Kết quả kinh doanh quý II ngành xây dựng: Vui thì ít, buồn thì nhiều

(Banker.vn) Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu xây dựng được quan tâm nhất trên thị trường đều đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, khép lại một kỳ kinh doanh vui ít, buồn nhiều.
Kết quả kinh doanh quý II ngành xây dựng: Vui thì ít, buồn thì nhiều
Kết quả kinh doanh quý II ngành xây dựng: Vui thì ít, buồn thì nhiều

Thống kê của Kinhtechungkhoan.vn về kết quả kinh doanh của 10 “ông lớn”, bao gồm nhóm các đơn vị tham gia dự thầu gói 5.10 thuộc dự án Sân bay Long Thành và các doanh nghiệp xây dựng “đình đám” khác cho thấy, khó khăn dường như vẫn chưa “buông tha” cho ngành xây dựng.

Chất lượng lợi nhuận

Kỳ kinh doanh quý II/2023 chứng kiến màn “lội ngược dòng” kịch tính đến từ Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC). Mặc dù doanh thu thuần giảm 45%, về mức 2.298 tỷ đồng và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 68 tỷ đồng, nhưng nhờ khoản tiền 656 tỷ đồng thu được từ hoạt động thu thanh lý tài sản cố định, vật tư, kết quả sau cùng đã “đảo chiều” một cách “ngoạn mục”.

Từ thua lỗ, Hoà Bình báo lãi sau thuế đạt 546 tỷ đồng, cao gấp 12 lần so với cùng kỳ. Đây là một kết quả vô cùng khả quan đối với “ông lớn” ngành xây dựng khi mà ngay trước đó, quý I/2023, doanh nghiệp này thua lỗ 445 tỷ đồng, lỗ nặng nhất sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, đáng chú ý, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Hoà Bình lại ghi nhận tiền thu từ thanh lý, bán tài sản cố định và tài sản dài hạn khác trong kỳ bằng 0. Như vậy, có thể thấy dòng tiền thu về từ thanh lý tài sản của Hoà Bình chưa phát sinh trong 6 tháng đầu năm, không loại trừ việc thanh toán có thể được trả chậm hoặc bù trừ công nợ.

Trong khi đó, Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) – “đồng minh” của Hoà Bình trong Liên danh Hoa Lư tại gói thầu 5.10 thuộc dự án Sân bay Long Thành báo lãi cao nhất 2 năm gần đây. Cụ thể, doanh nghiệp này báo lãi II/2023 đạt hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 24 tỷ đồng. Đây cũng là kỳ kinh doanh ghi nhận lợi nhuận cao nhất kể từ quý III/2021.

Dù vậy, nếu xem xét từng chỉ tiêu, sự tăng trưởng lợi nhuận này chủ yếu đến từ việc tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp chứ không phải hoạt động kinh doanh. Doanh thu thuần quý II/2023 của Coteccons chỉ tăng 10% so với cùng kỳ, lên gần 3.619 tỷ đồng. Song, do giá vốn hàng bán mạnh hơn mức tăng doanh thu, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp tụt dốc 53%, xuống còn 101 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu tài chính cũng “đi lùi”, giảm 38% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 94 tỷ đồng.

Đáng nói, trong thời gian gần đây, Coteccons đang vướng vào những “lùm xùm” với Ricons về vấn đề công nợ và bị doanh nghiệp này yêu cầu phá sản. Trong cuộc “chạy đua” cho gói thầu 5.10, Ricons là một thành viên trong Liên danh Vietur - đối thủ của Coteccons.

Kết quả kinh doanh quý II ngành xây dựng: Vui thì ít, buồn thì nhiều
Nhóm doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng bao gồm: Hoà Bình, Ricons, Coteccons và Xuân Mai

Về phía Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Ricons, quý II/2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.102 tỷ, giảm 24% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, giống như Hoà Bình và Coteccons, do ảnh hưởng của giá vốn hàng bán tăng mạnh, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 170% lên mức 27 tỷ đồng, cộng thêm phần lãi từ công ty liên kết tăng đột biến gấp 30 lần cùng kỳ lên hơn 63 tỷ đồng, trừ đi các loại chi phí, Ricons vẫn lãi sau thuế 52 tỷ đồng trong quý 2, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn Coteccons.

Trong nhóm các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng còn có sự góp mặt của một đại diện thuộc Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (UPCoM: XMC).

Doanh nghiệp này báo lãi sau thuế đạt gần 19 tỷ đồng, tăng 60% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Xuân Mai khi quý trước đó, doanh nghiệp này đã thua lỗ 8 tỷ đồng. Giải trình biến động lợi nhuận, doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân là do doanh thu từ hoạt động bán hàng quý II/2023 tăng gần 289 tỷ đồng so với quý II/2022.

Song trên thực tế, mặc dù doanh thu thuần của Xuân Mai chứng kiến bước tăng trưởng nhảy vọt so với cùng kỳ, ở mức hơn 100%, từ 284 tỷ đồng lên 571 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng tới 105%, đạt 505 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 67 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, chi phí bỏ ra trong kỳ thậm chí còn cao hơn doanh thu. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tăng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động doanh thu rút xuống còn hơn 25 tỷ đồng. Điểm sáng nhất trong báo cáo tài chính phải kể đến sự tiết giảm mạnh mẽ các khoản chi phí khác, từ mức hơn 8 tỷ xuống còn 373 triệu đồng.

Nhìn chung, mặc dù đều ghi nhận chuyển biến tích cực về lợi nhuận trong quý II/2023, nhưng cả Hoà Bình, Coteccons, Ricons hay Xuân Mai vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức tiềm tàng. Rõ ràng là, chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp này chưa cao, bởi nó không xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà là từ lợi nhuận khác mang tính đột biến, thời điểm và không ổn định. Đáng nói, giá vốn hàng bán tăng cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các nhà thầu.

Chưa thể "rã băng"

Trong bối cảnh cuộc chạy đua giành gói thầu 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành đang nóng lên từng ngày, đòi hỏi các đơn vị xây dựng phải khẳng định vị thế và tiềm lực tài chính, các thành viên thuộc Liên danh Vietur của Ricons vẫn phải “ngậm ngùi” công bố kết quả kinh doanh “kém sắc”.

Kết quả kinh doanh quý II ngành xây dựng: Vui thì ít, buồn thì nhiều
Tóm tắt một số chỉ số tài chính quý II/2023 của 10 nhà thầu xây dựng thu hút sự quan tâm nhất hiện nay

Theo báo cáo tài chính của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG), mặc dù doanh thu thuần tăng trưởng vượt trội tới 110% so với cùng kỳ, lên mức 4.567 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ nhưng việc các chi phí bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao đã “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Chưa kể, Vinaconex còn ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết lên tới 12,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái vẫn có lãi nhẹ. Do đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sụt giảm 24,3% , còn 130 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, Tổng công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) ghi nhận quý lỗ đầu tiên kể từ quý I/2023. Kỳ kinh doanh này, doanh thu thuần của CC1 đạt 1.236 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Không chỉ có doanh thu từ hoạt động cốt lõi đi xuống, doanh thu tài chính cũng giảm 20%, xuống còn 77 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay tăng 21%, lên 125 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm ở các mức 97% và 35%, xuống tương ứng 200 triệu đồng và 44 tỷ đồng nhưng do chi phí thuế hiện hành tăng 20%, CC1 lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý II/2023, trong khi cùng kỳ lãi 13 tỷ đồng.

Không thua lỗ như CC1 nhưng thành viên còn lại của Liên danh Vietur là Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC) cũng có một kỳ kinh doanh “bết bát” với lợi nhuận ròng chỉ đạt vỏn vẹn 820 triệu đồng, lao dốc 92% từ khoản lãi gần 10 tỷ đồng ghi nhận vào quý I/2022.

Đáng nói, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đã tăng 35%, lên mức 376 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, trong bối cảnh siết chặt tín dụng khiến cho toàn ngành xây dựng gặp khó khăn về dòng tiền, công tác nghiệm thu thanh quyết toán đình trệ, dòng tiền thanh toán của chủ đầu tư chậm trễ trực tiếp dẫn tới hệ quả là chi phí lãi vay tăng thêm 64% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy doanh nghiệp vào cảnh thua lỗ.

Bên cạnh các doanh nghiệp nêu trên, các tên tuổi lớn trong ngành xây dựng như, các nhà thầu xây dựng lớn như Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HOSE: HTN), Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 (UPCoM: C4G) hay Tổng Công ty Licogi (UPCoM: LIC) cũng ghi nhận những kết quả không mấy sáng sủa.

Mặc dù đã “vực dậy” sau kinh doanh quý I/2023 thua lỗ nhưng khoản lợi nhuận sau thuế 49 tỉ đồng của Hưng Thịnh Incons đã giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hưởng lợi từ “cú huých” đầu tư công nhưng CIENCO 4 vẫn chưa thể bứt tốc. Do lãi suất tăng cao, đã đẩy chi phí tài chính nhảy vọt 106%, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này giảm 21% so với cùng kỳ, đạt 37 tỷ đồng.

Về phía Licogi, doanh nghiệp này vẫn chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ. Dù vậy, kết thúc quý II/2023, Licogi báo lỗ hơn 19 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 43 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán