Hải quan yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định 4 mặt hàng phế liệu, chất thải chờ nhập khẩu

(Banker.vn) Do thiếu danh sách phế liệu, phế thải cấm nhập khẩu, hiện, 4 mặt hàng đang chờ Tổng cục Hải quan xin ý kiến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổng cục Hải quan tăng cường công tác quản lý, điều hành Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương xác định đối tượng điều chỉnh mặt hàng dầu HFO

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản số 4623/TCHQ-GSQL ngày 26/9/2024 gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) liên quan đến vướng mắc về xác định hàng hóa nhập khẩu quản lý đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu.

Theo nội dung văn bản Tổng cục Hải quan nêu rõ:

Tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường quy định các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm: "Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức".

Hải quan yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định 4 mặt hàng phế liệu, chất thải chờ nhập khẩu
Hiện, 4 mặt hàng đang chờ ý kiến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường để nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh minh họa: Thu Hường

Căn cứ quy định tại mục 13 Phụ lục 1 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, phế liệu, phế thải thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018: “Căn cứ Phụ lục 1 Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu kèm theo mã số hàng hóa (mã HS) trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa công bố danh sách phế liệu, phế thải kèm mã số HS cấm nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP nêu trên.

Để xác định hàng hóa là chất thải phế liệu, hiện, cơ quan Hải quan đang căn cứ vào khái niệm quy định tại Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất tại Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023; Danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật và qua các vụ việc thực tế phát sinh, Tổng cục Hải quan thấy rằng, hiện nay, chưa đủ cơ sở để xác định hàng hóa xuất nhập khẩu có phải là phế liệu, chất thải theo pháp luật về môi trường.

Lý do là Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành Danh mục phế liệu, phế thải kèm mã số HS cấm nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 69/2018/ND-CP, dẫn đến không có tiêu chuẩn, quy chuẩn để xác định hàng hóa nào là phế liệu, chất thải; không có cơ quan tổ chức nào được phân công chỉ định thực hiện việc giám định hàng hóa có phải là phế liệu, chất thải hay không?...

Từ những bất cập nêu trên, đã khiến cơ quan hải quan gặp vướng trong xác định hàng hóa nhập khẩu là phế liệu, chất thải đối với 4 mặt hàng, cụ thể:

Mặt hàng dầu HFO:

Các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng dầu HFO350 khai báo với nhiều tên gọi khác nhau.

Doanh nghiệp đều khai mã số HS 2710.19.90.

Mặt hàng xỉ than đá

Công ty TNHH Đóng tàu Huyndai Việt Nam khai báo hàng hóa nhập khẩu là "Hạt thép dùng làm sạch bề mặt thép tầm", mã số HS 7205.10.00 và cơ quan hải quan đã tiến hành lấy mẫu hàng hóa để phân tích, phân loại. Kết quả phân loại tên hàng là "Xỉ than đá từ quá trình đốt than đá", mã số 2621.90.90.

Mặt hàng đá dăm từ xỉ luyện kim

Công ty Do Sung và Công ty TNHH Kumgang Vina khai báo hàng hòa nhập khẩu là: "Đá dăm từ xỉ luyện kim dùng trộn với xi măng để sản xuất để cân bằng trọng tải máy giặt", mã số 2517.20.00, nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mặt hàng hạt phun để làm sạch bề mặt kim loại

Trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phát hiện Công ty TNHH Dịch vụ và Kỹ thuật dầu khí Tấn Tài Lộc khai báo hàng hóa là "Hạt phun, bằng thép (PS Ball), dùng để làm sạch bề mặt kim loại kích thước 0.6mm-1.0mm-2.0mm. Mới 100%, xuất xứ: Hàn Quốc: Mã số HS: 7205.10.00" nhưng sau khi cơ quan hải quan lấy mẫu hàng hóa để phân tích, phân loại thì xác định hàng hóa là "Xỉ hạt nhỏ (Xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt, thép (có các kích cỡ hạt như khai báo), có thành phần chính là các ôxít kim loại, chiếm trên 90%.

Mã số HS: 2618.00.00".

Cơ quan hải quan đã tiến hành rà soát trên Hệ thống dữ liệu điện tử hải quan cho thấy nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu mặt hàng có mã số 7205.10.00 nhưng khai báo với nhiều tên hàng khác nhau: Hạt mài bằng sắt, hạt bị thép, thép không gỉ dạng hạt, viên thép không gỉ dạng hạt, hạt hợp kim, vật liệu phun, dạng hạt bằng thép, thép dạng cát bằng thép không gỉ... Đồng thời, doanh nghiệp cũng khai báo với nhiều mục đích nhập khẩu khác nhau như: làm sạch bề mặt sản phẩm bề kim loại, làm sạch vỏ tàu/đánh bóng sản phẩm, làm rỗ bề mặt đá, nguyên liệu sản xuất thép không gỉ, đánh bóng vệ sinh bề mặt gạch men, dùng để đúc và chế tạo kim loại....

Ý kiến của Tổng cục Hải quan

Qua các vụ việc nêu trên, Tổng cục Hải quan thấy rằng, trong quá trình trao đổi để xác định bản chất hàng hóa, tại các văn bản của cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) có trường hợp hướng dẫn chưa rõ quan điểm hàng hóa có phải là phế liệu, chất thải không nhưng cũng có vụ việc có ý kiến rõ hàng hóa là chất thải. Do vậy, để đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan đúng quy định, tránh phế liệu, chất thải, sản phẩm tái chế kém chất lượng gây ô nhiễm môi trường nhập khẩu vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến cụ thể về:

Bản chất của các hàng hóa nhập khẩu nêu trên (theo khai báo của doanh nghiệp, kết quả giám định của tổ chức giám định cũng như kết quả phân tích, phân loại của cơ quan hải quan) có phải là phế liệu chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hay không? Trường hợp chưa đủ cơ sở xác định bản chất hàng hóa thì đề nghị Quý Bộ nêu rõ nội dung cơ quan hải quan cần bổ sung hoặc chỉ định đơn vị có chức năng xác định để cơ quan hải quan gửi mẫu trưng cầu giám định.

Về lâu dài, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn những nội dung nêu ở trên và đề nghị có chỉ định các cơ quan, tổ chức được thực hiện giám định hàng hóa nhập khẩu là phế liệu, chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường để cơ quan hải quan có cơ sở áp dụng chính sách quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chi tiết văn bản xem tại đây!

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương