HDBank: Lãi suất điều hành tăng không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng

(Banker.vn) Tại Hội nghị nhà đầu tư – Cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2022” của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank – Mã: HDB), một vấn đề được nhà đầu tư quan tâm đó là ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng ra sao trước động thái tăng lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết, việc NHNN tăng lãi suất điều hành tất nhiên có ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động chung của ngân hàng.

Ông cho biết các phần điều chỉnh đó sẽ được chuyển giao sang lãi suất cho vay và các lãi suất khác Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ không thể tăng nhanh được như lãi suất huy động về mặt ngắn hạn. Về mặt dài hạn, ông cho biết ngân hàng tin rằng phía NHNN có thể hỗ trợ cho việc duy trì bình ổn lại mức lãi suất tăng trưởng cũng như thay đổi tỷ giá.

HDBank: Lãi suất điều hành tăng không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng
Trong quý III, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động gần 5.400 tỉ đồng, tăng 45,6% so với quý III/2021

“Nếu có sự dịch chuyển thì cũng không thay đổi nhiều đến hoạt động của HDBank. Chúng tôi hiện nay đang định hướng tăng trưởng dần nguồn thu dịch vụ và các nguồn thu khác ngoài thu từ lãi. Do đó biến động tỷ giá và lãi suất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của ngân hàng. Với kết quả của HDBank trong ba quý đầu năm, chúng tôi tin rằng ngân hàng sẽ vượt được các chỉ tiêu đã đề ra trong Đại hội đồng cổ đông”, ông Nam cho biết.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động gần 5.400 tỉ đồng, tăng 45,6% so với quý III/2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.712 tỉ đồng, tăng 43,4%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất vượt 16.000 tỉđồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỉ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỉ đồng, tăng 31,7% và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022 được cổ đông giao.

Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2% và thuộc những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả. Hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) đạt 37%, tốt hơn mức 39% cùng kỳ năm trước. Hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ 15,9%, tốt hơn mức tối đa 37% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. An toàn vốn (theo chuẩn Basel II) đạt 15,3%, thuộc những ngân hàng có an toàn vốn cao nhất. Ngân hàng đang triển khai áp dụng đầy đủ chuẩn Basel III vào quản trị.

Tại thời điểm 30/9, tổng nguồn vốn đạt trên 353 nghìn tỉ đồng, trong đó tiền gửi từ khách hàng tăng 13,4% so với 31/12/2021 và gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng tiền gửi toàn ngành. Dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ 252 nghìn tỉ đồng, tăng 18,1%. Nợ xấu riêng lẻ chỉ ở mức 1,1%.

Danh mục tín dụng hướng tới các lĩnh vực ưu tiên, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế như nông nghiệp nông thôn, sản xuất chế biến, tài trợ chuỗi cung ứng, hộ gia đình tiểu thương, năng lượng tái tạo.

Mảng bán lẻ và tài chính tiêu dùng cho thấy sức bật mạnh mẽ hậu đại dịch. Sau 9 tháng, số lượng khách hàng tăng hơn 1,5 triệu, đạt 14 triệu khách hàng. Tiền gửi khách hàng cá nhân vượt 123 nghìn tỉ đồng, tăng 27,2% so với 31/12/2021.

Dư nợ khách hàng cá nhân cũng tăng 27% so với đầu năm và tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục, khẳng định vị thế của HDBank trong top ngân hàng bán lẻ dẫn đầu.

Tăng trưởng cho vay tiêu dùng tại HD SAISON đạt 25%, phù hợp chỉ tiêu ngân hàng nhà nước giao. Mới đây, công ty đã ký kết cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỉ đồng dành cho người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy trên cả nước.

Song song đó, mảng thẻ và dịch vụ của HDBank cũng tăng khá mạnh. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 1.024 tỉđồng, chưa bao gồm phí bảo hiểm tại công ty tài chính HD SAISON (đạt hơn 550 tỉ), và gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Các dịch vụ khác như thanh toán, mua bán ngoại tệ…cùng tăng trưởng cao.

Đức Chiến

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán