Hoà Bình: Quýt Ôn Châu được mùa, giá bán 35.000 đồng/kg

(Banker.vn) Vụ thu hoạch 2023, quýt Ôn Châu (Cao Phong – Hoà Bình) được bán ra thị trường với giá từ 20.000-35.000 đồng/kg.
Hòa Bình: Quýt Ôn Châu được giá, dân Cao Phong phấn khởi Hòa Bình: Lô mía tươi thứ 3 trong năm 2023 được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

Từ tháng 8 âm lịch, nông dân các vùng trồng quýt Ôn Châu tại huyện Cao Phong, Hoà Bình tất bật trong vườn để chuẩn bị đơn hàng của tiểu thương. Đây là loại quýt chín sớm, được thu hoạch đầu tiên trong niên vụ cây ăn quả có múi tại huyện.

Hoà Bình: Quýt Ôn Châu được mùa, giá bán 35.000 đồng/kg
Quýt Ôn Châu là loại quả mang lại giá trị cao

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Phong, trên địa bàn huyện Cao Phong, quýt Ôn Châu được trồng xen với các giống cam chủ lực khác như: cam lòng vàng, cam Canh, Xã Đoài, Mart... Quýt thường chín vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch. Thời gian thu hoạch rộ trong khoảng 40 - 45 ngày là kết thúc, sau đó các nhà vườn chuyển sang thu hoạch các loại cam đầu vụ khác như lòng vàng, cam Mart. Quýt Ôn Châu có mùi dầu đặc trưng, vỏ mỏng, mọng nước, tép vàng và không có hạt, có thể dùng tay bóc vỏ ăn trực tiếp hoặc vắt nước uống.

Quýt Ôn Châu chủ yếu được trồng xen với các giống cam khác. Nhờ ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng quả ngày càng cao.

Người trồng cam quýt Ôn Châu đang hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm cam quýt mang thương hiệu Cao Phong, người tiêu dùng được thưởng thức các sản phẩm chất lượng và an toàn.

Nhờ sản xuất sạch, tại các cửa hàng, chợ dân sinh trên địa bàn huyện Cao Phong và các địa phương trong tỉnh, quýt Ôn Châu đã được bày bán khá nhiều. Giá quýt đầu vụ dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg tùy loại quýt hàng chọn, hàng loại xô hay quýt chai... Theo một số chủ vườn tại huyện Cao Phong, do số lượng trồng không nhiều và giá hoa quả năm nay rẻ nên quýt dễ bán. Nhiều nhà vườn chỉ tập trung trả đơn của tư thương ở xa đã gần hết sản lượng chứ không kịp đợi tới khi quýt chín cuối vụ.

Thời vụ thu hoạch quýt Ôn Châu thường kéo dài khoảng 2 tháng. Sau đó thủ phủ cam Cao Phong sẽ bước vào thu hoạch các giống cam như Lòng vàng, Cam mát…

Với chất lượng, thương hiệu ngày càng được khẳng định, giá trị kinh tế của quýt Ôn Châu mang lại là không nhỏ. Để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu, hàng năm, cấp ủy, chính quyền cũng như các hộ trồng và người dân trong huyện nỗ lực phối hợp thực hiện các biện pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng giả mạo, đội lốt thương hiệu để trục lợi.

Niên vụ năm 2023, diện tích cam, quýt toàn huyện Cao Phong khoảng 1.358ha, sản lượng trên 20.000 tấn.

Nhiều diện tích được sản xuất theo quy trình VietGAP, các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây có múi, nhằm nâng cao chất lượng quả, cải thiện mẫu mã sản phẩm, từng bước chinh phục các thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Nhiều năm qua, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi…) là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, diện tích cây có múi tại Hòa Bình đạt khoảng 10.500 ha; trong đó riêng diện tích cam, bưởi trồng tập trung đạt 9.053 ha, với 7.429 ha giai đoạn kinh doanh, sản lượng đạt 166,7 nghìn tấn.

Nhiều sản phẩm quả có múi của tỉnh đã được cấp chứng nhận Sở hữu Trí tuệ, trong đó có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong; 6 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm quả có múi của các địa phương: Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi. Đã có 16 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến được chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao.

Đến nay, Hòa Bình đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, như vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn... Giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất trong cả nước.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương