Hóa chất Đức Giang: Lợi nhuận quý III sụt giảm, dự án 12.000 tỷ tại Nghi Sơn lùi tiến độ

(Banker.vn) Trong quý III/2024, Hóa chất Đức Giang ghi nhận doanh thu 2.558 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 7%, còn 738 tỷ đồng. Công ty cũng đang triển khai dự án sản xuất Chlor - alkali - Vinyl Nghi Sơn, dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn với tổng quy mô đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, giảm hơn 7% so vói con số 863 tỷ đồng đạt được ở cùng kỳ năm 2023.

Hóa chất Đức Giang: Lợi nhuận quý III sụt giảm, dự án 12.000 tỷ tại Nghi Sơn lùi tiến độ
Hình minh họa.

Trong kỳ, Hóa chất Đức Giang ghi nhận doanh thu đạt 2.558 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do hụt nguồn thu tài chính và sự gia tăng mạnh của chi phí bán hàng, kết quả là lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 738 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 7.447 tỷ đồng, trong đó 3.820 tỷ đồng đến từ thị trường nước ngoài và 3.627 tỷ đồng từ thị trường trong nước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cũng bị giảm 7% so với cùng kỳ, còn 2.322 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí và giảm doanh thu tài chính.

Theo kế hoạch năm 2024, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.202 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.100 tỷ đồng. Tính đến hết quý III, công ty đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và gần 74% kế hoạch lợi nhuận.

Số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Hóa chất Đức Giang đạt gần 7.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với đầu năm 2024, và gấp đôi vốn điều lệ hiện tại của công ty là 3.798 tỷ đồng. Điều này cho thấy khả năng tài chính mạnh mẽ và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tiếp tục gia tăng.

Hóa chất Đức Giang cũng đang triển khai dự án sản xuất Chlor - alkali - Vinyl Nghi Sơn, dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn với tổng quy mô đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng.

Chi tiết hơn về dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn, tổ hợp này có tổng diện tích sử dụng đất lên đến 30 ha, với quy mô sản xuất 136.000 tấn hóa chất mỗi năm. Theo giấy phép chấp thuận ban đầu, giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng và sẽ được triển khai qua 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 1, dự án Nghi Sơn sẽ có công suất sản xuất 50.000 tấn NaOH/năm, mức cao nhất tại Việt Nam, chiếm 28% tổng công suất của 5 nhà máy hàng đầu cả nước. Sản phẩm NaOH và các hợp chất dẫn xuất từ khí Clo như CloraminB và Axit photphit sẽ là những sản phẩm công nghệ cao, lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, phục vụ cho ngành công nghiệp và thay thế hàng nhập khẩu.

Trong giai đoạn 2, dự án dự kiến sản xuất thêm 100.000 tấn NaOH và 150.000 tấn nhựa PVC, với mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Giai đoạn cuối cùng, nhà máy Soda sẽ có công suất lên đến 400.000 tấn, với mức đầu tư 3.600 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đây sẽ trở thành tổ hợp hóa chất lớn nhất Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.

Dự án dự kiến sẽ được khởi công trở lại vào quý IV/2024, với công suất sản xuất Xút đạt 50.000 tấn/năm. Nhà máy dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025 và có thể hoạt động hết công suất sau khoảng một năm.

Ở thời điểm hiện tại, dự án này bị chậm tiến độ do quy hoạch Khu công nghiệp 15 (Khu công nghiệp Đồng Vàng) bị chậm phê duyệt. Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp 15 chỉ mới được phê duyệt vào cuối tháng 7/2024, nên thời gian khởi công dự kiến lùi sang quý 4/2024 thay vì tháng 6/2024 như đề xuất ban đầu tại ĐHĐCĐ của công ty. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên của dự án dự kiến vẫn sẽ vận hành vào quý 1/2026. Nếu đạt công suất tối đa, dự án có thể tạo ra doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm (hơn 2.500 tỷ đồng).

Dự án này được lãnh đạo công ty xem là "át chủ bài" trong tương lai, khi hoạt động kinh doanh của nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm.

Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất quý III/2024, Hóa chất Đức Giang tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về lượng tiền nhàn rỗi thông qua việc đẩy mạnh gửi ngân hàng ngắn hạn. Tính đến cuối quý III, tổng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của công ty đạt 11.366 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm 2024.

Phần lớn số tiền này nằm ở các khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng, với số dư lên tới 11.118 tỷ đồng. Con số này đã tăng thêm 1.379 tỷ đồng so với cuối quý II và tăng thêm 1.776 tỷ đồng so với đầu năm. Việc có thêm nguồn tiền để gửi ngân hàng chủ yếu đến từ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và sự chuyển đổi từ tiền mặt sang gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Lợi nhuận Dược phẩm Imexpharm đi lùi, thị giá cổ phiếu IMP giảm 20% chỉ sau 1 tháng

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 3 đã được cải thiện nhẹ so với cùng kỳ, tuy nhiên tính chung 9 tháng đầu năm, ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục