Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 67): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 2)

(Banker.vn) Báo Công Thương sẽ tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc một chiến lược đầy hấp dẫn được rất nhiều nhà đầu tư thường lựa chọn khi giao dịch hợp đồng này.
Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 65): Các khái niệm cơ bản trong giao dịch hợp đồng quyền chọn Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 66): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn

Tiếp nối số Hỏi đáp trước về các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn, trong số Hỏi đáp hôm nay, Báo Công Thương sẽ tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc một chiến lược đầy hấp dẫn được rất nhiều nhà đầu tư thường lựa chọn khi giao dịch hợp đồng này.

Chiến lược dàn trải giá lên (Bull Spreads)

Chiến lược này được thực hiện bằng việc đồng thời mua và bán các quyền chọn với mức giá thực hiện khác nhau ở các mức giá khác nhau của cùng một tài sản cơ sở và có cùng ngày đáo hạn.

Chiến lược này có hai hình thức, bao gồm:

Chiến lược Bull Spreads với quyền chọn mua, trong đó nhà đầu tư mua một quyền chọn mua với mức giá thực hiện nhất định và đồng thời bán một quyền chọn mua với mức giá thực hiện cao hơn.

Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 67): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 2)

Chiến lược Bull Spreads với quyền chọn bán, trong đó nhà đầu tư mua một quyền chọn bán với mức giá thực hiện nhất định và đồng thời bán một quyền chọn bán với mức giá thực hiện cao hơn.

Chiến lược này phù hợp với nhà đầu tư kỳ vọng nhận được lợi nhuận ổn định khi giá tài sản cơ sở tăng và giới hạn mức tổn thất ở một mức nhất định khi giá tài sản cơ sở giảm.

Ví dụ: Một nhà đầu tư thực hiện chiến lược Bull Spreads với quyền chọn mua. Nhà đầu tư này mua đồng thời với một quyền chọn mua hợp đồng Ngô tháng 12/2024 có giá thực hiện là 460 cent/giạ với phí quyền chọn 45 cent/giạ và bán một quyền chọn mua có giá thực hiện là 480 cent/giạ với phí quyền chọn 35 cent/giạ.

Lợi nhuận từ chiến lược Bull Spreads phụ thuộc vào giá của hợp đồng Ngô tháng 12/2024 (ZCEZ24) trong tương lai. Các trường hợp sau đây có thể xảy ra:

Trường hợp 1: Giá hợp đồng ZCEZ24 tăng quá 480 cent/giạ

Nếu giá của hợp đồng ZCEZ24 trong tương lai vượt mức 480 cent/giạ, cả 2 quyền chọn mua đều được thực hiện. Nhà đầu tư nhận được một khoản lợi nhuận (chưa bao gồm phí giao dịch và các loại thuế/phí khác) được tính bằng Chênh lệch giá thực hiện của 2 quyền chọn - Chênh lệch phí quyền chọn, hay là (480 – 460) – (45 – 35) = 10 cent/giạ.

Trường hợp 2: Giá hợp đồng ZCEZ24 giảm xuống dưới 460 cent/giạ

Nếu giá hợp đồng ZCEZ24 trong tương lai giảm xuống dưới 460 cent/giạ, cả 2 quyền chọn mua đều không được thực hiện. Nhà đầu tư lúc này chịu khoản lỗ chính bằng chênh lệch phí quyền chọn, tức là (45 – 35) = 10 cent/giạ.

Trường hợp 3: Giá hợp đồng ZCEZ24 nằm trong khoảng 460 – 480 cent/giạ

Nếu giá của hợp đồng ZCEZ24 trong tương lai nằm trong khoảng 460 – 480 cent/giạ, giả sử là 466 cent/giạ, chỉ quyền chọn mua ZCEZ24 với giá thực hiện 460 cent/giạ sẽ được thực hiện. Sau khi thực hiện quyền chọn, nhà đầu tư ngay lập tức bán hợp đồng ZCEZ24 ở mức giá 472 cent/giạ và chịu khoản lỗ (chưa bao gồm phí giao dịch và các loại thuế/phí khác) là (45 – 35) - (466 – 460) = 4 cent/giạ. Khoản lỗ nhà đầu tư phải chịu trong trường hợp này sẽ không vượt quá khoản lỗ nhà đầu tư phải chịu trong trường hợp 2, và lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng sẽ không vượt quá lợi nhuận trong trường hợp 1.

Như vậy, chiến lược Bull Spreads sẽ giúp cho nhà đầu tư giới hạn khoản lỗ ở một mức có thể kiểm soát, nhưng mặt khác lại cũng giới hạn lợi nhuận của nhà đầu tư ở một mức nhất định.

Bạn đọc có câu hỏi liên quan đến vấn đề giao dịch hàng hóa vui lòng gửi về email: [email protected] hoặc [email protected].

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục