Hành động của nhà đầu tư chứng khoán trong giai đoạn trống thông tin

(Banker.vn) Trong tuần giao dịch ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thống kê 17 năm qua cho thấy, tuần tăng điểm mạnh nhất của VN-Index là vào năm 2009 với mức tăng gần 14% và giảm mạnh nhất là vào năm 2014 khi mất gần 6,2%.

Trong tháng 4/2023, VN-Index giảm 2,2% so với đầu tháng, giảm mạnh hơn so với hầu hết các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á ngoại trừ Thái Lan (chỉ số SET, -3,2% so với đầu tháng). Điều này là do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2023 kém tích cực cũng như động thái bán ròng mạnh của khối ngoại.

Hành động của nhà đầu tư chứng khoán trong giai đoạn trống thông tin

Giá trị giao dịch bình quân ba sàn tăng 29,9% so với tháng trước (-48,1% so với cùng kỳ) lên 13.662 tỷ đồng/ngày giao dịch (HOSE: 11.507 tỷ đồng/ngày giao dịch, +24,2% so với tháng trước; HNX: 1.420 tỷ đồng/ngày giao dịch, +53,8% so với tháng trước; UPCOM: 734 tỷ đồng/ngày giao dịch, +121,7% so với tháng trước).

Thanh khoản có mức tăng theo tháng lần đầu tiên trong năm 2023, nguyên nhân do dòng tiền của nhà đầu tư bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Bên cạnh đó là một loạt các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản được ban hành trong thời gian qua.

Nhìn lại quá khứ, tháng 4/2022, là tháng “tiêu cực” với thị trường chứng khoán khi có những phiên giảm điểm sâu và dù phục hồi vào cuối tháng, VN-Index vẫn để mất hơn 125 điểm, tương đương 8,4%, mức giảm mạnh nhất trong một tháng kể từ thời điểm tháng 3/2020.

Nguyên nhân khiến thị trường chao đảo liên quan đến thông tin khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo doanh nghiệp, sau đó là các tin giả, tin đồn vô căn cứ đã phủ bóng và len lỏi khắp trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, các hội nhóm chứng khoán...

Trong tuần giao dịch ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thống kê 17 năm qua cho thấy, tuần tăng điểm mạnh nhất của VN-Index là vào năm 2009 với mức tăng gần 14% và giảm mạnh nhất là vào năm 2014 khi mất gần 6,2%.

Đối với HNX-Index, tuần tăng mạnh nhất cũng là vào năm 2009, và giảm sâu nhất cũng tương đồng với VN-Index khi cũng là tuần sau kỳ nghỉ năm 2014.

Tháng 5 đang đến, nhà đầu tư lại quan tâm hơn đến câu chuyện Sell in May, hiểu nôm na là tháng 5 chỉ bán cổ phiếu. Đây là một chiến thuật đầu tư của giới đầu tư Phố Wall, bởi tháng này thường là khoảng thời gian của “vùng trống thông tin”, khiến tâm lý nhà đầu tư rơi vào bất an.

Ở Việt Nam, từ 2001 đến 2022 chỉ số VN-Index đại diện cho sàn HOSE có 13 năm tăng điểm và 9 năm giảm điểm tính riêng trong tháng 5, tuy nhiên mức giảm của chứng khoán không lớn bằng mức tăng.

Có thể điểm lại một số tháng 5 tiêu biểu như sau: Tháng 5/2008, VN-Index mất hơn 100 điểm, tương đương 20% do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Năm 2011 liên tiếp xảy ra bất ổn chính trị và khủng hoảng nợ công ở châu Âu rất trầm trọng, Việt Nam không nằm ngoài xu thế. Tháng 5-2011, chỉ số VN-Index mất hơn 12%...

Trong tháng 5/2020, thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, nhưng thị trường lại bật tăng mạnh mẽ, với hiệu ứng dòng tiền của thế hệ nhà đầu tư mới – F0, thanh khoản đạt hơn 111.682 tỷ đồng, tăng gần 33% so với tháng trước đó và giúp VN-Index tăng 12,4%, chỉ đứng sau tháng 5/2009 và tháng 5/2007, thời điểm “sơ khai” của thị trường.

