Hoàn nhập dự phòng 50 tỷ đồng, VNE 'thoát lỗ' ngoạn mục trong quý IV

(Banker.vn) Quý IV/2022, dù doanh thu suy giảm song nhờ hoàn nhập trích lập dự phòng, Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (HOSE: VNE) đã thoát lỗ, ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 4 lần.

Đến thời 'bùng cháy' của doanh nghiệp nhiệt điện

Ba tháng cuối năm 2022, VNE ghi nhận doanh thu thuần giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 841 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự sụt giảm mạnh của mảng hợp đồng xây dựng (giảm 64% so với cùng kỳ, còn 88 tỷ đồng); mảng bán hàng gần như đi ngang (752 tỷ đồng), còn mảng bất động sản biến động không đáng kể.

Lợi nhuận gộp giảm 17%, đạt 24 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 2,8%.

Trong kỳ, hoạt động tài chính không đáng kể với doanh thu 1,7 tỷ đồng; trong khi đó chi phí tài chính tăng vọt gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 27 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quý này, do hoàn nhập dự phòng nên chi phí quản lý doanh nghiệp âm 31 tỷ đồng. Cụ thể, VNE đã chuyển khoản nợ phải thu từ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO cho một đơn vị khác, vì vậy đã hoàn nhập được 90% giá trị công nợ đã trích lập dự phòng, tương đương giảm chi phí quản lý doanh nghiệp 50,7 tỷ đồng.

Nhờ vậy, VNE vẫn báo lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 4 lần so với cùng kỳ, đạt 28 tỷ đồng.

VNE
Dù doanh thu suy giảm song nhờ hoàn nhập trích lập dự phòng, VNE đã thoát lỗ, ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 4 lần trong quý IV/2022. Ảnh minh hoạ

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của VNE tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.505 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 52%, đạt 145 tỷ đồng.

Trong năm, hoạt động tài chính không có thặng dư khi doanh thu vỏn vẹn 12 tỷ đồng, còn chi phí tài chính lại vọt 3 lần, đạt 105 tỷ đồng.

Dù vậy, nhờ lợi nhuận gộp tăng kết hợp với việc điều chỉnh giảm chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 54%, còn 25 tỷ đồng), VNE vẫn bỏ túi 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng 2,3 lần so với năm trước.

Năm 2022, VNE đặt kế hoạch doanh thu 2.921 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã hoàn thành 86% chỉ tiêu doanh thu song mới đạt 20% kỳ vọng lợi nhuận.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VNE tăng 13% so với đầu năm, đạt 3.937 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền tăng 67%, đạt 124 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 2,3 lần, đạt 119 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 2.884 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm; trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (đạt 2.085 tỷ đồng, chiếm 72%). Đáng chú ý, tổng dư nợ vay của VNE tăng mạnh 2,3 lần so với đầu năm, đạt 1.675 tỷ đồng - nguyên nhân của việc gia tăng chi phí tài chính trong năm qua.

Về dòng tiền, năm 2022, dòng tiền kinh doanh của VNE âm 170 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 291 tỷ đồng, nguyên nhân do tăng các khoản phải thu (576 tỷ đồnG) và tăng hàng tồn kho (133,5 tỷ đồng). Dòng tiền vay/trả tăng đáng kể, lần lượt tăng 33% và 53%, đạt 2.017 tỷ đồng và 1.810 tỷ đồng.

Một trong những dự án trọng điện hiện tại của VNE là dự án nhà máy điện gió Thuận Phong 1 tại tỉnh Bình Thuận. Năm 2021, công ty đã hoàn thành việc xây dựng dự án này với 8 turbine gió (30,4 MWh), tuy nhiên chỉ kịp vận hành thương mại (COD) 5 cột đúng thời hạn 31/10/2021. Đối với 3 cột còn lại, VNE dự kiến sẽ sớm có thể vận hành thương mại, đóng góp vào kết quả kinh doanh và mang lại dòng tiền cho công ty trong năm 2023.

Công ty CK Bảo Việt (BVSC) tính toán dòng tiền từ hợp đồng kinh doanh mỗi năm của 3 cột khoảng 150 - 160 tỷ đồng. Bên cạnh đóm VNE có thể sẽ huy động được vay dài hạn với hạn mức 200 tỷ, giúp công ty tránh mất cân đối giữa dòng tiền và giảm vay nợ ngắn hạn.

Ngoài ra, VNE hiện sở hữu nhiều quỹ đất tại các tỉnh thành gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Long An,… Theo tính toán của BVSC, quỹ đất này xác tin theo giá thị trường có tổng giá trị hơn 1.600 tỷ đồng.

“Đối với mảng xây lắp điện, VNE là một trong số ít các doanh nghiệp tại Việt Nam có năng lực và kinh nghiệm thi công được đường dây truyền tải điện 500KV. Tiềm năng mảng xây lắp điện rất lớn trong thời gian tới khi nhu cầu xây dựng mới và sửa chữa đường dây cao thế và trạm biến áp của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh. Số lượng đường dây 500kV theo quy hoạch đến năm 2030 dự kiến tăng gấp 2,2 lần so với thời điểm cuối năm 2020”, BVSC đánh giá.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán