Sau 20 năm hình thành, thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng cho nền kinh tế; hỗ trợ giảm áp lực đối với hệ thống tín dụng. Đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vươn lên nhóm đầu trong các thị trường ASEAN về thanh khoản giao dịch.
Tuy nhiên, trong năm nay đã xuất hiện một số vi phạm nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp, đặt ra yêu cầu lớn về bảo đảm tính minh bạch của thị trường chứng khoán. Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã có văn bản giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.
HOSE nhắc nhở, xử lý loạt 'ông lớn' vì lơ là nghĩa vụ công bố thông tin |
Thậm chí, Bộ cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra xử lý quỹ đầu tư trái phép, quỹ không hoạt động để rút giấy phép và xử lý theo quy định pháp luật.
Trong những ngày gần đây, HOSE đã có văn bản nhắc nhở, nặng hơn là có chế tài xử phạt với hàng loạt doanh nghiệp có tiếng trên thị trường, liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin.
Chẳng hạn mới đây, HOSE nhắc nhở và đề nghị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) nghiêm túc tuân thủ quy định hiện hành về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 5/9, HBC công bố ra thị trường báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2022 riêng và hợp nhất được soát xét bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, nhưng ngày 8/9 HBC mới có giải trình kết quả kinh doanh trước và sau soát xét bán niên năm 2022 với sự chênh lệch từ 5% trở lên.
Sự chậm trễ này đã vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020: “Khi công bố thông tin các báo cáo tài chính nêu tại 1,2 và 3 Điều này, tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải đồng thời giải trình nguyên nhân khi xảy ra một trong các trường hợp sau lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán hoặc soát xét từ 5% trở lên”.
Tương tự, Công ty CP SAM Holdings (HOSE: SAM) cũng vi phạm quy định khi công bố thông tin BCTC hợp nhất đã được soát xét 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận sau thuế chênh lệch trên 10% so với cùng kỳ, song không "đính kèm" nguyên nhân xảy ra sự biến động đó. Vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020.
Trong những ngày đầu tháng 9, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HOSE: POW) cũng bị HOSE "chấn chỉnh" khi chậm công bố thông tin bất thường về việc tham gia góp vốn tại một pháp nhân mới.
Cụ thể, ngày 23/8, POW đã ban hành nghị quyết HĐQT thông qua việc tham gia góp vốn với tỷ lệ 30% vốn điều lệ để thành lập Công ty CP Điện khí LNG Quảng Ninh. Tuy vậy, ngày 5/9 HOSE mới nhận được công bố thông tin số 1454/TB-ĐLDK trên của POW.
Căn cứ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC: “Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 tiếng kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Quyết định tham gia góp vốn thành lập, mua để tăng sở hữu trong một công ty dẫn đến công ty đó trở thành công ty con, công ty liên kết hoặc bán để giảm sở hữu tại công ty con, công ty liên kết dẫn đến công ty đó không còn là công ty con, công ty liên kết hoặc giải thể công ty con, công ty liên kết”, HOSE đã nhắc nhở và đề nghị POW nghiêm túc tuân thủ quy định hiện hành về công bố thông tin.
"Nặng tay" hơn, HOSE vừa chính thức đưa cổ phiếu AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, với lý do chậm bố thông tin BCTC bán niên năm 2022 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.
Hay đối với cổ phiếu ITA của Công ty CP đầu tư và công nghiệp Tân Tạo, HOSE cũng thể hiện sự nghiêm khắc khi có cảnh báo mạnh mẽ sẽ nâng diện xử lý cổ phiếu này từ diện cảnh báo sang kiểm soát nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Doanh nghiệp trên đã liên tiếp vi phạm thời hạn công bố thông tin, và ngày 26/8, HOSE đã ra quyết định về việc đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo từ ngày 6/9 do doanh nghiệp vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
Tân Mai
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|