Khát khao đưa sản phẩm ớt rừng mang thương hiệu ''quê'' tới cộng đồng

(Banker.vn) Không chỉ khát khao đưa sản phẩm ớt rừng xóc muối tới cộng đồng, tác giả của sản phẩm này còn nung nấu định vị thương hiệu sản phẩm mang dấu ấn quê hương.
70 gian hàng tham gia Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc Đưa sản phẩm OCOP vào kênh bán lẻ hiện đại: Khó cũng phải làm Mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vào siêu thị, chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử

Giữa dòng chảy sôi động của cuộc sống hôm nay, vẫn có những người kiên trì khởi nghiệp xây dựng những sản phẩm OCOP mang hương vị quê hương để làm phong phú cho sự lựa chọn hàng hoá cho cộng đồng.

Nhân vật trong câu chuyện này là anh Bùi Hải Nguyên (sinh năm 1987) ở xã thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Cũng như nhiều gia đình tại địa phương, gia đình anh Nguyên có nguồn thu nhập từ nghề trồng cây keo từ nhiều năm nay. Không bằng lòng với thu nhập từ cây keo, lại chứng kiến nỗi vất vả của bố mẹ đã thôi thúc anh Nguyên tìm phương kế làm giàu ngay tại quê hương trong thời đại thương mại số đang lên ngôi và trở thành sự lựa chọn của nhiều người trẻ.

Khát khao đưa sản phẩm ớt rừng mang thương hiệu ''quê'' tới cộng đồng
Sản phẩm "Ớt rừng xóc muối" của cơ sở anh Bùi Hải Nguyên

Giữa “rừng” sản phẩm có thể đưa lên mạng, anh Nguyên đã quyết định chọn trái ớt để mở ra con đường khởi nghiệp. Những trái ớt núi nhỏ, xanh thắm, vị cay thanh thanh từ núi rừng Hoà Bình đã nhanh chóng “bén duyên” với anh để rồi xuất hiện trên các ứng dụng mạng xã hội với thương hiệu “Ớt rừng xóc muối”.

Quy trình chế biến cũng không quá phức tạp. Trái ớt rừng còn xanh, sau khi thu hái về được rửa dưới vòi nước sạch, sau thời gian để ráo nước, ớt được cho vào lọ thủy tinh 200g, thêm vào đó là muối ăn với tỷ lệ nhất định, công đoạn cuối cùng là hàn miệng chai và đóng gói sản phẩm.

Làm ớt rừng kiểu này anh Nguyên cho biết, ở Hoà Bình đã có nhiều cơ sở làm nhưng cơ sở của anh là nơi cung cấp đều đặn và ổn định ra thị trường trong và ngoài huyện từ 800 - 1.000 chai ớt tươi xóc muối.

Việc tận dụng các kênh thương mại điện tử đã chắp cánh cho sản phẩm “Ớt rừng xóc muối” bay xa trong đó kênh TikTok chiếm khoảng 90%. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng cơ sở của anh thu lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng, không những vậy còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Khát khao đưa sản phẩm ớt rừng mang thương hiệu ''quê'' tới cộng đồng
Anh Bùi Hải Nguyên với sản phẩm “Ớt rừng xóc muối”

Anh Nguyên cho biết thêm, ban đầu nguyên liệu ớt được anh thu mua từ các nhà vườn địa phương. Để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, anh Nguyên đã bàn bạc cùng gia đình tận dụng những khoảng đất trong rừng keo gia đình để phát triển vườn trồng. Đến nay đã hoàn chỉnh diện tích 3ha chuyên dành cho trồng ớt để chế biến sản phẩm.

Phản hồi của thị trường với sản phẩm là rất tích cực. Sản phẩm “Ớt rừng xóc muối” của cơ sở anh Nguyên được ghi nhận là giữ nguyên hương vị đặc trưng của trái ớt rừng, không quá cay, mang rõ vị thảo mộc, và đã gây không ít “thương nhớ” vị ớt với nhiều người dùng.

Anh Nguyên cho biết, hiện nay, cơ sở của anh đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xét duyệt sản phẩm OCOP để sản phẩm “Ớt rừng xóc muối” có thêm cơ hội bay xa đến với thị trường nhờ được sự hỗ trợ từ cách chính sách quảng bá sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Khoan Dụ cho biết, xã Khoan Dụ đánh giá rất tích cực mô hình làm kinh tế thành công của anh Nguyên, cho dù mới triển khai được 2 năm nay. Lãnh đạo xã Khoan Dụ đang tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ với các cấp của huyện Lạc Thuỷ và tỉnh Hoà Bình để sớm "gắn sao" cho sản phẩm Ớt rừng xóc muối của anh Nguyên. Trong nhiều hội chợ tại địa phương, sản phẩm ớt của cơ sở anh Nguyên đã được quảng bá, giới thiệu và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Vừa tham gia công tác tại xã (anh Nguyên hiện là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Khoan Dụ), vừa tham gia làm kinh tế, mô hình của cơ sở sản xuất của anh Nguyên có tính lan toả hình ảnh quê hương cũng như khẳng định ý chí vươn lên cùng cộng đồng của những con người nơi đây.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục