Hợp nhất Hải Yến sau 17 năm tranh chấp, Khử trùng Việt Nam (VFG) báo lãi kỷ lục, cổ phiếu lập đỉnh

(Banker.vn) Trong quý III/2024, VFG ghi nhận doanh thu tăng 19% lên 885 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng gần 3 lần lên 194 tỷ đồng nhờ lợi nhuận từ công ty liên doanh và biên lợi nhuận gộp cải thiện. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Kỷ lục lợi nhuận của VFG

Công ty CP Khử trùng Việt Nam (HOSE: VFG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với kết quả kinh doanh vượt trội. Doanh thu thuần của công ty đạt 885 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng chậm giúp lợi nhuận gộp tăng vọt 55%, đạt 271 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp theo đó cũng được cải thiện lên mức 30,6%.

Hợp nhất Hải Yến sau 17 năm tranh chấp, Khử trùng Việt Nam (VFG) báo lãi kỷ lục, cổ phiếu lập đỉnh
Hình minh họa.

Trong kỳ, dù chi phí bán hàng tăng mạnh 89%, lên mức 166 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng tăng gần 6 lần lên 77 tỷ đồng. Dù vậy, VFG vẫn báo lãi sau thuế đạt 194 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Lợi nhuận này có được chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận đột biến 166 tỷ đồng từ công ty liên doanh, trong khi cùng kỳ năm trước không phát sinh khoản này.

Theo VFG, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh là nhờ vào chính sách bán hàng hiệu quả, đặc biệt với các sản phẩm phục vụ cho nông sản có ưu thế về giá như lúa gạo, sầu riêng và cà phê. Công ty đã tăng cường các biện pháp để thúc đẩy doanh số, đồng thời kiểm soát tốt giá vốn, giúp tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc xử lý tranh chấp với Công ty TNHH Hải Yến cũng đóng góp lớn vào kết quả lợi nhuận đột biến trong kỳ này.

Tính chung từ đầu năm 2024, VFG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 354 tỷ đồng, gấp đôi so với 9 tháng đầu năm 2023. Với kết quả này, VFG đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và vượt 18% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024, khi kế hoạch ban đầu là đạt 3.690 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Đà tăng trưởng cao trong kinh doanh đã giúp bảng cân đối tài chính của VFG trở nên vững mạnh hơn. Tổng tài sản cuối kỳ đạt gần 2.500 tỷ đồng, trong đó khoảng 514 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Đồng thời, giá trị hàng tồn kho và khoản phải thu từ khách hàng cũng được thu hẹp, cải thiện tình hình tài chính của công ty.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của VFG tính đến cuối tháng 9 giảm gần 700 tỷ đồng so với đầu năm, còn khoảng 1.000 tỷ đồng, chủ yếu do giảm nợ vay tài chính từ 374 tỷ đồng xuống chỉ còn 11 tỷ đồng, giúp công ty giảm bớt áp lực chi phí lãi vay.

Vốn chủ sở hữu của VFG tăng lên gần 1.500 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 743 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển là 214 tỷ đồng. Đây là mức vốn chủ sở hữu đáng kể so với vốn điều lệ chỉ 417 tỷ đồng, thể hiện sự tích lũy mạnh mẽ của công ty trong thời gian qua.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp VFG tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây là việc bắt tay với hãng nông dược và thuốc bảo vệ thực vật Syngenta. Đây là đối tác chiến lược của VFG từ năm 2022, sau khi Syngenta ngừng hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời. Mối quan hệ này đã giúp VFG mở rộng hoạt động kinh doanh nông dược và nâng cao doanh thu, lợi nhuận trong các năm qua.

Trong giai đoạn 2015-2021, lợi nhuận của VFG chỉ duy trì quanh mức 130-160 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở đi, công ty đã bứt phá mạnh mẽ, đạt gần 300 tỷ đồng và dự kiến sẽ lập kỷ lục mới trong năm 2024.

Nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu VFG thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Trong phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VFG đã tăng 3,7% lên mức 78.100 đồng/cổ phiếu, lập đỉnh lịch sử mới, đưa giá trị vốn hóa thị trường của VFG lên 3.257 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VFG đã tăng tới 117%. Hiện tại, VFG là công ty con của The PAN Group với tỷ lệ sở hữu 51,25% vốn điều lệ.

Tranh chấp được giải quyết sau 17 năm

Nói thêm về khoản thu nhập từ hoạt động tài chính tăng đột biến, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc xử lý tranh chấp tại Công ty TNHH Hải Yến. Cụ thể, Tòa án đã công nhận thỏa thuận về tỷ lệ vốn góp và phân chia quyền lợi giữa các bên tham gia, từ đó giúp VFG ghi nhận mức tăng đáng kể về lợi nhuận hợp nhất.

Trước đó, vào tháng 7/2004, VFG ký hợp đồng liên doanh với Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp III (Centrimex) để thành lập Công ty TNHH Hải Yến, với mục tiêu xây dựng khách sạn Novotel Nha Trang tại số 50 Trần Phú, tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, đến tháng 10/2007, Centrimex sáp nhập vào Công ty Thực phẩm Đầu tư Công nghệ (Fococev), và Fococev không đồng ý với tỷ lệ lợi ích mà các bên đối tác liên doanh đã thỏa thuận trong Hải Yến.

Trước sự bất đồng này, VFG đã khởi kiện Fococev ra Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa để giải quyết tranh chấp. Sau 17 năm, vào ngày 19/8, Tòa án đã đưa ra phán quyết, xác nhận VFG nắm giữ 66,67% cổ phần tại Hải Yến, qua đó chính thức hợp nhất Hải Yến thành công ty con của VFG.

Hiện nay, Chủ tịch VFG, ông Nguyễn Bạch Tuyết, cũng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Công ty Hải Yến. Công ty này có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó VFG nắm giữ 66,67%, và Công ty CP Fococev Việt Nam sở hữu 33,33% còn lại. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo VFG chia sẻ rằng tranh chấp tại Hải Yến đã kéo dài nhiều năm, nhưng ban lãnh đạo vẫn điều hành hiệu quả hoạt động kinh doanh khách sạn. Đơn vị quản lý khách sạn là Tập đoàn Accor, một thương hiệu uy tín, đã giúp duy trì hoạt động tốt, ngay cả trong thời điểm khó khăn như dịch COVID-19.

9 tháng đầu năm 2024: Techcombank lãi trước thuế 22,8 nghìn tỷ đồng, số dư CASA lập kỷ lục

Lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 37,4 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng ...

Techcombank báo lãi lớn, CASA lập kỷ lục mới

Với kết quả tích cực đạt được, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ước tính lợi nhuận trước thuế đạt được trong 9 ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục