Bảo hiểm xã hội tỉnh Cao Bằng: Hoàn thành kế hoạch thanh tra kiểm tra năm 2022 Vĩnh Phúc: Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm |
Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đưa chỉ tiêu tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2023 vào Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023” với mục tiêu trong năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội đạt 22,2%; tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 12,4%; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt trên 93% dân số. Đây là tiền đề quan trọng để Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội này trên địa bàn trong giai đoạn tới.
Theo Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh, năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu đưa chi tiêu tỷ lệ lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 16/12/2021).
Ảnh minh hoạ |
Năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sụt giảm người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện do thay đổi chính sách về mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, sụt giảm người tham gia Bảo hiểm y tế do chính sách vùng đặc biệt khó khăn, sụt giảm lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các dự án may mặc có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 tại Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, số tăng thấp do các dự án mới chậm được triển khai. Việc dịch chuyển lao động ra khỏi địa bàn vẫn tiếp tục diễn ra, đồng thời lao động khai thác từ rà soát dữ liệu thuế chủ yếu là dịch chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, nên thực chất tăng mới không nhiều.
Giai đoạn 2020-2022 được đánh giá là “thời kỳ vàng” về phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hà Tĩnh (trong 3 năm tăng hơn 41 nghìn người), đưa tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội đạt 7,5% lực lượng lao động của toàn tỉnh (cao gấp 3 lần so với mục tiêu đến năm 2025, cao gấp 1,5 lần so với mục tiêu đến năm 2030 của Nghị quyết số 28/NQ-TW).
Tuy nhiên, do đặc thù của Hà Tĩnh, hiện tỷ lệ người dân được ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người tham gia toàn tỉnh (chiếm 23%). Do vậy, hằng năm ngân sách tỉnh phải cân đối kinh phí để hỗ trợ một phần mức đóng cho các nhóm đối tượng: Hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ cận nghèo, người cao tuổi (nhóm này chiếm 43% số người tham gia). Chính sách này được thực hiện đến năm 2025, tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế khi ngân sách tỉnh thôi hỗ trợ.
Trước tình hình này, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, giúp Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Trong đó, tập trung cao trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ các vướng mắc đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường cải cách hành chính để thu hút các dự án mới triển khai trên địa bàn tỉnh, tăng số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành và Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt về vai trò, nhiệm vụ của mình trong thực hiện chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đóng nộp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; yêu cầu các sở, ban ngành tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin về dữ liệu lao động, dữ liệu dân cư để phục vụ công tác khai thác phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế theo hướng bền vững. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng khuyến khích các địa phương tiếp tục cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để có chính sách hỗ trợ và quan tâm ưu tiên hỗ trợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho các nhóm người yếu thế trong xã hội, như: Người cao tuổi, người có thu nhập không ổn định; hộ gia đình, các địa phương có học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn chưa tham gia Bảo hiểm y tế.
Nhật Khôi
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|