Hướng đến chuẩn mực chung trong giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân

(Banker.vn) Ngày 13/10, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp với một số ngân hàng hội viên về “Bộ Quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân”.

Tham dự cuộc họp, về phía Ngân hàng Nhà nước có: ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối; bà Lê Thị Dung, Cục phó Cục I, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng; ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; bà Nguyễn Thị Vân Hoài, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; và đại diện một số tổ chức hội viên.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngày 18/7/2023, Hiệp hội Ngân hàng đã phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối tổ chức Tọa đàm “Hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài và các giải pháp kiểm soát hiệu quả”.

ae9i6281.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng đã báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả Tọa đàm, đề xuất kiến nghị của các tổ chức tín dụng (TCTD) và kế hoạch triển khai hoạt động kiểm soát giao dịch thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài. Trên cơ sở ý kiến của Thống đốc, Hiệp hội Ngân hàng đã phối hợp với một số ngân hàng hội viên nghiên cứu xây dựng Dự thảo “Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân” (gọi tắt là: Bộ Quy tắc).

Để đảm bảo tính thống nhất tại dự thảo, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp để trao đổi, góp ý cụ thể các nội dung Bộ Quy tắc.

ae9i6219.jpg
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối phát biểu tại cuộc họp

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, cho biết, giao dịch chuyển tiền quốc tế là lĩnh vực hết sức phức tạp, vừa mang tính chất thông lệ quốc tế, vừa mang tính chất cụ thể của từng trường hợp giao dịch. Tại Việt Nam, do từ trước tới nay không có quy định cụ thể nên cách hiểu và cách đặt vấn đề của từng cá nhân, tổ chức và cơ quan bảo vệ pháp luật có sự khác biệt. Qua đó, các tổ chức tín dụng gặp phải rất nhiều rủi ro và buộc phải chấp nhận.

“Điểm khó nhất là không có tiêu chí thống nhất để các cơ quan bảo vệ pháp luật và các tổ chức tín dụng cùng dựa theo thực hiện”, ông Đào Xuân Tuấn nói.

Vì vậy, Vụ Quản lý Ngoại hối phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng tiên phong dựa trên các hình thức và nguyên tắc thị trường để thực hiện chức năng quản lý. Việc đưa ra được thông lệ chung sẽ góp phần giúp các ngân hàng thống nhất thực hiện, qua đó tránh được các rủi ro liên quan.

Báo cáo tóm tắt về nội dung Dự thảo Bộ quy tắc, bà Nguyễn Thị Vân Hoài – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng - nhấn mạnh, trong giao dịch thanh toán quốc tế, pháp luật hiện không có quy định cụ thể về hồ sơ, chứng từ trong từng giao dịch cụ thể. Khi các TCTD cung cấp dịch vụ thanh toán, TCTD sẽ tự ban hành danh mục hồ sơ, chịu trách nhiệm kiểm tra hồ sơ về tính phù hợp với giao dịch thực tế của khách hàng. Do đó, việc kiểm soát hồ sơ sẽ phụ thuộc vào ý chí và sự nhận định về tính phù hợp của TCTD khi cung cấp dịch vụ.

ae9i6297.jpg
Bà Nguyễn Thị Vân Hoài – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng phát biểu tại cuộc họp

Theo đó, hạn chế mà các TCTD gặp phải là: Khó khăn trong việc xác định tính phù hợp giữa hồ sơ khách hàng cung cấp và giao dịch thực tế có phù hợp với quy định của pháp luật hay không; trong trường hợp khi có sự thanh kiểm tra từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, do pháp luật không có quy định cụ thể về hồ sơ trong từng giao dịch nên cơ quan thanh/kiểm tra có thể đưa ra sự nhận định về tính phù hợp về chứng từ giao dịch khác so với nhận định, giải trình của TCTD.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành “Bộ Quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân" sẽ rất cần thiết cho các TCTD tham khảo, rà soát lại quy định nội bộ để điều chỉnh phù hợp, tạo ra sự nhất quán thuận lợi cho TCTD khi thực hiện giao dịch với khách hàng và làm việc, giải trình với các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm toán….

Tại cuộc họp, đại diện một số tổ chức hội viên lưu ý đến vấn đề pháp lý của Bộ Quy tắc và chia sẻ những trường hợp cụ thể xảy ra trong thực tiễn để làm cơ sở xây dựng các quy định phù hợp với Bộ Quy tắc.

Về vấn đề cơ sở pháp lý, ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Bộ Quy tắc rõ ràng phải phù hợp với quy định pháp luật, tuy nhiên, về giá trị pháp lý vẫn cần cân nhắc thêm. Trước mắt, Bộ Quy tắc không phải là văn bản quy phạm pháp luật và mang tính chất tự nguyện áp dụng đối với các TCTD hội viên Hiệp hội Ngân hàng. Việc thực thi Bộ Quy tắc nên theo hướng dựa trên nhu cầu của TCTD. Đây sẽ là cơ sở để các TCTD có thể giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới.

ae9i6320.jpg
Ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại cuộc họp

Ngoài ra, cũng theo ông Phạm Thanh Ngọc, Bộ Quy tắc có ý nghĩa quan trọng khác là giúp các ngân hàng nhỏ tiếp cận được các quy chuẩn cao của các ngân hàng lớn, trước đây, những ngân hàng nhỏ vẫn còn gặp khó khăn hoặc chưa tiếp cận được.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, Vụ sẽ nỗ lực đồng hành, hỗ trợ Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD tối đa để xây dựng hoàn thiện và đưa Bộ Quy tắc đi đến thống nhất thực hiện.

Đồng thời, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối cũng đánh giá vai trò và vị thế của Hiệp hội Ngân hàng ngày càng thể hiện rõ nét trên thị trường tài chính tiền tệ và trong công tác quản lý nói chung của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm như quản lý ngoại hối.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, việc ban hành về Bộ Quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân là hết sức cần thiết. Đây là cơ sở để các TCTD đưa vào quy chế nội bộ.

ae9i6248-1-.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị trong thời gian tới, các ngân hàng hội viên tích cực hơn trong việc đóng góp ý kiến xây dựng Bộ Quy tắc và lưu ý: Tất cả những trường hợp phát sinh trong thực tiễn cần đưa vào làm cơ sở để xây dựng Bộ Quy tắc.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định sẽ cùng với Vụ Quản lý Ngoại hối có văn bản trình Thống đốc để cho phép Hiệp hội Ngân hàng xây dựng "Bộ Quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân” sử dụng trong nội bộ các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng. Sau khi được chấp thuận sẽ giao cho CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam thành lập nhóm xây dựng Bộ Quy tắc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tổ chức hội viên, tổ chức các cuộc họp từ đó soạn thảo dự thảo đầy đủ Bộ Quy tắc.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