Tháng 5/2021, thị trường tiếp tục lập kỷ lục khởi sắc, với mức tăng 7,15% và toàn bộ 20 phiên giao dịch trên HOSE đều có giá trị khớp lệnh trên 20.000 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh bình quân trên toàn thị trường đạt mức kỷ lục 24.145 tỷ đồng/phiên.

Tháng 5/2022 cũng có sự giảm điểm tương tự do quan ngại từ thị trường trái phiếu và sai phạm của các công ty lớn. Có thời điểm VN-Index giảm hơn 16%, tuy nhiên nỗ lực hồi phục đã giúp VN-Index đóng cửa ở 1.292,68, mất đi 5,42%.

"Sale in May" không đúng trong năm 2020 và 2021, những năm này thị trường tăng điểm rất mạnh, lần lượt 12,4% và 7,15%.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân giảm điểm hiện tại là tháng 5 thường trống thông tin. Mọi báo cáo tài chính, họp đại hội cổ đông, kế hoạch kinh doanh đều đã được công bố trước và trong tháng 4, trong khi số liệu kết quả kinh doanh quý 2 phải hết tháng 6, đầu tháng 7 mới được công bố.

Hơn nữa, đầu tháng 5 có kỳ nghỉ lễ, sau đó cũng là mùa cao điểm du lịch. Người dân có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để phục vụ cho nhu cầu cá nhân nên thị trường giảm điểm và thanh khoản cũng sụt giảm theo.

Thị trường có khả năng hồi phục nhưng tín hiệu chưa quá rõ ràng

Xét theo góc độ ngắn hạn, Chứng khoán SHS cho rằng, với việc VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ và hồi phục có thể tạo ra một sóng hồi phục mới mặc dù không tạo ra kênh tăng rõ rệt. Xét dưới góc nhìn dài hạn có thể thấy VN-Index vẫn đang tạo ra nền tảng tích lũy chặt chẽ, điểm số của VN-Index biến động theo tuần là rất ít trong 10 tuần vừa qua, thị trường đang tạo ra các sóng hồi phục với đáy sau cáo hơn đáy trước trong khi đỉnh các sóng không tăng, đồng thời chu kỳ hình thành sóng đang kéo dài ra (dạng giao động chặt chẽ dần).

SHS cho rằng về góc độ trung, dài hạn thị trường đang trong giai đoạn tích lũy chặt chẽ xoay quanh khu vực 1.000-1.100 điểm. Xu hướng tích lũy cạn kiệt là xu hướng hợp lý trong giai đoạn hiện tại khối lượng giao dịch về tổng thể vẫn đang giảm dần là những tín hiệu đặc trưng của quá trình tích lũy. Giai đoạn vận động trong biên độ hẹp với khối lượng thấp như hiện tại vẫn còn có thể tiếp tục kéo dài cho đến khi thị trường hình thành xu hướng uptrend mới.

Về tình hình vĩ mô, điểm tích cực là lãi suất của Việt Nam đang có xu hướng giảm trong bối cảnh FED cũng đang đi đến giai đoạn cuối của tiến trình tăng lãi suất, Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và BĐS.

Tuy nhiên, những khó khăn về vĩ mô vẫn còn nhiều khi rủi ro và khó khăn của thị trường trái phiếu, BĐS chưa thể giải quyết sớm, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng bấp bênh và đối diện với nguy cơ suy thoái, bất ổn trong lòng nước Mỹ và Âu châu do cuộc chiến Nga - Ukraina tiếp tục có xu hướng leo thang hệ thống các NHTM tại Mỹ và châu Âu vẫn đang đối diện rủi ro thanh khoản trong khi các NHTW đang cố gắng hỗ trợ để đổ vỡ dây chuyền không diễn ra.. Do đó, trong bối cảnh tốt xấu đan xen như hiện tại, xu hướng tích lũy cũng là xu hướng hợp lý đang diễn ra.

Thị trường trong ngắn hạn không có tín hiệu tích cực nhưng rủi ro cũng không cao do thị trường đang hình thành vùng tích lũy cạn kiệt. Trong dài hạn thị trường lại ở trạng thái vận động trong vùng tích lũy quanh 1.000 - 1.100 điểm để chuẩn bị cho chu kỳ uptrend thực sự sau đó, do đó nhà đầu tư trung, dài hạn có thể tiếp tục giải ngân dần tăng tỷ trọng nắm giữ để đón đầu giai đoạn tăng giá mới sau kỳ tích lũy này, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.

Theo quan điểm kỹ thuật của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), VN-Index có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên nhưng đã tăng cao hơn ngày trước đó cho thấy dòng tiền đang được cải thiện. Bên cạnh đó, chỉ số đã vượt lên trên đường MA5 chứng tỏ khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Chỉ báo RSI tiếp tục tăng và đạt mức 48, chỉ báo MACD đã đảo chiều, nếu chỉ báo này vượt lên trên đường Signal thì tình hình sẽ lạc quan hơn. Tuy nhiên, chỉ số sẽ gặp thử thách tại vùng 1.050-1/060 điểm (MA20, MA50, MA200). Nếu vượt được vùng này thì chỉ số có khả năng tiếp tục hồi phục, khi đó mục tiêu của chỉ số sẽ là vùng 1.100-1.120 điểm (đỉnh cũ và đường MA200).

Đối với sàn Hà Nội, HNX Index cũng có phiên tăng điểm và vượt lên trên đường MA5, MA50. Trong phiên giao dịch tiếp theo, chỉ số sẽ có thể tiến lên test đường MA20 và đường MA50 (mức 208-210 điểm). Nếu khối lượng không được cải thiện thì khả năng chỉ số quay lại điều chỉnh là khá cao. Khi đó, mức tâm lý 200 điểm sẽ là hỗ trợ quan trọng. Nhìn chung, thị trường có khả năng hồi phục nhưng tín hiệu chưa quá rõ ràng. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên giữ tỷ trọng ở mức an toàn để hạn chế rủi ro từ thị trường.

Vùng 1.000-1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index

Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán tháng 5 nhận định, thị trường tháng 5 điều chỉnh mở ra cơ hội tốt để mua và nắm giữ cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn.

Theo phân tích của nhóm chuyên gia, hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch tại mức 0,7 lần P/E trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B trung bình 5 năm. Tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,7% chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%. Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tiếp tục nới nhẹ trong tháng 4 khi lãi suất huy động duy trì đà giảm trong khi E/P gần như đi ngang.

Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10-11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới thì khoảng cách có thể tiếp tục nới rộng thêm và nhà đầu tư có thể cân nhắc nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.

VNDirect cho rằng bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2023 kém tích cực đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. Kỳ vọng một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02-03 hay Nghị định 12/2023/NĐ-CP sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

"Vùng 1.000-1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index và nếu thị trường điều chỉnh về vùng này sẽ mở ra cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ cố phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn", các chuyên gia VNDirect nhìn nhận.

Theo VNDirect, động lực tăng điểm bao gồm tín hiệu chính sách tiền tệ từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các chính sách hỗ trợ sớm được ban hành như Thông tư 16 sửa đổi hay Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng,…

Cần những nỗ lực đặc biệt để khơi thông thị trường vốn năm 2023

Vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ để thị trường vốn năm 2023 được khơi thông đúng nghĩa, điều đó cần nỗ lực đặc ...

Những cổ phiếu ngân hàng được dự báo hưởng lợi nhờ các chính sách mới

Theo Báo cáo ngành của chứng khoán VNDirect, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ góp phần giảm áp lực trích lập dự phòng đối với các ...

Khối ngoại đảo chiều "xuống tiền" nhẹ trước thềm nghỉ lễ, HPG cùng MSB là tâm điểm

Tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khối ngoại trở lại trạng thái mua ròng dù giá trị còn hạn chế, tâm ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán