Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời Quy Nhơn 2024: Kênh xúc tiến thương mại hiệu quả

(Banker.vn) Sáng 9/3, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 (Q-Fair 2024).
Việt Nam - Quốc gia danh dự tại Hội chợ Quốc tế Nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 6 Bình Định: Sắp diễn ra Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời 2024

Kênh xúc tiến thương mại, xuất khẩu hiệu quả

Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại TP. Quy Nhơn (Q-Fair 2024) quy tụ trên 100 doanh nghiệp triển lãm sản phẩm ngoài trời uy tín của Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Tây Ban Nha…với hơn 1.000 gian hàng.

Diễn ra từ ngày 9 đến ngày 12/3 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, bên cạnh hoạt động triển lãm, Hội chợ sẽ có hàng loạt sự kiện với quy mô lớn nhằm kết nối giao thương, giới thiệu quảng bá sản phẩm gỗ ngoài trời của Việt Nam cũng như hình ảnh mảnh đất con người Việt Nam và tỉnh Bình Định.

Khai mạc Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024
Khai mạc Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024

Phát biểu khai mạc Hội chợ, ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 sụt giảm chưa từng có trong lịch sử, đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022. Năm 2024, do ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế còn gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung còn bị đứt gãy, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu nói chung, gỗ và sản phẩm của chúng ta nói riêng. Do đó, việc tổ chức Hội chợ là hoạt động rất cần thiết để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản.

“Với quy mô hàng nghìn gian hàng, thu hút hàng trăm nghìn khách hàng tham quan, đây sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả; tạo ra nhiều sự kết nối, giao lưu, hợp tác; giúp đưa hình ảnh gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến với các khách hàng trên toàn thế giới, thu hút khách hàng đến với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam; giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản, lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ.

Theo một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, thị trường đồ gỗ nội ngoại thất sẽ 644,1 tỷ USD vào năm 2030 và với tốc độ tăng trưởng kép là 5,7% trong giai đoạn 2022-2030, trong đó dự báo sự tăng trưởng khả quan của nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngoài trời, xuất phát từ xu hướng người tiêu dùng thế giới ngày càng ưa chuộng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Đây có thể coi là động lực để ngành gỗ tiếp tục khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt, có chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn, tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời, phát huy các phân khúc sản phẩm thế mạnh tại các thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, tích cực xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức, tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp đối tác và người tiêu dùng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tin tưởng, với sự đồng thuận, tham gia chủ động, tích cực của Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp ngành gỗ cả trong và ngoài nước, Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả giúp các doanh nghiệp ngành gỗ phát triển thị trường, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mở rộng cơ hội hợp tác, tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững

Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ hai châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Bình Định là một trong 4 trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước, ngành gỗ chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của Bình Định. Đặc biệt, Bình Định ngày càng khẳng định ưu thế về các mặt hàng gỗ kỹ thuật, đồ gỗ ngoại thất trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Khách hàng tham quan gian hàng tại Hội chợ
Khách hàng tham quan gian hàng tại Hội chợ

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, Bình Định là một trong những tỉnh có số lượng lớn các nhà máy chế biến gỗ lớn nhất trong cả nước, tập trung ở Khu công nghiệp Phú Tài và Khu công nghiệp Long Mỹ, với khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó 245 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chính: Mỹ, EU, Anh, Australia, Nhật Bản....

Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 là hội chợ ngành gỗ đầu tiên được tổ chức tại Bình Định. Hội chợ lần này đã có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, độc đáo với công tác thiết kế, dàn dựng nhiều gian nhà gỗ với quy mô chưa từng có đã mang đến những hình ảnh, không gian đổi mới, sáng tạo rất đáng ghi nhận trong hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu của tỉnh Bình Định.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng tin tưởng Hội chợ sẽ được tổ chức thường niên nhằm thực hiện chiến lược của tỉnh Bình Định đưa ngành gỗ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển xanh hơn, bền vững hơn dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số.

Gian hàng tham gia Hội chợ
Gian hàng tham gia Hội chợ

Nhân sự kiện này, tỉnh Bình Định kêu gọi và rất mong các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại vào tỉnh Bình Định, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, với định hướng phát triển đến năm 2030, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Định là gỗ và sản phẩm gỗ khoảng hơn 1 tỷ USD. “Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tích cực nhất để các đối tác, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh được thuận lợi, hiệu quả tại địa phương”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Không dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác, tìm kiếm giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng những đối tác chiến lược để vượt qua khó khăn, không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn trong môi trường kinh doanh nội địa, từ đó tạo nên những mối liên kết chiến lược và bền vững.

Ông Lê Minh Thiện - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Bình Định kiêm Trưởng Ban Tổ chức Hội chợ Q-Fair 2024 tin tưởng, Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 sẽ là kênh xúc tiến thương mại - xuất khẩu hiệu quả giúp các doanh nghiệp ngành gỗ có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, là điểm hẹn của sự sáng tạo, đổi mới để các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này tìm kiếm những giải pháp tích cực, kết nối với đối tác tiềm năng và cùng nhau đưa ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam vươn tới những đỉnh cao mới, cùng nhau vượt qua mọi thách thức, xây dựng một ngành công nghiệp gỗ mạnh mẽ, chất lượng và có vị thế trên thị trường quốc tế.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương