Hà Nội: Kết nối đưa nông sản, hàng hóa về với người tiêu dùng Thủ đô

(Banker.vn) Kết nối nông sản từ các địa phương phục vụ nhân dân sau bão số 3, Hà Nội khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, sẵn sàng đưa về thị trường trong mọi trường hợp.
Tăng cường quảng bá, nông sản Sơn La rộng mở đầu ra Đắk Nông: Tăng cường xây dựng hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng Việt Nam Sơn La tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử Hà Nội: Kết nối nông sản, thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô

Trong khi hậu quả của cơn bão số 3 chưa kịp khác phục thì thông tin về cơn bão số 4 đã đến. Nhằm góp phần kết nối nguồn hàng đa dạng từ các tỉnh, thành phố, các đơn vị, vùng sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân sau cơn bão số 3, diễn biến ngập úng, phục vụ nhu cầu nhân dân những tháng cuối năm;… từ ngày 19/9 - 23/9 Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội được tổ chức ở phía trước khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Hà Nội: Kết nối, đưa hàng hóa về với người tiêu dùng Thủ đô
Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Theo đó, với quy mô 70 gian hàng tiêu chuẩn; của gần 50 doanh nghiệp, đơn vị Hà Nội và 14 tỉnh, thành phố tham dự gồm Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Lào Cai, Quảng Ninh, Đắk Nông, Cần Thơ… cùng các sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đã mang lại kênh mua sắm, sự lựa chọn phong phú cho người tiêu dùng.

Là đơn vị tham gia Tuần hàng với rất nhiều các sản phẩm nông sản, đặc sản từ Nghệ An, chị Nguyễn Thị Hải Yến – Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Đồng Tâm (thôn 9 - xã Quỳnh Vinh - thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) – chia sẻ, đợt này do thời tiết mưa gió, nên việc vận chuyển hàng hóa có hơi vất vả một chút. Đây là lần thứ hai tham gia hội chợ tại Hà Nội, các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng đón nhận bởi đều là các sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP. Xu hướng tiêu dùng hiện nay là sạch. Do đó, người tiêu dùng Thủ đô chấp nhận trả mức giá cao hơn sản phẩm thường để mua được các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, đồng thời đều có những kết nối lại để mua sản phẩm.

“2 ngày hôm nay, khách qua gian hàng khá đông. Chúng tôi cũng có đại lý ngoài Hà Nội, do đó, sau khi Tuần hàng kết thúc, khách hàng liên hệ, chúng tôi có thể vận chuyển đến tận nhà. Nếu khách hàng có nhu cầu nguồn hàng lớn, HTX cũng có khả năng đảm bảo đáp ứng”, bà Nguyễn Thị Hải Yến thông tin.

Hà Nội: Kết nối đưa nông sản hàng hóa về với người tiêu dùng Thủ đô
Người tiêu dùng Thủ đô mua sắm tại Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Tiếp nối Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội tổ chức tại quận Hà Đông, từ ngày 20/9 - 24/9, Sở Công Thương Hà Nội Tổ chức Tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm tại các kênh phân phối năm 2024 tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, số 222 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy.

Với quy mô trên 70 gian hàng tiêu chuẩn, các sản phẩm tham gia Tuần hàng là các sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đang có nhu cầu kết nối vào hệ thống phân phối để trưng bày, giới thiệu và kết nối.

Thường xuyên đi siêu thị Big C Thăng Long, chị Lê Thúy (quận Bắc Từ Liêm) vào mua các sản phẩm nông sản, đặc sản từ Tuần hàng. Nông sản, rau xanh, bắp cải, bí xanh, và cả các thực phẩm được chế biến sẵn được chị chọn mua. Thực phẩm tươi ngon, giá cả hợp lý, nguồn cung hàng hóa dồi dào khiến những người nội trợ như chị yên tâm.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 và mưa lũ đã làm 50.612 ha hoa màu bị ngập úng và 38.104 ha cây ăn quả bị hư hại, gây thiệt hại khoảng 1.250 tỉ đồng. Cùng với đó, giao thông đi lại gây ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng rau, củ và giá tăng.

Hiện, Bộ này cũng đã đề nghị các địa phương chủ động kiểm tra, tiêu thoát nước kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất, hạt giống để gieo trồng với những diện tích không có khả năng phục hồi, ưu tiên những loại rau ăn lá, rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.

Trong khi đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu; vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… cam kết bình ổn giá hàng hóa.

Ở góc độ địa phương, với sự vào cuộc của ngành Công Thương Hà Nội, việc tổ chức các Tuần hàng, Hội chợ nông sản nhằm hỗ trợ sản phẩm các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản mùa vụ thu hoạch, sản lượng lớn, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, cũng là cách để khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, sẵn sàng đưa về thị trường Hà Nội phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trong mọi trường hợp.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục