HDBank đang sẵn 10% room ngoại cho nhà đầu tư chiến lược

(Banker.vn) Lãnh đạo HDBank cho biết, ngân hàng sẵn sàng bán vốn với mức giá cao hơn thị giá cổ phiếu HDB và kế hoạch phát hành có thể triển khai ngay khi điều kiện thuận lợi.

Mục tiêu lãi trước thuế năm 2024 tăng 20%

Ngày 1/2/2024, chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư về kế hoạch trong năm 2024 và mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB), ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Quan hệ Nhà đầu tư HDBank cho biết, trong năm 2024, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% phù hợp với chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.

HDBank đang sẵn 10% room ngoại cho nhà đầu tư chiến lược
Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB),

Về mục tiêu lợi nhuận, ông Hoàng Thanh Tùng dự kiến, lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 sẽ tăng ít nhất là 20% so với 2023 và đến 2025 sẽ gia nhập "câu lạc bộ" các nhà băng có lãi hơn 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, HDBank cũng kỳ vọng, NIM dự kiến xoay quanh 5 - 5,2% trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đang giảm nhanh, giúp ngân hàng kiểm soát chi phí vốn và dư địa để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn còn rất lớn.

Về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ngân hàng này dự kiến sẽ đạt tối thiểu 16% từ mức 11% của năm 2023. Đây sẽ là yếu tố tác động rất tích cực lên chi phí vốn của ngân hàng trong năm 2024.

Tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng trong năm 2024 dự kiến kiểm soát tốt hơn trước những nhận định khả quan hơn từ các diễn biến kinh tế vĩ mô.

"Hầu hết các dự báo của chuyên gia đều cho thấy kinh tế trong năm nay sẽ tốt hơn năm trước, từ đó giúp thu nhập của người dân và doanh nghiệp được gia tăng. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng hạ nhiệt nhanh giúp kiểm soát khả năng trả nợ của khách hàng và mặt bằng nợ xấu chung toàn ngành được cải thiện hơn trong thời gian tới", ông Hoàng Thanh Tùng chia sẻ.

"Để dành" 10% room ngoại

Tại Hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023, nhà đầu tư đã đặt câu hỏi cho HDBank về kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc có phải nhằm mục đích chuẩn bị cho cổ đông chiến lược ở Hàn Quốc hay không. Đồng thời, nhà đầu tư cũng lo ngại rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sắp có hiệu lực có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại.

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc là một phần trong chiến lược của ngân hàng nhằm mở rộng quan hệ quốc tế đối với các định chế tài chính, tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Tùng khẳng định Hàn Quốc là một thị trường quan trọng với Việt Nam cả về đầu tư lẫn thương mại. Cụ thể, năm 2023, Hàn Quốc năm trong top 3 các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cao nhát tại Việt Nam. Còn về quan hệ thương mại song phương, Hàn Quốc là một đối tác quan trọng.

Xét riêng HDBank, ông Tùng cho biết trong năm qua, ngân hàng đã ghi nhận số lượng doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước này với thị trường Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.

"Đó là những yếu tố khiến HDBank mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn Hàn Quốc", ông nói.

Giám đốc Ban Quan hệ Nhà đầu tư của HDBank cũng chia sẻ thêm rằng trong thời gian vừa qua, ngân hàng đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn một số thị trường khác như châu Âu, Mỹ ...

"Việc lựa chọn đối tác để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược nằm trong định hướng của Hội đồng Quản trị (HĐQT) HDBank", ông nói.

"Việc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Luật mới không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào ngân hàng tại Việt Nam mà chỉ giới hạn đối với tổ chức trong nước", ông nói thêm.

Ngoài ra, ông Tùng cũng cho biết HDBank đã có sự chuẩn bị cần thiết để đón đối tác chiến lược này. Ngân hàng đã "để dành 10% room ngoại" cho nhà đầu tư nước ngoài và kế hoạch phát hành có thể triển khai khi điều kiện thuận lợi.

Vị lãnh đạo này cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nói về quy mô hay giá phát hành. Tuy nhiên với năng lực của HDBank, ông tự tin rằng giá phát hành sẽ ở mức rất tốt và cao hơn (premium) so với thị giá.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 11h00 phiên giao dịch ngày 2/2, cổ phiếu HDB được giao dịch ở mức 21.900 đồng/cp, tăng 0,46% so với giá đóng cửa phiên liền trước. Kể từ đầu năm 2023, cổ phiếu này đã tăng giá 52%.

Nhận tín hiệu mới của cổ phiếu ngân hàng, các cổ đông bắt đầu hành động

Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng có tín hiệu "ấm" trở lại, lãnh đạo cũng như cổ đông nội bộ đã bắt đầu "hành ...

Cổ phiếu ngân hàng hưởng lợi thế nào từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)?

Yuanta Research cho rằng các ngân hàng HDB, MBB, VCB và VPB là những ngân hàng sẽ tham gia vào việc tái cơ cấu các ...

Vân Anh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục