Hơn 990.000 tấn hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái

(Banker.vn) Đến hết ngày 20/8, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 992.862 tấn, tăng 82% so cùng kỳ.
Quảng Ninh: Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái tăng mạnh Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chính thức là cửa khẩu nhập khẩu lương thực vào Quảng Tây (Trung Quốc) Mỗi ngày có gần 1 vạn người qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái

Hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) sôi động từ đầu năm 2023 khi cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) được khôi phục hoạt động trở lại sau đại dịch.

Theo Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm 2023 đến hết ngày 20/8, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố đạt 992.862 tấn, tăng 82% so cùng kỳ.

Cụ thể, tại cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 có 29.447 phương tiện chở 485.895 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 61% so cùng kỳ năm 2022, bình quân đạt 2.557 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày. Trong đó, nhập khẩu đạt 353.175 tấn, xuất khẩu đạt 132.720 tấn.

Tại Lối mở Km 3+4 Hải Yên có 29.789 phương tiện chở 484.092 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu (bình quân đạt 133 phương tiện/ngày, 2.161 tấn/ngày), tăng 117% so cùng kỳ. Trong đó, hoa quả là 144.429 tấn; bột sắn 91.355 tấn; thủy hải sản đông lạnh là 128.507 tấn; hạt khô và hàng hóa khác 71.245 tấn; tôm, cua, cá sống là 48.556 tấn. Hàng hóa nhập khẩu đạt 7.362 phương tiện vận chuyển 22.875 tấn hàng tạp, hàng vải, tăng 35% so cùng kỳ.

Hơn 990.000 tấn hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái
Đến hết ngày 20/8, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 992.862 tấn

Đại diện Chi cục Hải Quan Móng Cái cho biết, để hoạt động của cửa khẩu quốc tế Móng Cái hoạt động thông suốt, hiệu quả, Chi cục Hải quan Móng Cái đã triển khai nhiều giải pháp giữ chân doanh nghiệp cũ, thu hút doanh nghiệp mới, tạo nguồn thu bền vững và phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, Chi cục chia nhóm phụ trách doanh nghiệp theo 5 ngành hàng: nhóm doanh nghiệp FDI; nhóm doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị mỏ; nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện vận tải; nhóm doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông lâm thủy hải sản, để tạo thế chủ động trong trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp.

Hồi đầu năm, Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách cập nhật các địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực theo quy định của nước này. Đáng chú ý, cửa khẩu Đông Hưng (cầu Bắc Luân 2 - phía Việt Nam là cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chính thức được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc nghiệm thu và trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực.

Như vậy, cửa khẩu Đông Hưng cùng cửa khẩu Hữu Nghị Quan (phía Việt Nam là cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn) trở thành hai cửa khẩu đường bộ được phép nhập khẩu lương thực của Quảng Tây, Trung Quốc.

Địa điểm giám sát nhập khẩu lương thực được chỉ định tại khu vực cửa khẩu Đông Hưng gồm: Nơi kiểm hóa chuyên dụng đối với lương thực nhập khẩu, phòng kỹ thuật giám sát, quản lý của hải quan, kho lấy mẫu chuyên dụng và khu vực xử lý kiểm dịch với 4 điểm kiểm hóa khép kín, kho chuyên dụng có diện tích 400 m2.

Năng lực giám sát, quản lý đối lương thực nhập khẩu qua khu vực này đạt tối đa 200.000 tấn/năm.

Sau khi đưa vào hoạt động, cửa khẩu Đông Hưng (phía Việt Nam là cầu Bắc Luân 2 - cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sẽ trở thành một trong những cửa khẩu nhập khẩu lương thực từ các nước ASEAN.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương