trường xuất khẩu đang gặp khó, có một vài điểm sáng tại các thị trường như Mỹ - có triển vọng tốt hơn châu Âu; trong khối ASEAN xuất khẩu sang Indonesia tốt hơn Thái Lan hay Singapore", bà Khánh Hiền cho hay.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, với doanh nghiệp có thể linh hoạt dịch chuyển thị phần hướng đến những thị trường tốt sẽ nắm bắt được cơ hội. Tuy nhiên, một vấn đề phải đối mặt đó là không phải doanh nghiệp nào cũng nhanh chóng giải quyết vấn đề hàng tồn kho giá cao vẫn còn tại các nhà máy.

Hiện tại, 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.

“Chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khoảng 9% trong năm 2023. Hầu hết các tổ chức dự báo giá thép giảm 3% so với năm 2022. Tuy nhiên, về lâu dài nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc đối với các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép và giúp biên lợi nhuận ngành tìm đến điểm cân bằng”, bà Khánh Hiền nói.

Cần phải lưu ý rằng, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, qua đó ngành thép cũng trực tiếp bị ảnh hưởng. Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá việc ban hành Nghị định 08 về quy định chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ là động lực để thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn về dòng tiền. Do đó, KBSV dự báo sản lượng tiêu thụ của ngành thép vẫn duy trì mức thấp trong quý 2/2023.

Theo phân tích của KBSV, giá nguyên vật liệu sẽ giảm trong các quý tới các quốc giá xuất khẩu nguyên vật liệu thép lớn như Brazil, Australia có thể sẽ hạ giá bán để đảm bảo thu hút khách hàng khi nhu cầu tiêu thụ lớn tại Trung Quốc cũng sẽ suy giảm. Cùng với đó, doanh nghiệp tại Mỹ cũng có kế hoạch khởi động lại các nhà lò cao để phục vụ cho nhu cầu của thị trường với sự thiếu hụt nguồn cung ghi nhận trong quý 1/2023.

Do đó, KBSV cho rằng giá thép trên thị trường quốc tế cũng sẽ có sự suy giảm trong các quý tới đây trong bối cảnh nguồn cung được khôi phục nhưng sản lượng tiêu thụ ở mức thấp khi nhu cầu về Bất động sản tại trường Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.

KBSV ước tính đà tăng đột biến của giá HRC trong tháng 2 và tháng 3/2023 cũng đã giúp cho HPG, HSG, NKG cải thiện được kết quả kinh doanh của mình trong quý I/2023, tuy nhiên trong các quý sắp tới thì các doanh nghiệp trên vẫn sẽ gặp khó khăn về sản lượng tiêu thụ do nhu cầu yếu từ lĩnh vực Bất động sản.

Với đặc tính sản lượng thép bán ra phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản nội địa, Mirae Asset cho rằng việc ngành bất động sản trầm lắng trong năm 2023, sẽ kéo theo nhu cầu thép trong nước sẽ khó có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản. Từ đó, đội ngũ phân tích dự phóng sản lượng thép nội địa trong năm 2023 giảm 11% về mức 17 ,89 triệu tấn trước khi hồi phục về mức sản lượng 19 ,3 triệu tấn vào năm 2024.

Định giá cổ phiếu thép về mức hấp dẫn

Về triển vọng cổ phiếu thép, KBSV đánh giá trung lập với HPG, HSG và NKG. Cổ phiếu thép đã tăng trung bình 10-20% trong quý I/2023 sau mức suy giảm mạnh trong quý IV/2022 khi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Sự suy giảm trong hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép cũng đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, KBSV cho rằng, giai đoạn phía trước vẫn còn khá nhiều rủi ro chủ yếu liên quan tới sản lượng tiêu thụ do tác động từ thị trường Bất động sản. KBSV khuyến nghị các nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh sâu khi mặt bằng P/B giảm xuống vùng thấp của lịch sử trước khi thực hiện tích lũy từng phần với mục tiêu dài hạn.

Trên thực tế, chỉ hơn 2 tháng sau khi tạo đáy hồi tháng 11/2022, hầu hết các cổ phiếu thép đều đã tăng hàng chục %, trong đó POM, HPG tăng trên dưới 50%, thậm chí HSG hay NKG còn gấp đôi thị giá vùng đáy. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành thép sau giai đoạn hồi phục mạnh này đã có sự chững lại rõ rệt kể từ đầu tháng 2 tới nay.

Hiện, phần lớn các cổ phiếu vẫn còn giảm rất sâu so với đỉnh, trong đó bộ 3 HPG, HSG, NKG đều đã mất khoảng 40-60% so với thời điểm cách đây một năm. Khả năng cao, sự suy giảm trong hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép cũng đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu.

Thị giá có phần chững lại khiến mức định giá của hầu hết các cổ phiếu thép đều gần bằng hoặc thậm chí xuống dưới giá trị sổ sách. Về cơ bản, việc cổ phiếu thép chiết khấu sâu về định giá thấp hiếm thấy chưa đủ để "châm ngòi" cho dòng tiền bắt đáy trở lại khi triển vọng chưa thật sự "sáng cửa".

Doanh nghiệp thép dù tạm vượt qua giai đoạn kinh doanh khó khăn nhất, song khó có thể kỳ vọng một con sóng lớn vào lúc này khi ngành thép vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức thời gian tới, đặc biệt khi chu kỳ tăng trưởng ngành thép đã qua.

P/B của các cổ phiếu thép đều xấp xỉ, thậm chí dưới 1
P/B của các cổ phiếu thép đều xấp xỉ, thậm chí dưới 1
Cổ phiếu vận tải biển còn đó những khó khăn trong năm 2023

VNDirect cho rằng, ngành cảng và vận tải biển toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do suy thoái kinh tế gây ...

Thấy gì từ kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết?

Theo thống kê mới nhất từ FiinTrade, tính đến ngày 11/4/2023, có 358/1685 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết, chiếm 52% tổng giá trị ...

Cổ phiếu ngân hàng dưới góc nhìn chuyên gia

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng cao nhất thị trường và cao hơn ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán