Hóa chất Đức Giang đang muốn "thâu tóm" Ắc quy Tia Sáng (TSB)?

(Banker.vn) Sau 6 phiên tăng "bốc đầu" với 4 phiên tăng kịch trần liên tiếp, cổ phiếu TSB đã quay đầu giảm 9,83% xuống mức giá sàn 42.200 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC – HOSE) đã thông qua việc mua 51% cổ phần của Công ty CP Ắc quy Tia Sáng (TSB – HNX). Theo đó, Hóa chất Đức Giang sẽ mua vào hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB với giá mua không vượt quá 39.200 đồng/CP, tương ứng tổng giá trị chi trả thấp hơn 134,85 tỷ đồng. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận qua sàn, thời gian thực hiện là trong năm 2023.

Hóa chất Đức Giang đang muốn

Trong khi đó, trên thị trường, sau 6 phiên tăng "bốc đầu" với 4 phiên tăng kịch trần liên tiếp, cổ phiếu TSB đã quay đầu giảm 9,83% xuống mức giá sàn 42.200 đồng/cổ phiếu.

Đầu tháng 1 vừa qua, tại phiên đấu giá do HNX tổ chức ngày 3/1, toàn bộ hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB (51% vốn điều lệ) do Vinachem sở hữu đã được bán cho 2 nhà đầu tư cá nhân với giá bằng mức giá khởi điểm là 39.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được gần 135 tỷ đồng.

Đây là đợt thoái vốn nằm trong Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020. Theo kế hoạch tái cơ cấu, Vinachem sẽ tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp thành viên, trong đó sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Tibaco.

Trong hai nhà đầu tư cá nhân mua vào thành công hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB có bà Bùi Thị Hà Thu, vợ ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang đã mua thành công gần 3,1 triệu cổ phiếu TSB, tỷ lệ 45,9%.

Hóa chất Đức Giang đang muốn
Diễn biến giá cổ phiếu TSB trong vòng 3 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView)

TSB có tiền thân là nhà máy ắc quy Tam Bạc, được thành lập ngày 2/9/1960, đến ngày 26/5/1993, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Ắc quy Tia Sáng. Đến tháng 10/2004, Công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần thuộc Vinachem.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2022, TSB ghi nhận doanh thu đạt 184,98 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,47% so với năm trước; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 24,78%, đạt 3,46 tỷ đồng.

Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 5,15 tỷ đồng, kết thúc năm 2022 đạt 4,39 tỷ đồng, tương ứng TSB hoàn thành 85,24% mục tiêu đề ra.

Về phía Hóa chất Đức Giang, Theo BCTC hợp nhất quý IV/2022, Hóa chất Đức Giang ghi nhận 3.112 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 47% xuống 41%.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp 3 lần, đạt 198 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Song, các chi phí như tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với kỳ trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của DGC đạt 1.124 tỷ đồng, giảm 20% so với quý IV/2022.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của DGC đạt 14.444 tỷ đồng tăng 51%, lợi nhuận sau thuế khoảng 6.040 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2021. Như vậy, công ty vượt 19% kế hoạch doanh thu, vượt 73% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại ngày 30/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 13.316 tỷ đồng gấp 1,6 lần so với đầu năm. Mức tăng hầu như đến từ khoản tiền gửi ngân hàng (kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng) hơn 9.006 tỷ đồng so với 3.755 tỷ đồng ngày đầu năm. Khoản tiền gửi đem về cho công ty hơn 314 tỷ đồng tiền lãi cả năm.

Hàng tồn kho của công ty giảm 34% so với đầu năm xuống 918 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm và nguyên vật liệu.

Cuối quý IV/2022, tổng nợ vay của DGC khoảng 468 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 10.835 tỷ đồng bao gồm 5.084 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán