Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2023

(Banker.vn) Ngày 29/9, Tổng Cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2023.
Kinh tế - xã hội tiếp tục có xu hướng phục hồi Mong đợi các chính sách củng cố nội lực doanh nghiệp

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương- Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho hay: Hầu hết các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 so với trước đây dựa trên kết quả và dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Trong đó, ADB dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023; OECD dự báo đạt 4,9%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2023; IMF dự báo đạt 4,7%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023; WB dự báo đạt 4,7%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6/2023.

Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2023
Họp báo Công bố số liệu kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2023

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các giải pháp đã được tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực.

Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành và lĩnh vực, thể hiện ở kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong quý III và 9 tháng năm 2023.

Cụ thể, về kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020, 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57 của 9 tháng các năm 2020, 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43% (đóng góp 9,16%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41% (đóng góp 22,27%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023; khu vực dịch vụ tăng 6,32% (đóng góp 68,57%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,91%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,61%.

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 34,30% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,35%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,35%.

Về xã hội, lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tăng chậm do tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp thấp. Lao động có việc làm quý III/2023 tăng 523,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,3%, tăng 0,02 điểm phần trăm. Tính chung 9 tháng năm 2023, lao động có việc làm tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm.

Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư, đời sống của hộ dân cư trong 9 tháng năm 2023 được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 khi tỷ lệ hộ dân cư đánh giá có thu nhập trong 9 tháng năm nay không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ năm 2022 là 94,1%, tăng 10,9 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo 9 tháng năm 2022. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.

Quý IV/2023 kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là thách thức lớn cần sự chung sức của Chính phủ, Bộ ngành, doanh nghiệp, người dân.

Đại diện cho Tổng Cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cũng đề xuất một số giải pháp nằhm hoàn thành mục tiêu này.

Một là, tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ.

Hai là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Ba là, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch. Thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.

Bốn là, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, tăng cường hợp tác công tư (PPP).

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương