Hiệp hội Ngân hàng đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử

(Banker.vn) Ngày 9/6, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) tổ chức cuộc họp góp ý nội dung Dự thảo Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử nhằm đảm bảo văn bản sau khi ban hành có khả năng thực thi cao cũng như tạo thuận lợi cho các tổ chức và người dân.

Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng; ông Phạm Văn Sơn, đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an; bà Nguyễn Tuyết Minh, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia CIC; ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước; đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cùng đại diện các tổ chức hội viên HHNH.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị định quy định về định đanh và xác thực điện tử

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị định quy định về định đanh và xác thực điện tử. Nghị định liên quan nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay.

“Lĩnh vực ngân hàng hiện có dư nợ khoảng 12 triệu tỷ đồng với số lượng khách hàng rất lớn, việc triển khai Nghị định sẽ liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng và TCTD. Tôi đề nghị các hội viên tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định trên tinh thần đối chiếu với thực tiễn để nhận diện những vướng mắc, xem xét kiến nghị với cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện bản Dự thảo để khi ban hành Nghị định đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế cũng như cuộc sống người dân”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Hiệp hội Ngân hàng đã thực hiện lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến các tổ chức hội viên về Dự thảo Nghị định, đặc biệt lưu ý các quy định liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, công ty Fintech, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính. Sau cuộc họp, Hiệp hội sẽ có văn bản góp ý chính thức gửi Bộ Công an nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định để đảm bảo việc tổ chức triển khai thực thi Nghị định phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý.

Đề nghị được khai thác trực tiếp cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế, HHNH cho biết CLB Pháp chế đã tổng hợp ý kiến góp ý từ các TCTD, các công ty Fintech, các trung gian thanh toán…

Theo đó, còn một số nội dung của Dự thảo chưa phù hợp thực tiễn và đề nghị Tổ soạn thảo xem xét lại. Chẳng hạn, theo quy định tại Dự thảo có thể hiểu rằng tất các các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh khách hàng điện tử (eKYC) hiện nay cũng buộc phải được Bộ Công an cho phép mới đươc hoạt động, việc hoạt động eKYC của tất cả các ngân hàng và tổ chức hiện nay có thể bị xem là chưa phù hợp quy định pháp luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo phân định rõ phạm vi của "Dịch vụ định danh và xác thực điện tử" được hiểu trong nghị định này chỉ là "Dịch vụ định danh và xác thực điện tử có sử dụng dữ liệu cư dân quốc gia" để tránh hiểu lầm với các dịch vụ xác thực người dùng điện tử (eKYC) khác trên thị trường.

Ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh định danh điện tử không phải eKYC mà các TCTD vẫn đang triển khai thực hiện. eKYC chỉ là phương pháp xác minh khách hàng gián tiếp, sử dụng phương thức điện tử. “Nếu các TCTD được kết hợp eKYC với phương thức xác thực quy định trong Dự thảo Nghị định thì có hiệu quả tốt hơn, nhưng không có nghĩa Nghị định này điều chỉnh hoạt động eKYC. Nếu có nội dung nào trong Dự thảo có thể gây ra nhầm lẫn rằng việc mở các tài khoản online đều phải tuân theo Nghị định thì cần phải kiểm tra xem xét lại”.

Một nội dung quan trọng mà các TCTD quan tâm là vấn đề xác thực chủ thể danh tính điện tử, xác thực thông tin của chủ thể thông qua các tổ chức trung gian. Hiện, Dự thảo quy định TCTD, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công xác thực chủ thể danh tính điện tử, xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

Cuộc họp diễn ra dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tuy nhiên, theo đại diện các tổ chức hội viên tham dự cuộc họp đều có ý kiến đề nghị cho phép các TCTD, các công ty Fintech, các trung gian thanh toán.. được kết nối trực tiếp thay vì phải thông qua một bên trung gian.

Đại diện một ngân hàng cho biết, ngân hàng này đã đóng góp 30 ý kiến và đã được Tổ soạn thảo tiếp thu gần hết. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung mong muốn Tổ soạn thảo tiếp tục nghiên cứu xem xét nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động định danh và xác thực điện tử của các tổ chức kinh tế cũng như người dân như cần có cơ chế để các TCTD tiếp cận dữ liệu, việc thông qua tiếp cận qua trung gian như quy định tại Dự thảo sẽ làm phát sinh chi phí cũng như các lỗi kết nối.

Theo đại diện các ngân hàng cho biết, các ngân hàng đã triển khai phương thức xác thực eKYC từ lâu, đề nghị cho phép kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để định danh khách hàng.

