Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ: Đổi mới cơ chế điều phối vùng

(Banker.vn) Sáng 18/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chinh đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.
Ngành ngân hàng cùng tháo gỡ khó khăn cho vùng Đông Nam Bộ Lấy lại đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp Đông Nam Bộ

Đây là Hội nghị đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành sẽ nêu các giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại; Giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong Vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực…

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ: Đổi mới cơ chế điều phối vùng
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Thành Nhân

Theo báo cáo tại hội nghị, Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và năng động, với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước là 281.100 doanh nghiệp, chiếm 41% số doanh nghiệp cả nước; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp. Đây còn là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, với khoảng 23.000 doanh nghiệp FDI từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, chiếm 41,1 % tổng vốn FDI cả nước, lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với trên 5.300 dự án, chiếm khoảng 60% tổng vốn FDI của vùng.

Chỉ riêng trong năm 2022, Đông Nam bộ có hơn 60 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 646 ngàn tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 31.500 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 287 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đông Nam bộ có diện tích cây cao su chiếm 63,34% và sản lượng mủ cao su chiếm 73,92%; cây điều chiếm 60,61% diện tích và 71,24% sản lượng; cây hồ tiêu chiếm 33,73% diện tích và 71,24% sản lượng của cả nước.

Mặc dù đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển vùng Đông Nam bộ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả. Xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng. Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, úng ngập cục bộ tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương trong Vùng chưa được giải quyết.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ việc cần đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong Vùng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong Vùng, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn Vùng Đông Nam bộ.

Tại Quyết định số 825 đã đề ra 9 nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của Hội đồng điều phối vùng trong đó nhấn mạnh việc phối hợp phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định pháp luật. Việc phối hợp được thực hiện thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án. Đồng thời quy định rõ chế độ làm việc, nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng điều phối vùng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của Vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.

Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, Hội đồng điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng như các hoạt động liên két theo 6 lĩnh vực đã đề ra cũng như góp phần giải quyết các bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được như các vấn đề giao thông liên vùng, ùn tắc giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường,… đồng thời có thể giải quyết những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Do đó, tại hội nghị này, ngoài tham luận của các địa phương, một số chuyên gia, nhà khoa học cũng sẽ đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù Đông Nam bộ nhằm phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, trung tâm tài chính; đề xuất hình thành Quỹ phát triển hạ tầng Vùng…

Ngọc Thùy

Theo: Báo Công Thương