Hai doanh nghiệp dệt may lớn bị xử lý vi phạm thuế

(Banker.vn) Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex, UPCoM: HSM) và Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) mới đây đã nhận quyết định xử lý vi phạm thuế từ cơ quan chức năng.

Dệt may Thành Công bị truy thu hơn 5,5 tỷ đồng

Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan đã ấn định tổng số tiền thuế bổ sung mà Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công phải nộp là hơn 5,5 tỷ đồng. Các khoản thuế này bao gồm hơn 1,7 tỷ đồng thuế nhập khẩu, gần 1,6 tỷ đồng thuế chống bán phá giá, gần 2,2 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và 708 triệu đồng thuế bảo vệ môi trường.

Hai doanh nghiệp dệt may lớn bị xử lý vi phạm thuế
Hình minh họa

Nguyên nhân chính dẫn đến quyết định truy thu là do Dệt may Thành Công khai báo sai đối tượng miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Cùng với đó, việc quản lý chưa chặt chẽ và chính xác đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu dẫn đến phát sinh chênh lệch trong số liệu vào cuối năm 2023, mà doanh nghiệp chưa thể giải trình cụ thể.

Về tình hình kinh doanh, kết quả kinh doanh năm 2024 của công ty khá khả quan nhờ sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu lớn. Trong quý III, Dệt may Thành Công ghi nhận hơn 81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt gần 216 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch cả năm (161 tỷ đồng).

Dệt may Thành Công là một trong những tên tuổi lớn trong ngành, tiền thân là Nhà máy Dệt Thành Công, thành lập từ năm 1976. Doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.

Hanosimex bị xử phạt gần 383 triệu đồng

Tại phía Bắc, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cũng đối mặt với quyết định truy thu và xử phạt thuế từ Cục Thuế TP Hà Nội. Theo quyết định ngày 5/12/2024, Hanosimex bị truy thu, phạt và nộp tiền chậm nộp gần 383 triệu đồng.

Các sai phạm bao gồm kê khai sai và không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, kê khai thuế giá trị gia tăng hàng hóa không đủ điều kiện khấu trừ, và hạch toán một số khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ. Đây là những lỗi phổ biến trong lĩnh vực kế toán và quản trị thuế, nhưng với một doanh nghiệp lớn, những vi phạm này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động và uy tín.

Về tình hình kinh doanh, kết quả kinh doanh tại Hanosimex cũng đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục sau nhiều quý thua lỗ. Cụ thể, trong quý III/2024, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 300 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, công ty thu về 5,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 12,5 tỷ đồng ở quý III/2023.

Tuy nhiên, đây hiện vẫn đang là quý ghi nhận lợi nhuận dương duy nhất trong năm nay. Tính chung 9 tháng đầu năm, công ty hiện vẫn đang lỗ hơn 77 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Hanosimex có tiền thân là Nhà máy Sợi Hà Nội, đi vào hoạt động từ năm 1984. Năm 2007, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trở thành Tổng Công ty và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2008. Với vốn điều lệ ban đầu là 205 tỷ đồng và 57% vốn thuộc sở hữu Nhà nước, Hanosimex hiện là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng Sợi - Dệt - May của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Doanh nghiệp có mạng lưới sản xuất rộng khắp tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An và Hà Tĩnh, hoạt động trong các lĩnh vực kéo sợi, may, sản xuất khăn, dệt vải và logistics.

SSI Research chỉ ra hai doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhờ thuế VAT phân bón mới

Quốc hội thông qua Luật Thuế GTGT sửa đổi, áp dụng thuế suất 5% cho phân bón, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa như DPM, ...

Tổng cục Thuế kiên quyết xử lý vi phạm, siết chặt kỷ luật thực thi công vụ

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn số 5488/TCT-KTNB gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục