Kẻ lỗ nặng, người lãi to, UNIQLO có gì khi quyết tâm đầu tư vào thị trường bán lẻ?

(Banker.vn) Bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam đang đan xen những sắc màu và việc mở rộng cửa hàng của UNIQLO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Đâu là những xu hướng của bán lẻ năm 2024? Thị trường bán lẻ 2024: Khá lạc quan nhưng thận trọng

Bức tranh sáng tối đan xen trên thị trường bán lẻ

UNIQLO - thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản, vừa công bố kế hoạch khai trương cửa hàng tiếp theo tại TP. Hồ Chí Minh. Cửa hàng mới sẽ chính thức mở cửa chào đón khách hàng tới tham quan và mua sắm vào ngày 20/7/2024 tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Grand Park.

UNIQLO Vincom Grand Park chính là cửa hàng thứ 11 của UNIQLO tại TP. Hồ Chí Minh và là cửa hàng thứ 24 tại Việt Nam, hoạt động song song cùng cửa hàng trực tuyến UNIQLO.com. Tròn 4 năm có mặt tại Việt Nam, nhà bán lẻ quần áo nổi tiếng của Nhật Bản đã có nhiều cửa hàng quy mô lớn và mang tính biểu tượng như UNIQLO Hoàn Kiếm, UNIQLO Saigon Centre, UNIQLO Đồng Khởi...

Kẻ lỗ nặng, người lãi to, UNIQLO có gì khi quyết tâm đầu tư vào thị trường bán lẻ?
UNIQLO sắp mở thêm cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh

Tham vọng mở rộng chuỗi cửa hàng tại Việt Nam cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam với sức mua tăng cao ở cả mảng bán lẻ trực tiếp và trực tuyến tiếp tục là thị trường hấp dẫn của các “đại gia”. Tuy nhiên, hấp dẫn không có nghĩa là “dễ ăn”, nhìn vào bức tranh sản xuất kinh doanh của các “đại gia” bán lẻ thời gian qua, có thể thấy rõ những sắc màu sáng tối đan xen.

Theo thông tin Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce công bố tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây, năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế 599,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 1.981,1 tỷ đồng. Như vậy tính trung bình mỗi ngày năm vừa qua chủ chuỗi siêu thị Winmart lỗ cỡ 1,6 tỷ đồng, đối lập với mức lãi 5,4 tỷ đồng/ngày của năm 2022.

Ở một diễn biến khác, một “đại gia” bán lẻ khác là Saigon Co.op lại có kết quả sản xuất kinh doanh khả quan hơn. Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh, công tác xây dựng Đảng năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 tổ chức vào tháng 3/2024, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã sự cạnh tranh từ các đối thủ cũng như các yếu tố khó khăn nội tại, Saigon Co.op vẫn duy trì doanh số năm 2023 đạt gần 30.000 tỷ đồng nhờ kiểm soát khá tốt chi phí, bảo đảm hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong đó, doanh số bán hàng trực tuyến đạt gần 1.702 tỷ đồng, tăng trưởng 20,7% so với cùng kỳ.

Trong bức tranh sáng tối đan xen của các doanh nghiệp bán lẻ nội, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Central Retail ghi nhận mức doanh thu 1,35 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2023, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, bức tranh năm 2024 đã sáng sủa hơn cho nhà bán lẻ này. Theo báo cáo tài chính quý 1 năm 2024, doanh thu của nhà bán lẻ Thái Lan đạt con số 400,6 triệu USD tại Việt Nam, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, con số này bao gồm 355,4 triệu USD từ sản phẩm thực phẩm, còn lại là doanh thu đến từ các sản phẩm thời trang, đồ gia dụng và điện tử.

Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành thị trường lớn thứ hai của “gã khổng lồ” bán lẻ Thái Lan, chỉ sau thị trường nội địa với doanh thu 1,13 tỷ USD trong khoảng thời gian đầu năm 2024.

Triển vọng nào cho năm 2024?

Dù thị trường bán lẻ Việt Nam có những mảng màu sáng tối đan xen song nhìn chung, đây vẫn là thị trường hấp dẫn.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, thị trường Việt Nam với 100 triệu dân là thị trường hấp dẫn với người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, lượng người tiêu dùng trẻ với sức mua cao, nhu cầu lớn chính, ở cả mảng thương mại điện tử và bán lẻ trực tiếp chính là ưu điểm lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Các “đại gia” ngành bán lẻ cũng đang có những chiến lược riêng để chiếm lĩnh thị trường. Ví dụ, Saigon Co.op tung ra thị trường mô hình kinh doanh mới là Co.opmart Chợ Mới (An Giang) và Trung tâm thương mại SenseMarket – Co.opmart Cái Bè (Tiền Giang), với sự nghiên cứu và chuẩn hóa để phù hợp với các thị trường tuyến huyện, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy mạng lưới trong thời gian tới. Song song đó, công tác tìm kiếm các dự án cho giai đoạn 2024-2025 cũng được tập trung thực hiện, tạo nguồn dự án tốt để thúc đẩy tăng trưởng trong các năm tới.

Trong bối cảnh đó, UNIQLO sẽ mang gì đến với thị trường bán lẻ Việt Nam? Thứ nhất chính là thương hiệu Nhật Bản đã in đậm trong tâm trí khách hàng về chất lượng, độ bền và sự thân thiện với môi trường. Đây chính là lý do khiến 10.000 khách hàng đã xếp hàng trong sự kiện UNIQLO ra mắt tại Việt Nam lần đầu tiên năm 2019. Thương hiệu này nhanh chóng gây ấn tượng trong suốt thời gian qua khi không chỉ mang các sản phẩm chất lượng, tạo được dấu ấn trên toàn cầu như áo chống nắng UV Protection, AIRism, Heattech, áo phao Ultra Light Down, mà còn mang đến trải nghiệm mua sắm chuẩn toàn cầu, từ cách nhân viên phục vụ đến các yếu tố thuộc về thiết kế, bài trí bên trong cửa hàng.

Việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững cũng là yếu tố được Uniqlo đặc biệt quan tâm. Lần ra mắt ở TP Hồ Chí Minh này, UNIQLO cũng hợp tác với thương hiệu đối tác Xanh SM cung cấp mã ưu đãi giảm 35% với giá trị tối đa 50.000 đồng cho mỗi chuyến Xanh SM Taxi/Xanh SM Luxury/Xanh SM Bike đến hoặc đi từ cửa hàng UNIQLO Vincom Grand Park…

Dù bằng cách nào, các “đại gia” bán lẻ này đều đang nỗ lực mang đến những trải nghiệm tốt nhất. “Miếng bánh” thị trường bán lẻ Việt Nam càng hấp dẫn, người tiêu dùng càng được hưởng lợi.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương