Khai thác cát trái phép tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp

(Banker.vn) Cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng khai thác cát trái phép ở Hà Nội và một số địa phương diễn biến phức tạp.
Hà Nội: Bắt tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng TP. Hồ Chí Minh: Phá đường dây khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Đồng Nai "Ông trùm" khai thác cát lậu ở lòng hồ Sông Đà khiến cả vợ con vướng vòng lao lý

Lo lắng về tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Chiều ngày 19/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2 năm 2024.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội; đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về thời gian gần đây vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm chết và bị thương nhiều người; tình hình ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội; tình trạng nắng nóng gay gắt kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng, thiếu nước sản xuất ở nhiều nơi; giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng.

Tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng, không đủ cung cho các công trình trọng điểm quốc gia và nhu cầu xây dựng khác làm chi phí đầu tư tăng cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình, dự án; tình trạng khai thác cát trái phép ở Hà Nội và một số địa phương diễn biến phức tạp; tình trạng vật nuôi chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại tấn công người; tình trạng thiếu thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Bên cạnh đó, cử tri phản ánh hiện nay một số bệnh nhân chưa được điều trị dứt bệnh nhưng do hết thời gian điều trị nội trú tại các cơ sở y tế theo quy định bảo hiểm y tế nên phải làm thủ tục xuất viện, sau đó mới nhập viện lại để được tiếp tục điều trị, quy định này đã gây khó khăn cho người dân khi điều trị bệnh…;

Việc chi chế độ cho người có công với cách mạng được chuyển vào tài khoản ngân hàng đang gây khó khăn cho người cao tuổi trong việc đi lại rút tiền, nhất là người cao tuổi sống tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới không ghi thời hạn hết hiệu lực trên thẻ, điều này gây khó khăn cho người sử dụng trong việc theo dõi thời gian hết hạn của thẻ để đóng tiếp.

Tính đến nay, Ban Dân nguyện đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 1.290/2.216 kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, đối với kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 6, đã có 1.236 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời. Hiện còn 56 kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời.

Đối với kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 6, đã có 54 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời. Hiện còn 870 kiến nghị còn trong thời hạn giải quyết đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định.

Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, về cơ bản các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 6.

Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng chậm giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đến nay mặc dù đã quá thời hạn trả lời gần 2 tháng nhưng vẫn còn 56 kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 6 chưa được giải quyết, trả lời.

Ban Dân nguyện đã ban hành công văn đôn đốc gửi đến một số bộ, ngành yêu cầu trả lời đầy đủ các kiến nghị trên. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.

Về công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 182 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 191 vụ việc và có 23 lượt đoàn đông người.

Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 18 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 4 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 169 vụ việc.

Các cơ quan đã tiếp nhận và xử lý được 1.238 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến; trong đó có 201 đơn đủ điều kiện xử lý, 1.037 đơn không đủ điều kiện xử lý đã thực hiện lưu đơn theo quy định.

Qua nghiên cứu 201 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 130 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 48 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 18 đơn, tiếp tục xếp lưu 5 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và nhận được 90 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Qua công tác xử lý đơn thư, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát đối với 4 vụ việc cụ thể.

Tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát

Ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay.

Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát, tăng giá các mặt hàng trên thị trường; triển khai thực hiện nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi, tuyên truyền vận động để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Tiếp tục chỉ đạo bộ ngành có liên quan có giải pháp cho khai thác mỏ tạo nguồn cung, hạ giá thành để đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình xây dựng khác…

Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả việc phòng, chống cháy rừng; chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, tiếp tục thực hiện chi tiền mặt cho đối tượng là người có công với cách mạng, nhất là người cao tuổi sống tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, chỉ đạo Bộ Y tế có giải pháp hữu hiệu đảm bảo đầy đủ vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập; xem xét, điều chỉnh quy định thời gian điều trị nội trú Bảo hiểm y tế cho phù hợp nhằm đảm bảo thuận lợi trong công tác khám, chữa bệnh của người dân, chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét thiết kế lại mẫu thẻ bảo hiểm y tế để người tham gia bảo hiểm có thể theo dõi hạn sử dụng tiện lợi và dễ dàng hơn.

Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương giải quyết dứt điểm hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự và khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan ở Trung ương; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với thế lực phản động, lợi dụng một số vụ việc khiếu kiện đông người để lôi kéo, kích động, gây phức tạp về an ninh trật tự, vi phạm pháp luật.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương