Cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Thụy Điển và Na Uy Hội thảo trực tuyến: Cơ hội cho nguyên liệu thực phẩm tại thị trường Thụy Điển |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh sự kiện này.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu |
Thưa bà, được biết, Hội chợ Hàng Việt Nam đã được Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển phối hợp tổ chức vào tháng 9 vừa qua để quảng bá du lịch, ẩm thực, hàng hóa của Việt Nam tại Thụy Điển. Xin bà chia sẻ đôi nét về kết quả của sự kiện này?
Ngày 30/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển phối hợp với Bảo tàng Đông Á tổ chức ngày hội văn hóa, ẩm thực, thương mại Việt Nam năm 2023 tại Thụy Điển với chủ đề "Những câu chuyện từ Việt Nam". Sự kiện đã thu hút hơn 500 lượt khách tham dự, góp phần lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam đến với đất nước, con người Thụy Điển.
Trong đó, Thương vụ được giao phụ trách tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam nhằm quảng bá hàng hóa của Việt Nam đến với cộng đồng bản địa.
Nhờ có sự chung tay góp sức của một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu như East Asian Food AB, Madam Hong AB, hơn 50 mặt hàng Việt Nam đã được giới thiệu tại Hội chợ. Điểm tích cực là các sản phẩm, hàng hoá Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng và các doanh nghiệp nhập khẩu.
Hàng hoá Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng và các doanh nghiệp nhập khẩu tại sự kiện này |
Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực được hơn 3 năm. Vậy hội chợ đã có tác dụng như thế nào trong việc quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá Việt Nam vào Thuỵ Điển nói riêng và thị trường Bắc Âu nói chung?
Hiệp định EVFTA đi vào thực thi đúng trong giai đoạn bất ổn của kinh tế thế giới. Chuỗi cung cầu bị đứt gãy, khủng hoảng năng lượng, lương thực, lạm phát cao làm người dân cắt giảm chi tiêu, kéo theo sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào EU nói chung và khu vực Bắc Âu nói riêng.
Nhiều sản phẩm, hàng hoá Việt Nam được trưng bày tại hội chợ |
Trong bối cảnh đó, Thương vụ đã và đang tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có Hội chợ hàng Việt, nhằm phần nào tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu hàng Việt Nam quảng bá sản phẩm, cũng như giới thiệu các sản phẩm mới, chất lượng cao của Việt Nam. Các hội chợ này cũng giúp lan tỏa hình ảnh hàng Việt, góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực là động lực cho hàng Việt xuất khẩu vào EU nói chung và Bắc Âu nói riêng, song đồng thời cũng mang lại những áp lực nhất định khi các thị trường ngày càng đặt ra những yêu cầu mới cho hàng hoá xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, lời khuyên của bà cho doanh nghiệp Việt Nam là gì?
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan trước hết phải tuân thủ các qui định về xuất xứ từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên đây sẽ là một khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ các qui định khắt khe khác, ví dụ như, các nước Bắc Âu là vấn đề môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật. Vượt qua được các khó khăn này, hàng hóa của chúng ta sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Bắc Âu nói riêng và thị trường EU nói chung.
Ngoài ra, Bắc Âu là thị trường xa nhưng chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam sang khu vực này, cũng như chưa có các hợp tác về cảng biển và cảng hàng không, cũng là một nguyên nhân hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa tận dụng được hết cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.
Về phía doanh nghiệp, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đáp ứng các qui định khắt khe của thị trường. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Ngoài các qui định bắt buộc phải tuân thủ, các yêu cầu bổ sung của các nhà nhập khẩu cũng quan trọng không kém. Các nhà nhập khẩu lại dựa vào nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo đó, các nước Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn của người sử dụng. Trong thời gian tới, rất nhiều qui định mới sẽ được ra đời đều hướng tới hai mối quan tâm này, đặc biệt là Thỏa thuận Xanh châu Âu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tìm hiểu, đánh giá tác động tiềm năng của các chính sách mới đối với hoạt động và xuất khẩu của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc áp dụng các biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế, cân nhắc việc thay đổi mô hình sản xuất, chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất.
Xin cảm ơn bà!
Phương Lan thực hiện
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|