Hải Phòng: FTA mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn cho ngành công nghiệp

(Banker.vn) Các FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn cho ngành công nghiệp TP. Hải Phòng. Tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn.
Hải Phòng: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 3 tỷ USD trong 9 tháng Hải Phòng: Triển khai hiệu quả chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'

Nâng cao hiệu quả khai thác các FTA

Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), thời gian qua, Sở Công Thương Hải Phòng đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, chủ động đề xuất thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy các mặt hàng thế mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác các FTA, UBND thành phố ban hành các văn bản nhằm triển khai, thực thi các FTA thế hệ mới trong giai đoạn 2021-2023.

Hải Phòng: FTA mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn cho ngành công nghiệp
FTA đã và đang mang lại những tác động tích cực trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Hải Phòng. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Sở Công Thương cũng đã chủ trì, phối hợp các Cục, Vụ của Bộ Công Thương tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin của cả nước nói chung và TP. Hải Phòng nói riêng về hội nhập quốc tế, các FTA đã ký kết; công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ tại các FTA mới và chống gian lận xuất xứ... Các chương trình, hội nghị, hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang,…; đồng thời phối hợp thông tin trên 50 hội nghị trực tuyến về xuất xứ hàng hoá, các cam kết về thuế quan, lộ trình mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, nhất là những nghĩa vụ của Việt Nam theo cam kết của Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA...

Sở Công Thương Hải Phòng đồng thời thực hiện tốt chức năng làm đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA cũng như các FTA khác mà Việt Nam tham gia. Phối hợp tổ chức Chương trình kết nối Hải Phòng - Hồng Kông (Trung Quốc) góp phần hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy xúc tiến thương mại 50 doanh nghiệp trên địa bàn với 60 doanh nghiệp phía Hồng Kông trên nhiều lĩnh vực như logistics, dệt may, nông sản,…

Hải Phòng cũng đã đặc biệt chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết các ngành và các lĩnh vực kinh tế, từng bước đưa khu vực kinh tế này thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, một lực lượng nòng cốt tham gia khai thác hiệu quả thị trường các FTA.

Số liệu từ Sở Công Thương Hải Phòng cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 12,7% so với năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ thương mại ước đạt 144.518,2 tỷ đồng, đạt 73,78% kế hoạch năm, giá trị xuất khẩu ước đạt 20.965,5 triệu USD, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 67,63% kế hoạch năm, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,98 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ.

Là địa phương đang có những đột phá về thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ cao, điện tử - tin học, cơ khí chế tạo… và phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại, có hệ thống dịch vụ cảng đứng đầu cả nước, đầu mối giao thương hàng hải của cả khu vực phía Bắc, việc ký kết các FTA. Sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu hàng hóa không phải chỉ thông qua giá trị tuyệt đối của kim ngạch xuất khẩu mà ngay cả tỷ lệ khai thác, sử dụng các mẫu chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những ưu đãi ở khu vực thị trường mới có FTA cũng đạt mức độ cao. "Đó chính là yếu tố tạo ra cơ hội tăng trưởng và tăng trưởng bền vững trong cán cân thương mại song phương với các quốc gia này. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương TP. Hải Phòng đã cấp hơn 30.475 bộ C/O, tăng hơn 107% so cùng kỳ"- Sở Công Thương Hải Phòng thông tin.

Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết FTA

Việc thực thi các FTA theo Sở Công Thương Hải Phòng là đã và đang mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của TP. Hải Phòng, giúp Hải Phòng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu; nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Doanh nghiệp của Hải Phòng cũng có cơ hội để mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; tranh thủ được vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh - xã hội.

Đến nay, theo Sở Công Thương Hải Phòng, những FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn cho ngành công nghiệp thành phố. Tuy nhiên nhìn vào tỷ trọng xuất khẩu các thị trường này, kết quả vẫn còn thấp so với tiềm năng. Bên cạnh đó, dù được tạo điều kiện, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phát triển công nghệ. Khu vực tư nhân đã phát triển nhưng quy mô còn nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ; các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng của hàng nhập khẩu.

Ngành công nghiệp phụ trợ của thành phố chưa phát triển, nhập khẩu bị phụ thuộc nhiều vào các nước quốc tế. Tỷ lệ cung ứng nguyên liệu trong nước của một số ngành công nghiệp như dệt may và da giày là khoảng 30%... Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của thành phố sang các thị trường đã ký FTAs vẫn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng điện tử, máy móc thiết bị, các mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày). Đặc biệt, hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là gia công, chiếm đến trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố đều từ các doanh nghiệp FDI, sản xuất và xuất khẩu theo chỉ định của các công ty mẹ, dẫn đến phụ thuộc và không đa dạng hàng hóa, thị trường.

Thời gian tới, để tận dụng FTA hiệu quả, Sở Công Thương TP. Hải Phòng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, chủ động tìm hiểu các cam kết FTA; quy trình để xuất khẩu được sang thị trường có FTA. Từ đó đánh giá xem sản phẩm của mình có thế mạnh gì để xuất khẩu vào thị trường đó. Bên cạnh đó, theo Sở Công Thương TP. Hải Phòng, các FTA có hiệu lực mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp thành phố trong hội nhập quốc tế nhưng cũng mang lại một số thách thức nhất định cho doanh nghiệp Hải Phòng nói chung và Việt Nam nói riêng.

Cụ thể, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể gặp phải khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định. Cùng với đó, khi thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu, quốc gia sở tại có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay các biện pháp phòng vệ thương mại.

Vì vậy, để giảm thiểu ảnh hưởng của những thách thức và chuyển thành cơ hội trong quá trình hội nhập, Sở Công Thương Hải Phòng nêu rõ, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện đồng bộ một số giải pháp, như: Tích cực tìm hiểu FTA, thông qua việc tham gia các chương trình phổ biến, hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn về FTA do Bộ Công Thương và các đơn vị phối hợp tổ chức; tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về FTA, cơ hội thị trường; chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản.

Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.... Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của FTA, cụ thể cần lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động và các quy định, nguyên tắc về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.

Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về quy tắc xuất xứ tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tập trung vào các ngành hàng mà doanh nghiệp Hải Phòng có thế mạnh, tăng tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Mặt khác, "để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu đối với thế giới, đặc biệt các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng tăng tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường, đặc biệt là các thị trường FTA mới như Canada, Mexico, Peru, các nước EU"- Sở Công Thương Hải Phòng kiến nghị.

Thời gian qua, Sở Công Thương Hải Phòng đã tiến hành hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tra cứu thông tin trực tuyến về các hiệp định thương mại tự do từ Cổng thông tin FTA (FTAP) của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân thành phố (fta.haiphong.vn) và các trang thông tin điện tử chuyên ngành.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương