Hàng loạt ngân hàng sắp tăng vốn khủng từ chia cổ tức

(Banker.vn) Trong năm 2022, các ngân hàng đồng loạt lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn. Kết thúc mùa đại hội đồng cổ đông thường niên, có đến 20 ngân hàng thông qua kế hoạch trả cổ tức và đều thực hiện chia bằng phát hành cổ phiếu.

Trong những năm gần đây, hệ thống ngân hàng chịu áp lực lớn từ việc tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II và tương lai là Basel III. Vào cuối năm 2021, hệ số CAR của nhóm “Big4” chỉ đạt trên 9%, thấp hơn nhiều mức bình quân (19,4%) của các ngân hàng tại thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á khác.

Hãng xếp hàng Fitch Rating từng ước tính ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm vốn bổ sung lên tới 10,7 tỷ USD để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số CAR ở mức 10%, trong đó phần lớn tập trung ở nhóm ngân hàng quốc doanh.

Tăng trưởng tín dụng phục hồi sau đại dịch cũng là một trong những động lực khiến các ngân hàng tích cực tìm cách tăng vốn. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4 và đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối năm 2021.

Thị trường cổ phiếu tích cực trong năm 2021 cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy xu hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn hoá nhiều ngân hàng đã tăng mạnh, bình quân khoảng 60%, trong đó có những ngân hàng ghi nhận mức tăng ba chữ số.

Trong năm 2022, các ngân hàng đồng loạt lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn. Kết thúc mùa đại hội đồng cổ đông thường niên, có đến 20 ngân hàng thông qua kế hoạch trả cổ tức và đều thực hiện chia bằng phát hành cổ phiếu.

Tỷ lệ trả cổ tức của các ngân hàng

3 “ông lớn” quốc doanh lại có thêm một năm trả cổ tức bằng cổ phiếu để giải cơn khát vốn. Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành hơn 856 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 18,1% để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ dự kiến từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cũng dự kiến phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ chia cổ tức là 12%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV/2022.

Với VietinBank, cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm 569,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 11,8488%.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự định dùng toàn bộ số lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2021 là 9.624 tỷ đồng để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tổng giá trị vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 và 2021 là 15.318 tỷ đồng.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết theo nghị quyết của Quốc hội, ngân hàng sẽ dành toàn bộ lợi nhuận thu được để tăng vốn.

"Về tỷ lệ cụ thể bao nhiêu, chúng tôi cần xin ý kiến Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Nhưng theo quan điểm của Quốc hội, lợi nhuận sẽ dành trọn vẹn cho việc tăng vốn nên tỷ lệ cổ tức sẽ rất tốt và rất cao trong thời gian tới," ông Bình chia sẻ thêm.

Tại nhóm tư nhân, các ngân hàng tiếp tục tận dụng sự sôi động của thị trường chứng khoán để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. VPBank gây bất ngờ với kế hoạchphát hành hơn 2,24 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức và thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 50%.Đợt phát hành sẽ được thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022, nâng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng. Trong năm ngoái, ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 80%.

Là ngân hàng triển khai phương án tăng vốn đầu tiên trong năm, VIB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 16/5 để hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ tương đương 35% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng dự kiến phát hành 543,6 triệu cổ phiếu, nâng mức vốn điều lệ lên gần 21.000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 5.436 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay như MSB (30%), OCB (30%), Nam A Bank (29%), ACB, HDBank (25%), Vietbank (21%), MB (20%), Kienlongbank (16%), SHB (15%), LienVietPostBank (15%), SeABank (12,7%), VietABank (11%), ABBank (10%), Bac A Bank (8%).

Trái ngược với không khí nhộn nhịp kể trên, các ngân hàng như Techcombank, PG Bank, Sacombank tiếp tục giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức trong nhiều năm nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Hoàng Hà (t/h)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục