Đi tìm đầu ra cho đông trùng hạ thảo Thái Bình Hải Phòng nỗ lực xúc tiến các sản phẩm thương mại chủ lực Xúc tiến thương mại giúp đặc sản vùng cao vươn ra thị trường |
Hội tụ thương mại, quảng bá thương hiệu địa phương
Mùa vải thiều 2025 đang đến gần, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) bước vào cao điểm xúc tiến thương mại với hàng loạt hoạt động quy mô, bài bản nhằm lan tỏa thương hiệu vải thiều và các sản phẩm OCOP tiêu biểu. Mục tiêu xuyên suốt là thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái miệt vườn.
Ngay từ đầu tháng 5, UBND huyện Thanh Hà đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà phân phối lớn trong cả nước. Hội nghị không chỉ là diễn đàn kết nối cung - cầu mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình canh tác đạt chuẩn xuất khẩu của địa phương.
![]() |
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Báo Hải Dương |
Dự kiến vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, huyện Thanh Hà sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức Lễ mở vườn vải thiều xuất khẩu và Lễ hội vải thiều Thanh Hà 2025. Đây là những sự kiện trọng điểm nhằm truyền thông mạnh mẽ giá trị nông sản chủ lực của địa phương. Lễ hội năm nay sẽ kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày sản phẩm OCOP, trình diễn quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu nhằm giới thiệu đầy đủ chuỗi giá trị của loại trái cây đặc sản này.
Từ tháng 5 đến tháng 6, loạt đoàn công tác sẽ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành lớn; tổ chức Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nhằm kết nối tiêu thụ, tăng độ phủ nhận diện thương hiệu đến người tiêu dùng đô thị.
Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông thông qua các họp báo tuyên truyền, các diễn đàn nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, sự kiện “mùa hoa vải”, quảng bá du lịch gắn với thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Những di tích văn hóa nổi bật như chùa Minh Khánh, chùa Bạch Hào, cây vải tổ hay chương trình múa rối nước xã Thanh Hải được đưa vào tour tham quan, tạo nên hành trình du lịch sinh thái đặc sắc trong mùa vải chín. Ngoài ra, huyện Thanh Hà đang phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng tour trải nghiệm "Một ngày làm nông dân" tại các vườn vải đạt chuẩn, hướng đến khách du lịch nội địa và quốc tế.
Hải Dương cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan trung ương và tổ chức quốc tế trong việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Năm nay, huyện đặt mục tiêu tất cả các vùng trồng phục vụ xuất khẩu đều được số hóa và cập nhật trên hệ thống truy xuất nguồn gốc QR code, giúp tăng độ tin cậy và minh bạch trong giao dịch thương mại.
Đại diện UBND huyện Thanh Hà cho biết, các hoạt động năm nay không chỉ nhằm thúc đẩy tiêu thụ quả vải mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý “vải thiều Thanh Hà”, nhãn hiệu tập thể cho các nông sản địa phương như ổi Thanh Hà, bưởi Thanh Hồng, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất này.
Đổi mới tư duy, chủ động tìm đầu ra bền vững
Hiện toàn huyện Thanh Hà có khoảng 3.300 ha vải thiều, trong đó hơn 90% diện tích đã ra hoa và đậu quả. Dự kiến năm nay, sản lượng vải đạt khoảng 35.000 tấn, trong đó có 1.750 tấn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia; khoảng 21.000 tấn sang Trung Quốc và 12.250 tấn tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống thương mại điện tử, doanh nghiệp và hợp tác xã.
Chủ động từ sớm, nhiều xã như Thanh Tân, Thanh Sơn, Thanh Quang đã triển khai các hội nghị kết nối doanh nghiệp, giới thiệu vùng trồng đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Xã Thanh Tân đã làm việc với 5 doanh nghiệp, 48 vùng trồng và 8 cơ sở đóng gói từ giữa tháng 4. Xã Thanh Sơn đã ký hợp đồng nguyên tắc với doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, đồng thời hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
![]() |
Người dân Hải Dương đã bắt đầu ứng dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm vải thiều. Ảnh Tuấn Anh |
Đặc biệt, người dân đã bắt đầu ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để quảng bá sản phẩm. Chị Quách Thị Phượng (xã Thanh Tân) chia sẻ hiện nay, người dân không còn phải trông chờ thương lái đến mua nữa mà chủ động giới thiệu vườn vải để tự giới thiệu đến người mua.
Các hợp tác xã cũng chủ động liên kết với người dân đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử để bán. Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Quang cho biết dù chính quyền đã hỗ trợ đầu ra nhiều năm nay nhưng muốn quả vải bán được giá, nông dân phải chủ động tiếp thị, bán hàng. Hợp tác xã đã đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị nông sản sạch và đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số.
Huyện Thanh Hà cũng đã phối hợp với các sở ngành rà soát, giám sát vùng sản xuất, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu. Song song, địa phương chủ động bố trí địa điểm thu mua, đảm bảo an ninh trật tự và lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thương nhân tiêu thụ sản phẩm.
![]() |
Hải Dương đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo chất lượng vải thiều Thanh Hà. Ảnh Tuấn Anh |
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo chất lượng vải thiều cũng được đặc biệt chú trọng. Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Hà phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã để hướng dẫn nông dân canh tác theo tiêu chuẩn sạch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly, quy trình thu hái, sơ chế, đóng gói. Điều này không chỉ phục vụ mục tiêu xuất khẩu mà còn xây dựng niềm tin bền vững từ thị trường nội địa.
Các hợp tác xã như hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn, hợp tác xã sản xuất vải thiều VietGAP Thanh Quang đã liên kết thành công với các doanh nghiệp lớn như Vina T&T, AEON, Big C… giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giảm phụ thuộc vào thương lái. Nhiều nông hộ được đào tạo kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng bao tiêu để chủ động hơn trong khâu tiêu thụ.
Mô hình du lịch sinh thái miệt vườn vào mùa vải chín cũng đang lan tỏa mạnh mẽ. Những vườn vải tại Thanh Quang, Thanh Sơn, Thanh Tân, thị trấn Thanh Hà đã thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi mùa. Tại đây, du khách không chỉ tham quan, hái vải, mà còn trực tiếp trải nghiệm quy trình canh tác, từ đó thêm hiểu, thêm yêu sản vật địa phương.
Với sự chủ động từ chính quyền, nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, mùa vải thiều 2025 tại Thanh Hà hứa hẹn sẽ thành công trên nhiều phương diện, từ sản lượng, chất lượng, tiêu thụ trong và ngoài nước đến quảng bá văn hóa và hình ảnh địa phương. Đây là hình mẫu cho sự phối hợp hiệu quả giữa xúc tiến thương mại và phát triển nông nghiệp bền vững. |