Khái niệm về biên an toàn, nội dung và ý nghĩa biên an toàn

(Banker.vn) Biên an toàn là một thuật ngữ phổ biến trong giới đầu tư, được phát triển bởi Benjamin Graham – nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ gốc Anh, (được biết đến là cha đẻ của đầu tư giá trị). Vậy biên an toàn là gì và vì sao biên an toàn lại quan trọng? Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ về vấn đề này.

Khái niệm biên an toàn

Biên an toàn (Margin of Safety) là một nguyên tắc đầu tư mà bạn chỉ mua chứng khoán khi giá thị trường thấp hơn nhiều so với giá trị thực của chứng khoán đó. Khoảng chênh lệch giữa hai giá trị trên được gọi là biên an toàn.

Các nhà đầu tư có thể tự thiết lập một mức độ an toàn theo nhu cầu, sở thích rủi ro của riêng bạn. Khi mua chứng khoán dựa trên biên an toàn sẽ giúp bạn giảm thiểu được khả năng các rủi ro xảy ra.

Khái niệm về biên an toàn, nội dung và ý nghĩa biên an toàn

Để dễ hiểu hơn, bạn có thể so sánh với hình ảnh chiếc cầu để làm ví dụ minh họa. Một cây cầu được xây dựng có mức chịu đựng là 20 tấn, một chiếc xe 10 tấn đi qua cầu sẽ an toàn hơn so với chiếc xe 20 tấn. 10 tấn còn lại (tương đương với 50%) được xem là biên an toàn.

Việc đầu tư chứng khoán cũng tương tự. Bạn đánh giá mã chứng khoán này có giá trị 30.000 đồng, việc mua nó ở mức giá 20.000 đồng sẽ là biên an toàn trong trường hợp phân tích của bạn không chính xác. Và thực chất cổ phiếu có giá trị thực là 25.000 đồng nên bạn sẽ không bị lỗ.

Ý nghĩa của nguyên tắc biên an toàn

Thị trường chứng khoán vốn luôn không ngừng biến động. Bạn có thể tìm biên an toàn của mình bằng cách xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính và so sánh nó với giá trị vốn hóa trên thị trường hiện tại. Điều này giúp bạn nắm được chứng khoán của doanh nghiệp đó đang được giao dịch cao/thấp hơn hay ngang bằng với giá trị thực của nó.

Hơn nữa, các nhà đầu tư có thể giảm thiểu các rủi ro xảy ra bằng cách tìm các công ty có tiềm lực về kinh tế, tài chính phù hợp, lợi thế cạnh tranh và ROIC (tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư) nhất quán.

Tuy nhiên, việc tính toán giá trị nội tại này cũng mang tính chất phỏng đoán vì bạn không thể biết trước được điều gì xảy ra đối với doanh nghiệp trong tương lai. Do đó, biên an toàn không hoàn toàn đảm bảo rằng quyết định đầu tư chắc chắn sẽ có hiệu quả và có thể khiến các đánh giá của bạn bị sai lệch. Tuy nhiên, biên an toàn có thể giảm nhẹ được các rủi ro khi đưa ra quyết định đầu tư.

Nội dung của nguyên tắc biên an toàn

Thuật ngữ "Biên an toàn" được phổ biến bởi nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ gốc Anh, Benjamin Graham (được biết đến là cha đẻ của đầu tư giá trị) và những học trò của ông, trong đó nổi bật là Warren Buffett.

Các nhà đầu tư sử dụng cả các yếu tố định tính và định lượng, bao gồm quản lí doanh nghiệp, quản trị, hiệu suất ngành, tài sản và thu nhập, để xác định giá trị nội tại của chứng khoán.

Giá thị trường sau đó được sử dụng làm điểm so sánh để tính biên độ an toàn. Buffett, một người tin tưởng vào biên độ an toàn và đã tuyên bố đây là một trong những "nền tảng đầu tư" của mình, được biết là áp dụng mức chiết khấu 50% cho giá trị nội tại của cổ phiếu như mục tiêu giá của mình.

Việc đánh giá giá trị thực hay giá trị nội tại của một công ty thường thường bị ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người phân tích. Mỗi nhà đầu tư có một cách khác nhau để tính toán giá trị nội tại của một công ty, cách tính đó có thể đúng có thể sai. Hơn thế nữa, trên thực tế việc dự báo doanh thu và lợi nhuận là vô cùng khó khăn.

Nguyên tắc của Graham dựa trên những sự thật đơn giản:

Ông biết rằng một cổ phiếu có giá 1 USD ngày hôm nay có thể có giá trị tương đương 50 xu hoặc 1,5 USD trong tương lai.

Ông cũng nhận ra rằng giá trị hiện tại 1 USD có thể bị mất đi, điều đó có nghĩa là ông sẽ phải chịu rủi ro không cần thiết. Ông kết luận rằng nếu ông có thể mua một cổ phiếu với giá chiết khấu so với giá trị nội tại của nó, ông sẽ hạn chế đáng kể tổn thất có thể gặp phải.

Mặc dù không có gì đảm bảo rằng giá cổ phiếu sẽ tăng, nhưng việc chiết khấu mang lại biên độ an toàn mà ông cần để đảm bảo rằng tổn thất ở mức tối thiểu.

Minh Đức

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán