Hơn 200 ý kiến "nóng" từ trường đại học, cơ sở giáo dục gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Banker.vn) Chiều ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các trường đại học, cơ sở giáo dục.
Biên soạn sách giáo khoa: Đề nghị giải trình trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lo ‘sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng’ khi đối thoại

Tổng số ý kiến Ban tổ chức chương trình nhận được là hơn 200 ý kiến, trong đó ý kiến của giảng viên là 144, chiếm tỷ lệ 62,0%; nhân viên trường học là 51, chiếm 22,2%, còn lại là cán bộ quản lý.

Nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc triển khai tự chủ hiện nay ở các trường đại học đã tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo cố gắng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đồng thời, thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo, tính chịu trách nhiệm của các nhà trường.

Hơn 200 ý kiến
Hơn 200 ý kiến từ các trường đại học và cơ sở giáo dục gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào chiều ngày 15/8

Liên quan đến việc tạm dừng tăng học phí sinh viên đại học, các ý kiến bày tỏ trách nhiệm xã hội của các trường đại học, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên. Tuy nhiên, việc không tăng học phí nhưng vẫn tăng lương cơ bản theo lộ trình, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay, trong tương quan chung với khối ngoài công lập, với các trường cùng khối ngành trong khu vực và trên thế giới... đã làm cho các trường gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí.

Trong nhóm vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với giáo dục đại học: Số đông các ý kiến phản ánh thu nhập của giảng viên các trường đại học, đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác. Hiện tượng giảng viên có trình độ cao bỏ việc ở trường công, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với thu nhập cao hơn đang diễn ra ngày càng nhiều…

Bên cạnh đó, các ý kiến bày tỏ mong muốn có phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý; chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ nhân viên khối phòng ban trong các trường đại học. Đề nghị sửa đổi một số điểm của Thông tư 08 về tính chế độ cho cán bộ công đoàn cơ sở giống như tính phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn nhằm động viên cán bộ công đoàn trong các trường học.

Trong nhóm vấn đề liên quan đến định hướng phát triển ngành giáo dục phù hợp với Cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, nhiều ý kiến mong muốn được Bộ trưởng chia sẻ chiến lược để đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giảng dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá ở bậc giáo dục đại học theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; thích ứng với cuộc Cách mạng 4.0; định hướng phát triển và quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo các trường sư phạm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội... trong tương lai.

Một số ý kiến nêu vấn đề không nên dùng điểm học bạ xét tuyển đại học, cao đẳng vì không đảm bảo chất lượng; tỷ lệ sinh viên ra trường làm không đúng ngành được đào tạo...

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Tại sự kiện, Bộ trưởng trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề được nhà giáo và dư luận quan tâm như: Tiền lương, chế độ phụ cấp của giáo viên, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học….

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục