Hà Nội: Sẵn sàng cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân

(Banker.vn) Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã kịp thời triển khai biện pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân Thủ đô.
Người dân không nên tích trữ hàng hoá quá mức, ưu tiên vùng ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 Bắc Kạn: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng lũ Hà Nội: Rau xanh, thịt lợn đắt hàng trước bão số 3

Rau xanh, thực phẩm đắt hàng

Từ đầu giờ sáng đến 3h chiều ngày 10/9, tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), khách hàng liên tục vào mua hàng. Các mặt hàng được chọn mua nhiều nhất là thực phẩm, rau xanh, thịt lợn, thịt bò, cá,… Các dãy xe đẩy xếp hàng dài chờ thanh toán. Một số khách hàng do không đợi được lâu đã ra về và không mua hàng. Hàng hóa cũng được nhân viên liên tục đưa ra quầy.

Hà Nội: Sẵn sàng cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân
Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Do lượng người đổ về siêu thị liên tục và khá đông, nên đôi khi, tại một số quầy hàng rau xanh, ghi nhận tình trạng hết hàng cục bộ. Giá cả các mặt hàng được niêm yết công khai, không có tình trạng tăng giá.

Còn tại hệ thống siêu thị WinMart trên địa bàn Hà Nội, khách hàng đổ đến mua khá đông. Các mặt hàng được chọn mua chủ yếu vẫn là rau xanh, thịt lợn, thực phẩm. Giá cả các mặt hàng giữ ở mức ổn định. Không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Bà Nguyễn Thị Hiền -Phó Tổng Giám Đốc Hệ thống siêu thị BRGMart - cho biết, hệ thống siêu thị BRGMart ghi nhận nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng mạnh khoảng 70-80% so với ngày thường, ở các mặt hàng thực phẩm ăn liền (bánh, xúc xích, sữa, đồ hộp, thịt nguội, các loại mì ăn liền, mì khô, phở, miến, bánh đa... các loại nước tinh khiết, nước khoáng...) do nhu cầu tích trữ hàng hóa và hoạt động từ thiện hỗ trợ đồng bào đang bị ảnh hưởng bão số 3 và lũ lụt. Với các mặt hàng thiết yếu, gạo, dầu, nước mắm và thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt, cá; các loại giấy ăn, giấy vệ sinh người dân cũng mua tăng khoảng 30-35% và không thiếu hàng.

Đối với mặt hàng rau xanh, do ảnh hưởng bởi bão nên mặt hàng rau ăn lá sẽ hạn chế, sản phẩm rau muống vẫn đảm bảo đầy đủ 100%, các sản phẩm rau cải, rau ăn lá khác có nhưng ít hơn. Mặt hàng thịt lợn và thịt gà cũng tăng trưởng khoảng 30%, có bổ sung nhiều sản phẩm thịt lợn mảnh, gà nguyên con, hiện tại hàng hóa đầy đủ. Về giá cả hàng hóa: không có sự biến động, giá cả bình ổn theo chính sách chung của toàn hệ thống.

Cũng trong sáng nay (10/9), tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung rau xanh, thịt lợn, cá khá khan hiếm. Nhiều chợ chỉ đến 8h sáng, các phản thịt lợn đã hết hàng. Theo các tiểu thương, do lo ngại mưa bão nên nhiều người không đi bán hàng, bên cạnh đó, nguồn hàng rau xanh cũng bị ảnh hưởng do mưa bão, cộng nhiều yếu tố nên hàng hóa, nhất là mặt hàng rau xanh tại các chợ có phần khan hiếm.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, giá có tăng. Bắp cải 15.000 đồng/kg, rau muống 15.000 – 20.000 đồng/mớ. Giá thịt lợn cũng nhích nhẹ từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá trứng tại một số chợ tăng mạnh, 45.000 – 50.000 đồng/chục, đắt hơn khoảng 10.000 – 12.000 đồng/chục so với những ngày trước đó. Mặt hàng cà chua và một số mặt hàng rau ăn lá do bị tác động của mưa bão nên nguồn cung khá ít.

Hà Nội: Sẵn sàng cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân
Mặt hàng thịt lợn được nhiều người tiêu dùng mua tại các chợ dân sinh như Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân, Hà Nội ) (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Chị Minh Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, do thực phẩm ngoài chợ truyền thống những ngày chịu tác động của hoàn lưu sau bão đắt hơn những ngày bình thường nên chị lựa chọn vào siêu thị để mua hàng, bởi các siêu thị thường giữ mức giá bình ổn. Hôm nay (10/9), do khách hàng khá đông, nên chúng tôi xếp hàng khá lâu để chờ thanh toán. Hi vọng, những tác động của hoàn lưu sau cơn bão Yagi sẽ giảm bớt để hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống diễn ra bình thường trở lại.

Sẵn sàng cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân sau bão và hoàn lưu bão số 3, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ, doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn sớm xử lý các sự cố xung quanh khu vực bán hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, kịp thời.

Bên cạnh đó, thực hiện cứu trợ theo phương án đã xây dựng để bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt là khu vực bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3.

UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa trên địa bàn; tạo điều kiện và hỗ trợ các đơn vị tổ chức tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng và bán hàng phục vụ nhân dân; Tiếp tục tổ chức ứng trực, theo dõi sát diễn biến hoàn lưu bão số 3 để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các điểm bán hoạt động liên tục, thông suốt.

Các đơn vị kinh doanh thương mại, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cần nhanh chóng rà soát, bố trí các nguồn lực tập trung khắc phục trước tiên điều kiện cơ sở vật chất cơ bản để toàn bộ các điểm mở cửa bán hàng. Chủ động nắm bắt thông tin nhu cầu, nguồn cung hàng hóa và có kế hoạch chuẩn bị, dự trữ hàng hóa thiết yếu một cách hợp lý bảo đảm hoạt động kinh doanh của đơn vị và lượng hàng hóa cung ứng với giá cả ổn định phục vụ nhu cầu người dân sau bão.

Tăng cường công tác kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng (nhất là mặt hàng rau xanh) từ các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng của bão số 3 để hoạt động cung ứng của đơn vị không bị gián đoạn. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng, dầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân sau bão; thực hiện bán đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định. Có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa tới các điểm bán.

Các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại do bão gây ra để đưa các chợ hoạt động ổn định trở lại. Tuyên truyền các hộ kinh doanh tại chợ sắp xếp, chỉnh trang, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực kinh doanh; chấp hành đầy đủ các quy định chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa kinh doanh, tuyệt đối không đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán tăng cao; Theo dõi thường xuyên tình hình luân chuyển và giá cả hàng hóa thiết yếu của các hộ kinh doanh tại chợ để kịp thời triển khai biện pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa hoặc báo cáo ngay khi xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Trong bối cảnh tình hình thời tiết còn tiềm ẩn diễn biến bất thường, hiện Bộ Công Thương vẫn liên tục giữ liên lạc và chỉ đạo các địa phương bằng mọi cách không để đứt gãy nguồn cung hàng hoá thiết yếu. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục