Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Y tế, các giải pháp được nêu trong dự thảo Chiến lược tổng thể xoay quanh bốn mục tiêu lớn: Giảm tỷ lệ người mắc Covid-19; tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin; giảm tỷ lệ tử vong; bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Các ý kiến cho rằng, chiến lược phải nêu bật quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước, "thống nhất Trung ương, linh hoạt địa phương", cả hệ thống chính trị vào cuộc kiểm soát đại dịch sớm nhất.
Bên cạnh nêu rõ mục tiêu, các ý kiến thống nhất những giải pháp, nhiệm vụ phải bảo đảm chủ động nguồn vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị… Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp cận các công nghệ mới trong phòng, chống dịch, cần nhấn mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự trong các vùng cách ly, phong tỏa; công tác hậu cần để bảo đảm đầy đủ vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm…
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới để Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trình Chính phủ đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 25/10, Bộ Y tế có Công điện số 1700/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...). Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, cấp độ 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19. Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, nhất là tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế… Thường xuyên tổ chức thực hiện việc đánh giá, cập nhật và công bố cấp độ dịch để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp với từng cấp độ, từng địa bàn (trên phạm vi nhỏ nhất có thể) theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Ngày 25/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.639 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 3.620 ca ghi nhận trong nước tại 53 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, trong ngày cũng có 1.323 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 65 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang. Như vậy, đến nay cả nước có 892.579 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 807.301 người đã được công bố khỏi bệnh và 21.738 ca tử vong.
Bộ Y tế có công điện đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiêm chủng bao phủ cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi hai cho những người đã tiêm mũi một đủ thời gian (ưu tiên cho người từ 50 tuổi trở lên) bảo đảm an toàn, hiệu quả. Đối với việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình đã được Bộ Y tế hướng dẫn; căn cứ vào tình hình dịnh Covid-19 tại địa phương và nguồn cung ứng vắc-xin để tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế...
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và điều trị Covid-19. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc Covid-19 và bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4; hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng để đáp ứng khi có dịch xảy ra… Mặt khác, triển khai thực hiện kế hoạch củng cố hệ thống khám, chữa bệnh để sẵn sàng vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị Covid-19…
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong ngày 25/10, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 18 ca mắc Covid-19, trong đó tại cộng đồng 15 ca, khu vực cách ly ba ca. Các ca mắc Covid-19 phân bố tại các quận, huyện: Thanh Oai, Quốc Oai, Long Biên, Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai. Riêng liên quan đến ổ dịch tại huyện Quốc Oai ghi nhận 11 ca mắc.
Ngày 25/10, UBND huyện Chợ Mới (An Giang) đã áp dụng các biện pháp hành chính ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện sau khi ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng tại các xã và hai thị trấn. Chợ Mới, là địa phương đầu tiên trong tỉnh An Giang áp dụng cấp độ 3. Hai thị trấn Mỹ Luông và Chợ Mới đã phong tỏa và qua tầm soát số ca nhiễm vẫn còn cao. Các xã Bình Phước Xuân, Nhơn Mỹ, Long Kiến, Hòa An đều có ca mắc trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch tại thị trấn Mỹ Luông và chuỗi ca bệnh ở Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang.
Học sinh tại 18 trường ở "vùng xanh" ở Cà Mau thuộc huyện Thới Bình (11 trường) và Đầm Dơi (7 trường) ngày 25/10 đã đến trường học trực tiếp với tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trung bình 72,81%. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, ngày đầu tiên trở lại trường, học sinh khá phấn khởi, học tập nghiêm túc. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đến lớp vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do còn một lượng lớn học sinh ngoài tỉnh chưa về địa phương, hoặc đã về nhưng còn trong thời gian cách ly y tế. Số ít phụ huynh còn e ngại dịch bệnh chưa cho con em đến trường.
Theo nhandan.vn
Theo Tạp chí Người Làm Báo
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|