Hãng xe điện Trung Quốc vượt qua 2 đối thủ 'đáng gờm' từ Nhật Bản

(Banker.vn) Hãng xe điện BYD của Trung Quốc đã lần lượt vượt qua 2 thương hiệu Nhật Bản là Honda và Nissan để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ bảy thế giới.
Cửa nào cho các hãng xe điện Trung Quốc khi về Việt Nam? Lý do Toyota, Honda 'chùn chân' tại 2 thị trường trọng điểm châu Á Vụ cháy xe điện Mercedes-Benz dấy lên nhiều lo ngại an toàn về pin

Hãng xe điện BYD của Trung Quốc đã lần lượt vượt qua 2 thương hiệu Nhật Bản là Honda và Nissan để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ bảy thế giới tính theo số lượng ô tô bán ra trong quý 2/2024. Dữ liệu từ các nhà sản xuất ô tô và công ty nghiên cứu MarkLines cho thấy thành tích kể trên đến từ nhu cầu về xe điện giá cả phải chăng.

Doanh số bán xe mới của BYD đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 980.000 chiếc trong quý 2. Ngay cả khi phần lớn các nhà sản xuất ô tô hàng đầu, bao gồm Toyota Motor và Tập đoàn Volkswagen đều sụt giảm. Phần lớn sự tăng trưởng của BYD đến từ doanh số bán hàng ở nước ngoài, đạt mức 105.000 chiếc.

Hãng xe điện Trung Quốc vượt qua 2 đối thủ 'đáng gờm' từ Nhật Bản
BYD tăng doanh số nhờ nhu cầu xe điện giá phải chăng. Ảnh: Nikkei Asia

Trong quý 2/2023, BYD đã đứng thứ 10 thế giới về doanh số 700.000 xe bán ra, Kể từ đó, hãng đã vượt qua Nissan và Suzuki Motor, đồng thời đánh bại Honda.

Hãng ô tô Nhật Bản duy nhất còn lại có doanh số lớn hơn BYD là Toyota, dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu trong quý 2 với 2,63 triệu xe. Nhiều thương hiệu ở Mỹ cũng đang dẫn đầu, mặc dù BYD đang nhanh chóng bắt kịp Ford.

Bên cạnh đó, 2 hãng xe Trung Quốc khác là Geely và Chery Automobile đều đứng trong top 20 về doanh số bán hàng toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 4-6.

Xe điện giá cả phải chăng của BYD đã đạt được động lực tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, thúc đẩy doanh số bán hàng tháng 6 tại đây tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, các hãng xe Nhật Bản vốn có thế mạnh là xe chạy xăng đang bị tụt lại phía sau. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Honda đã giảm 40% trong tháng 6 và nhà sản xuất ô tô này có kế hoạch giảm công suất khoảng 30%. Ngay cả ở Thái Lan, nơi các công ty Nhật Bản nắm giữ khoảng 80% thị phần, Suzuki cũng đang ngừng sản xuất trong khi Honda đang giảm một nửa công suất.

Trung Quốc đã xuất khẩu 2,79 triệu xe trong nửa đầu trong nửa đầu năm 2024, nhiều hơn Nhật Bản 780.000 chiếc. BYD đã mở nhà máy lắp ráp xe quy mô lớn ở nước ngoài đầu tiên tại Thái Lan, đồng thời có kế hoạch mở thêm các trung tâm ở Hungary và Brazil. Doanh nghiệp cũng đang xem xét sản xuất ở Mexico.

Được cảnh báo trước tác động tiềm ẩn đối với các nhà sản xuất ô tô trong nước, Mỹ đã tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất lên 100%. Canada đang xem xét áp dụng mức thuế riêng của mình.

Liên minh châu Âu vào tháng 7 đã bắt đầu áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất và mới đề xuất sẽ tăng thuế suất lên tới 36,3%. BYD hiện có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Thổ Nhĩ Kỳ để tránh “hàng rào” thuế quan.

Đối với những hãng xe Nhật Bản đang tụt lại phía sau, thị trường Bắc Mỹ, nơi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc gần như không có được sức hút do mức thuế cao đang ngày càng trở nên quan trọng. Khi nhu cầu xe điện chậm lại ở đó, xe hybrid của Toyota và Honda đang trở nên phổ biến, nhưng điều này chưa hẳn có thể bù đắp được cho doanh số bán hàng sụt giảm ở Trung Quốc và các nơi khác.

Quy mô sản xuất là yếu tố quan trọng giúp các nhà sản xuất ô tô giảm chi phí và phát triển các mẫu xe mới có lợi nhuận. Honda đang hợp tác với Nissan và Mitsubishi Motors để phát triển xe điện và có khả năng hợp nhất rộng rãi hơn trong ngành khi các nhà sản xuất ô tô tìm cách tồn tại trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.

Ở diễn biến mới nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc đã họp với các nhà sản xuất ô tô và hiệp hội công nghiệp vào cuối ngày 23/8 để thảo luận về việc tăng thuế nhập khẩu đối với xe chạy xăng động cơ lớn, đưa ra cảnh báo khi Liên minh châu Âu sắp đưa ra quyết định về thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc.

Cụ thể, liên minh châu Âu sẽ bỏ phiếu vào tháng 10 về việc có nên áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 36,3% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất bên cạnh mức thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% hay không.

Để đáp trả về áp lực thuế quan, Trung Quốc tuyên bố đã mở rộng điều tra đối với các sản phẩm nhập khẩu của EU với nhiều loại phô mai, sữa và kem cùng với việc kiểm tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và rượu mạnh.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các quan chức đã lắng nghe ý kiến ​​và đề xuất của ngành, chuyên gia và học giả về việc tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô chạy bằng nhiên liệu với động cơ phân khối lớn nhập khẩu về quốc gia này.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục