Hết năm 2022, bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt hơn 92%

(Banker.vn) Tính đến hết năm 2022, độ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt tỷ lệ 92,04% dân số (vượt 0,04% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP).
Chính sách bảo hiểm y tế nào có hiệu lực từ tháng 1/2023? Cách theo dõi, kiểm tra thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào? Trải qua 28 năm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng đi vào cuộc sống

Ngoài ra, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Quỹ Bảo hiểm Y tế được quản lý, sử dụng hiệu quả, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế theo Luật định.

Trên cơ sở đồng thuận, thống nhất, ngành y tế và bảo hiểm xã hội đã rất tích cực, chủ động trong việc đề xuất với Chính phủ ban hành và triển khai các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia.

Hết năm 2022, bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt hơn 92%

Đặc biệt, một trong những hoạt động phối hợp nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tạo thuận lợi cho người tham gia, được xã hội và người dân ghi nhận.

Hiện nay, cả nước hiện có: trên 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện kết nối trực tuyến với Hệ thống Thông tin Giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; 95,4% cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng để người dân sử dụng căn cước (CCCD) gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo đó đã có trên 10,5 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip thành công phục vụ khám chữa bệnh.

Tại Hội nghị giao ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Quý I/2023 ngày 17/2, trên cơ sở những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất trong năm 2023, ngành y tế và bảo hiểm xã hội cần ây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật (đề xuất sửa Luật Dược, Luật Bảo hiểm Y tế, Nghị định số 146 và các văn bản khác); giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị xem xét, hướng dẫn một số vấn đề còn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người mắc bệnh lao, trong công tác đấu thầu qua mạng và về trang thiết bị khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, cũng như thực hiện đầy đủ Quy chế phối hợp đã ký giữa hai ngành...

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành đã mang lại bước tiến tích cực trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, như: Xây dựng luật pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tham gia phối hợp cùng các bộ ngành khác... để đạt được tiếng nói chung vì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nhiệm vụ nặng nề nhất trong thời điểm này là đánh giá được tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế để có những sửa đổi phù hợp, phấn đấu đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật để Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm Y tế song hành nhịp nhàng trong triển khai.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và khả năng cân đối, phát triển bền vững của Quỹ Bảo hiểm Y tế. Bởi cân đối Quỹ Bảo hiểm Y tế không chỉ là trách nhiệm của riêng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mà cũng là nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Y tế..

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương