Nhiều quy định chưa được hướng dẫn, khó thực hiện
Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng có 7 nội dung góp ý đối với dự thảo Thông tư bao gồm các vấn đề: (1) Về khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của người nộp thuế; (2) Về thu thập, xử lý và quản lý hệ thống thông tin người nộp thuế; (3) Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế; (4) Về phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ sở sản xuất, hoạt động chuyển nhượng bất động sản, hoạt động xổ số điện toán; (5) Về khai thuế, tính thuế, phân bổ, quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công phải nộp cho từng tỉnh nơi có trụ sở chính và chi nhánh của người nộp thuế; (6) Về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; (7) Về xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đáng chú ý, về vấn đề thu thập, xử lý và quản lý hệ thống thông tin người nộp thuế, Hiệp hội Ngân hàng nhận thấy các thông tin liên quan đến người nộp thuế (thông tin chủ tài khoản số tài khoản, lịch sử giao dịch,…) là các thông tin mật của khách hàng được ngân hàng quản lý theo quy định của pháp luật. Do đó, Dự thảo Thông tư quy định: “Thông tin người nộp thuế được kết nối, trao đổi với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan…” cần được hướng dẫn cụ thể nhằm làm rõ giới hạn phạm vi, quy trình thực hiện…. Việc này nhằm đảm bảo tính bảo mật của hệ thống thông tin người nộp thuế, xác định trách nhiệm của tổ chức, bộ phận, cá nhân tham gia khi thông tin người nộp thuế được cung cấp trái quy định.
Chưa kể, Dự thảo Thông tư quy định: “Thông tin người nộp thuế được thu thập, cập nhật kịp thời đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan từ người nộp thuế, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế quy định tại Điều 97 và Điều 98 Luật Quản lý thuế”. Đây là trách nhiệm rất lớn đối với các tổ chức tín dụng. Các TCTD rất khó để triển khai trong thực tế. Dự thảo không có hướng dẫn cụ thể để ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai thực hiện. Hiệp hội Ngân hàng đề nghị dự thảo Thông tư có quy định hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện triển khai thực hiện.
Theo quy định tại Dự thảo Thông tư, trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, NHTM tại Việt Nam có trách nhiệm: khấu trừ, nộp thay; nếu không thể khấu trừ, nộp thay thì phải theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 hàng tháng gửi thông tin về Tổng cục Thuế; hàng tháng phải kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay.
Hiệp hội Ngân hàng cho rằng trường hợp này, bản chất hoạt động của Ngân hàng là đang cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, thực hiện việc thu - chi trên tài khoản khách hàng căn cứ theo lệnh giao dịch của khách hàng hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng không có chức năng, thẩm quyền và cũng không đủ năng lực để tham gia vào việc tính toán, phân tích các giao dịch, không thể giải quyết những khiếu nại, kiện cáo của khách hàng về thừa, thiếu, sai, đúng từ việc khấu trừ tiền để nộp thuế.
Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng cơ quan soạn thảo cần quy định cách thực hiện thống nhất: Khi Cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu, Ngân hàng sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản có liên quan; Trên cơ sở đó, Cơ quan thuế tiến hành các thủ tục tính toán, thu thuế theo quy định và chức năng của cơ quan thuế. Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện trích tiền từ tài khoản khách hàng theo các quyết định khấu trừ, cưỡng chế… của Cơ quan thuế.
Nghị định 126: Một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp
Đối với Nghị định 126, Hiệp hội Ngân hàng có ý kiến góp ý về 6 nội dung bao gồm (1) Về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; (2) Về việc thực hiện yêu cầu thống kê, báo cáo cho Tổng cục Thuế danh sách các khoản cá nhân thanh toán bằng thẻ cho việc mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài; (3) Về nộp thay thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế là tài sản bảo đảm tại Ngân hàng mà khi xử lý Tài sản bảo đảm bị ấn định thuế; (4) Về trách nhiệm của Bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế; (5) Về hồ sơ khai thuế; (6) Về khái niệm “nộp thay”.
Đối với khái niệm nộp thay, Hiệp hội Ngân hàng nhận thấy, trong Luật Quản lý thuế, Nghị định 126 và dự thảo Thông tư nhiều lần quy định về “khấu trừ” và “nộp thay”. Mặc dù không có định nghĩa về hai khái niệm nay, tuy nhiên qua quá trình thực hiện thì có thể hình dung đối với “khấu trừ” là khi Ngân hàng trừ tiền (ghi nợ) trên tài khoản của chủ tài khoản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ: theo quyết định khấu trừ tài khoản của cơ quan thi hành án), nghĩa là khi tài khoản của chủ tài khoản có số dư, thì ngân hàng mới thực hiện được việc khấu trừ tương ứng.
Đối với “nộp thay” hiện nay Ngân hàng không biết thực hiện như thế nào, cũng như không xác định được tính chất quan hệ, tư cách, trách nhiệm của các bên có liên quan trong giao dịch “nộp thay”, trừ trường hợp “nộp thay” trong quan hệ bảo lãnh mà ngân hàng là bên bảo lãnh. Nếu như quy định “nộp thay” này không được làm rõ, Ngân hàng rất dễ lâm vào hoàn cảnh bị cơ quan thuế xác định vi phạm nghĩa vụ theo Luật Quản lý thuế (vì không nộp thay), nhưng nếu tiến hành nộp thì không đòi lại được số tiền đã “nộp thay” này từ phía chủ tài khoản vì chủ tài khoản không đồng ý, trong khi bản chất quan hệ thu – nộp này đang là quyền và nghĩa vụ giữa cơ quan thuế và chủ tài khoản.
Về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định 126 quy định: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, cuối năm doanh nghiệp mới phản ánh đầy đủ lợi nhuận bao gồm việc trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Do đó, 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp theo quyết toán năm là số chỉ được xác định tại thời điểm quyết toán năm. Tại thời điểm phải nộp thuế TNDN tạm tính quý III, đơn vị hoàn toàn chưa thể xác định số nộp chính xác của cả năm. Đối với Ngân hàng thường tập trung nhiều lợi nhuận trong quý IV thì việc nộp đủ 100% số thuế TNDN theo Báo cáo tài chính của 3 quý cũng không đủ được 75% số thuế TNDN theo quyết toán năm. Vì vậy, quy định này chưa phù hợp với thực tế tại các đơn vị.
Trên đây là tóm lược một số nội dung đã được Hiệp hội Ngân hàng nêu chi tiết tại Công văn số 117/HHNN-PLNV góp ý về dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Hiệp hội Ngân hàng cho rằng cơ quan soạn thảo nên xem xét, tổng hợp những nội dung góp ý nhằm tạo sự hợp lý, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực thi.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|