Hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III với nhiều 'điểm sáng'

(Banker.vn) Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 6 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận và chưa có ngân hàng nào báo lãi giảm.

Trong báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận quý III/2021 của ngành ngân hàng có thể giảm 19% do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng lên.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, đã có 6 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận và chưa có ngân hàng nào báo lãi giảm.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng đầu tiên tiết lộ kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế gần 4.400 tỷ đồng, đạt 75,76% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%.

Trong ba quý đầu năm, thu lãi thuần từ dịch vụ của TPBank đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 1.052 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), hoạt động dịch vụ tiếp tục trở thành điểm sáng trong 9 tháng đầu năm, với thu nhập thuần tăng 88,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của các mảng banca và dịch vụ thanh toán.

Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động giảm từ 43,8% tại 30/9/2020 xuống còn 39%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng không kém cạnh khi cho biết lợi nhuận hợp nhất trước thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng ở mức dưới 30%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt 25,6%.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng tiết lộ mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính trong quý III với lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 205,6 tỷ đồng, cao gấp hơn 7 lần cùng kỳ.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 30,9% mang về 1.088 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ tăng mạnh 254% mang về hơn 101 tỷ đồng trong khi đó mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận sụt giảm 35,4% so với cùng kỳ.

Ngân hàng đã tăng gấp 4 lần chi phí trích lập dự phòng trong kỳ trong khi chi phí xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 87,85% kế hoạch năm, tức khoảng 878 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 113,38% kế hoạch năm; dư nợ cấp tín dụng và huy động thị trường 1 đạt lần lượt là 80,08% và 92,04% so với kế hoạch.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) hiện chưa công bố chi tiết mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng tiết lộ vẫn duy trì đà tăng trưởng ở nhiều mảng hoạt động và hoàn thành vượt mục tiêu đã đề ra.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, thực hiện 99,7% kế hoạch năm, trong đó cho vay khách hàng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ CIR ở mức 35,35% và tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,68%.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán