Houthi tuyên bố tấn công tàu Israel và Mỹ; các hãng vận tải lo lắng về tình hình Biển Đỏ

(Banker.vn) Lực lượng Houthi tuyên bố các tàu ở Biển Đỏ và Biển Ả Rập là mục tiêu hàng hải mới của họ.
Chiến sự Israel – Hamas ngày 14/1/2024: Israel không kích Hezbollah; Houthi đe dọa liên quân Houthi tấn công tàu chở dầu treo cờ Panama ở Biển Đỏ; chi phí vận chuyển Á-Âu tăng 400%

Houthi tuyên bố tấn công tàu Israel và Mỹ

Lực lượng Houthi ở Yemen cho biết, họ đã chuẩn bị một số tên lửa nhắm mục tiêu vào tàu chở hàng của Israel, tàu MSC Silver, ở Vịnh Aden, gần lối vào Biển Đỏ.

Theo người phát ngôn của lực lượng Houthi, Yahya Sarea, lực lượng này đã sử dụng UAV để nhắm mục tiêu vào một số tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ và Biển Ả Rập cũng như các địa điểm ở thị trấn Eilat phía nam Israel.

Tuy nhiên, Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh cho biết, tàu container bị Houthi nhắm tới treo cờ Liberia và đang hướng tới Somalia.

Houthi tuyên bố tấn công tàu Israel và Mỹ; các hãng vận tải lo lắng về tình hình Biển Đỏ
(Ảnh minh họa)

Theo ghi nhận, lực lượng Houthi đã tấn công các tàu có quan hệ thương mại với Mỹ, Anh và Israel. Bất chấp các cuộc tấn công của Mỹ - Anh vào các địa điểm quân sự của Houthi ở Yemen, lực lượng Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm vào các mục tiêu là tàu có liên kết với Israel để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine cho đến khi lực lượng Israel ngừng chiến sự ở Dải Gaza.

Người phát ngôn của Houthi, Mohammed Abdul Salam cho biết: “Không có mối nguy hiểm nào đối với hàng hải quốc tế hoặc châu Âu miễn là không có hoạt động gây hấn, do đó, không cần phải quân sự hóa Biển Đỏ. Điều mà thế giới đang nóng lòng chờ đợi không phải là việc quân sự hóa Biển Đỏ, mà là một tuyên bố khẩn cấp và toàn diện về lệnh ngừng bắn ở Gaza, vì những lý do nhân đạo”.

Các hãng vận tải lo lắng về tình hình Biển Đỏ

Theo ghi nhận kể từ khi lực lượng Houthi bắt đầu các cuộc tấn công vào tháng 12 năm ngoái, hầu hết các hãng vận tải ngừng sử dụng tuyến đường thông thường từ châu Á đến châu Âu qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.

Giám đốc điều hành hãng Ocean Network Express (Nhật Bản), Jeremy Nixon cho biết, nhiều hãng tàu đang gặp khó khăn về lịch trình.

Thay vào đó, các hãng chuyển sang tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng. Điều này khiến mỗi chuyến đi giữa châu Á và Bắc Âu mất thêm 10 ngày đến 2 tuần trong khi các tàu thường xuyên cập cảng không theo đúng lịch trình. Áp lực đảm bảo đúng lịch trình khiến các hãng tàu tranh chấp về neo đậu tại một số cảng, gây tình trạng ùn tắc.

Bên cạnh đó, các hãng vận tải container cũng đang đối phó với tình trạng thiếu tàu và ùn tắc tại các cảng khi cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ bước sang tháng thứ 3.

Việc chuyển hướng tuyến đường khỏi Biển Đỏ cũng gây nên tình trạng thiếu tàu. Một hành trình trên tuyến đường giữa châu Á và Bắc Âu qua Mũi Hảo Vọng và quay trở lại mất tới 102 ngày, đồng nghĩa một hãng vận tải sẽ cần triển khai 16 tàu cho dịch vụ hàng tuần, thay vì 12 tàu như trước đây.

Thanh Thảo

Theo: Báo Công Thương