Đại diện một ngân hàng đã bày tỏ mong muốn được tiếp cận trực tiếp cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để xác thực khách hàng. Theo vị đại diện này, cần xác định rõ phạm vi áp dụng việc xác thực và định danh điện tử theo Dự thảo Nghị định này, khả năng ảnh hưởng đến nghiệp vụ eKYC mà các tổ chức kinh tế đang triển khai. Hiện chưa thể dự đoán sẽ có bao nhiêu tổ chức trung gian cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử được Bộ Công an chấp thuận. Nhưng nếu số lượng các tổ chức này ít thì sẽ hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu vốn tương đối lớn của các TCTD.

Đại diện một đơn vị trung gian thanh toán cho rằng, Nghị định cần quy định để đảm bảo sự kết nối thuận tiện, dễ dàng. Kinh nghiệm của đơn vị này cho thấy khi kết nối qua các tổ chức trung gian tỷ lệ lỗi phát sinh rất nhiều, tăng gấp 2, gấp 3 so với bình thường và việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

“Cần cho phép các TCTD được kết nối, khai thác dữ liệu định danh điện tử trong hoạt động của TCTD nhằm xác minh, xác thực khách hàng cho mục đích phòng chống rửa tiền và gian lận, lừa đảo trong hoạt động tài chính ngân hàng. Đối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, Bộ Công an nên xem xét mở API cho các bên vào đối chiếu không tính phí. Hiện nay, một số nước trong khu vực cũng đang cho gọi miễn phí vào cơ sở dữ liệu, nhưng đương nhiên với điều kiện là bên gọi vào cần đăng ký. Việc này giúp mở rộng dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính nói chung” – ông Nguyễn Thành Long nói.

Một ứng dụng định danh điện tử trên nền tảng di động?

Dự thảo Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức thực hiện việc khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VneID. Cách thức quy định như vậy khiến các tổ chức hội viên hiểu rằng VneID sẽ là ứng dụng kết nối duy nhất mà các bên khai thác đều phải thông qua cổng này.

Ý kiến chung đều bày tỏ sự băn khoăn, liệu VneID có đảm bảo được sự kết nối thông suốt cho việc định danh hơn 90 triệu cá nhân?

Đại diện các TCTD cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ khiến cho toàn bộ người dân phải tiếp cận thông qua một ứng dụng duy nhất là VneID và ứng dụng này chỉ phục vụ cho điện thoại thông minh. Mặc dù mức độ phổ cập điện thoại thông minh tại Việt Nam là rất cao nhưng cũng cần xem xét đến những người yếu thế trong xã hội, những người không có điện thoại thông minh thì sẽ tiếp cận dịch vụ như thế nào?

Theo đại diện một đơn vị trung gian thanh toán, với việc chỉ duy trì cổng đăng ký và nhập dữ liệu qua một ứng dụng như VneID thì một bộ phận người dân khó truy cập. Từ thực tiễn vận hành của một ứng dụng thanh toán với hơn 30 triệu tài khoản đăng ký, đại diện đơn vị này cho rằng nếu chỉ sử dụng một cổng, một ứng dụng phục vụ 90 triệu người dân thì đòi hỏi nguồn lực duy trì, nguồn lực phục vụ hệ thống rất lớn. Do đó, đề nghị có nhiều cổng nhập liệu và truy cập dữ liệu phục vụ giao dịch.

“Bên cạnh các nội dung liên quan các TCTD, đề nghị Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ hơn về các trung gian thanh toán để chúng tôi có thể truy cập sử dụng dịch vụ, kết nối dữ liệu phục vụ hoạt động kinh doanh” –  vị đại diện này đề xuất.

Nghị định cần đảm bảo khả năng thực thi, thúc đẩy các hoạt động kinh tế

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia CIC nhìn nhận Dự thảo Nghị định đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các bên liên quan. Tuy nhiên, còn một số nội dung cụ thể cần làm rõ như vấn đề cập nhật thông tin danh tính điện tử, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự…. Theo Dự thảo Nghị định, từ khi ban hành đến khi Nghị định có hiệu lực, chúng ta có 1 năm chuẩn bị. Tuy nhiên cũng cần xem xét liệu thời gian này có đủ, cần đánh giá tính khả thi thực hiện của các đơn vị liên quan.

Đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành Ngân hàng hiện có khoảng 114 triệu tài khoản cá nhân, bất kỳ thay đổi về công tác định danh đều ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Vụ Thanh toán đã có ý kiến đề nghị Dự thảo Nghị định phải có cách tiếp cận làm sao để không làm xáo trộn hoạt động ngân hàng. Bản Dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp nhưng vẫn còn những nội dung cần xem xét kỹ ngay từ quy định giải thích từ ngữ cho đến vấn đề định danh cá nhân, định danh tổ chức, mức độ định danh…

Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục có ý kiến đối với những nội dung đã góp ý song chưa được tiếp thu. Đơn cử,  cần làm rõ cơ sở dữ liệu mà các ngân đang có và đã được xác thực là đúng thì có bắt buộc phải kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia hay không bởi việc kết nối như vậy có thể dẫn đến lãng phí. Đồng thời, cần có tiêu chuẩn kết nối, trình tự thủ tục kết nối thống nhất tránh khi triển khai sẽ “tắc” không thực hiện được.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, bà Nguyễn Tuyết Minh, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, lưu ý dự thảo Nghị định ban đầu tập trung nhiều vào việc cung ứng các dịch vụ công, các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, qua quá trình trao đổi, nghiên cứu và có phản hồi soạn thảo, dự thảo Nghị định cũng đã gợi mở nhiều hơn. Nếu như trước đây chỉ tập trung vào hệ thống do Bộ Công an cấp thì hiện tại còn mở ra hướng nữa là những tài khoản định danh điện tử do các tổ chức được phép thực hiện dịch vụ định danh và xác thực điện tử cấp.

Bà Nguyễn Tuyết Minh đã nêu ra những vấn đề còn nhiều trăn trở cần phải nghiên cứu, trao đổi thêm trong thời gian tới như các ngân hàng có thể trở thành các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh điện tử hay không nếu bảo đảm các điều kiện của Bộ Công an; các tài khoản ngân hàng hiện nay khi chưa thành tổ chức định danh và xác thực điện tử thì mức độ sử dụng như thế nào, có thể ứng dụng ra ngoài không?

“Bộ Công an trong quá trình trao đổi, thảo luận cho rằng, hiện nay những tài khoản đó chỉ dùng được trong nội bộ mà thôi, kể cả các tài khoản có mức độ an toàn rất cao. Vậy, nếu muốn cung cấp tài khoản đó sang cho các tổ chức khác dùng, các ngân hàng, liên ngân hàng muốn sử dụng thì như thế nào?”

Cũng theo bà Tuyết Minh “Dự thảo quy định cũng đang chia ra 2 mức độ tài khoản và tôi nhận thấy rằng, tại nhiều ngân hàng, mức độ tài khoản hiện nay đang ở mức độ 2. Trong thời gian tới, khi đăng ký tài khoản của các ngân hàng, có thể sử dụng tài khoản của Bộ Công an để đăng ký tài khoản ngân hàng hay không? Nếu sử dụng được, yêu cầu cả các ngân hàng về pháp lý là gì để đảm bảo việc khai thác sử dụng?”.

Ông Phạm Văn Sơn, đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an nhận định HHNH rất có trách nhiệm trong quá trình tham gia góp ý cho Tổ soạn thảo Dự thảo Nghị định. “Chúng tôi đã tiếp thu nhiều ý kiến phù hợp, các ý kiến chưa tiếp thu được đã có báo cáo giải trình cụ thể lý do. Chúng tôi cũng sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu tiếp thu”, ông Sơn cho hay.

“Tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp được sử dụng trong việc triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh điện tử được Bộ Công an cấp phép hoạt động dựa trên các điều kiện, tiêu chuẩn về nhân sự, tài chính, trình độ, điều kiện đảm bảo hạ tầng, an ninh an toàn… Các tài khoản người dùng mà ngân hàng tạo lập trực tiếp và đang sử dụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định, việc sử dụng tài khoản đó là thỏa thuận dân sự giữa người dân và ngân hàng và vẫn được sử dụng bình thường. Các TCTD cũng có thể trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức định danh và xác thực điện tử là hoàn toàn có thể nếu đảm bảo các điều kiện nhân sự, tài chính, công nghệ… và được cấp phép”- ông Phạm Văn Sơn khẳng định.

Đồng thời, ông Phạm Văn Sơn cũng chia sẻ thêm Dự thảo Nghị định còn phải qua vòng thẩm định của Văn phòng Chính phủ, xin ý kiến các thành viên Chính phủ và mong nhận được sự tham gia góp ý của HHNH, các tổ chức liên quan sao cho Nghị định ban hành tạo điều kiện thuận tiện nhất cho công dân và tổ chức.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH cho biết Hiệp hội Ngân hàng đã tham gia góp ý xây dựng nội dung Dự thảo Nghị định ngay từ đầu và rất nhiều nội dung đã được tiếp thu. Những nội dung chưa tiếp thu, HHNH rất chia sẻ với Tổ soạn thảo nhưng với mục tiêu hướng tới là làm sao để Nghị định ban hành đi vào cuộc sống, không làm tăng chi phí, ảnh hưởng người dân, vì vậy HHNH sẽ tiếp tục lấy ý kiến các tổ chức hội viên để đóng góp ý kiến và có văn bản góp ý chính thức gửi Bộ Công an. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị các TCTD tập hợp ý kiến trong thời gian ngắn nhất, đóng góp ý kiến đa dạng, đảm bảo hài hòa lợi ích đúng quy định pháp luật, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân tốt nhất, thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