Hiện thực hoá Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái

(Banker.vn) Nghị quyết 50-NQ/TW đặt mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 Việt Nam thu hút khoảng 150-200 tỷ USD vốn FDI, giai đoạn 2026-2030 thu hút 200-300 tỷ USD.
Bắc Giang: Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp để thu hút đầu tư Sở Công Thương Bình Dương thông tin về kế hoạch di dời các khu công nghiệp Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị đang được thi công đến đâu?

Giai đoạn 2026-2030, mỗi năm thu hút 40-50 tỷ USD

Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt ra mục tiêu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD, tức là trung bình mỗi năm Việt Nam thu hút khoảng 30 - 40 tỷ USD. Giai đoạn 2026 – 2030 Việt Nam thu hút khoảng khoảng 200 - 300 tỷ USD, tính trung bình mỗi năm nước ta thu hút khoảng 40 - 50 tỷ USD vốn FDI.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút FDI
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút FDI

Cùng với đó, vốn FDI thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD, tính trung bình mỗi năm vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt khoảng từ 20 - 30 tỷ USD; giai đoạn 2026 – 2030, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 150 - 200 tỷ USD, trung bình mỗi năm vốn FDI thực hiện đạt khoảng từ 30 - 40 tỷ USD.

Đặc biệt, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt ra mục tiêu, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Trong khi đó, tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Chính trị đề ra một loạt giải pháp, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài; hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đầu tư nước ngoài.

Trong đó, một trong những điểm nhấn về hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư là, Việt Nam sẽ xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Hiện thực hoá Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái
Chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao

Hiện thực hoá bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái

Để đạt được mục tiêu thu hút đầu tư theo yêu cầu Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư, Việt Nam cũng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cụ thể, theo ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA): Hiện các dự án FDI đang có xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp, và có yêu cầu các khu công nghiệp phải có đủ điệu kiện cho đầu tư xanh, cho thấy việc chuyển đổi các khu công nghiệp từ mô hình truyền thống hiện có sang mô hình các khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam thu hút được các dự án FDI công nghệ cao, có quy trình sản xuất xanh và đảm bảo việc phát triển phát triển bền vững kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, phát triển xanh hiện đang là xu hướng toàn cầu hoá và được các tập đoàn đa quốc gia quan tâm. Để đáp ứng được xu hướng đó, rất cần có những khu công nghiệp xanh, để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các tập toàn cầu.

Để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện khu công nghiệp sinh thái, tiếp tục lan tỏa sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều khu công nghiệp theo từng mức độ phát triển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát khu công nghiệp sinh thái; xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện khu công nghiệp sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về khu công nghiệp sinh thái để tạo được hiệu ứng tích cực nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương