Hà Nội cần chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

(Banker.vn) Hà Nội cần nỗ lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hà Nội bao phủ bảo hiểm y tế đạt 84,9% Làm rõ một số quy định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Người tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhanh

Tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội mới đây, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Hà Nội cần chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội cần tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội

Hiện toàn thành phố có gần 8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 226.610 người so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ bao phủ 93,25% dân số; gần 2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 80.085 người (4,17%) so với cùng kỳ năm 2022; 77.520 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 8.780 người so với năm 2022.

Về số thu, bảo hiểm xã hội thành phố đã đạt 63,58% kế hoạch giao. Quyền lợi người tham gia được bảo đảm, 9 tháng đầu năm, bảo hiểm xã hội thành phố đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện cho 426.950 lượt người.

Trong tháng 8, bảo hiểm xã hội thành phố cũng đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi với 48.304 trường hợp; liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí đối với 424 trường hợp. Giải quyết 184 lượt giao dịch gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra được bảo hiểm xã hội thành phố tích cực, chủ động phối hợp với thanh tra ngành lao động, ngành y tế, công an và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra - kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại của người dân về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế …

Bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội - ông Phan Văn Mến cho hay, về công tác phát triển người tham gia tăng nhanh qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa đạt như kỳ vọng, đặc biệt số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện tại một số quận, huyện trên địa bàn có dự báo chững lại những tháng cuối năm. Việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số người sử dụng lao động chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng, không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia bảo hiểm xã hội không đầy đủ cho người lao động.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của thành phố đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn chiếm vài phần trăm kế hoạch thu; nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thời gian dài với số tiền lớn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Công tác giám định bảo hiểm y tế trên địa bàn cũng gặp không ít thách thức khi số cơ sở y tế ký hợp đồng rất lớn, tập trung tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến đặc biệt.

Nêu thêm một khó khăn, theo ông Phan Văn Mến, trên địa bàn còn tình trạng bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh tại Hà Nội ngày càng tăng cao, 7 tháng đầu năm phát sinh 1.087.737 lượt khám chữa bệnh, cùng với số người tham gia bảo hiểm y tế là cán bộ hưu trí, người cao tuổi, đối tượng chính sách xã hội mắc các bệnh mạn tính phải quản lý điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong cả nước, làm gia tăng số lượt khám chữa bệnh và chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, vượt dự toán Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao…

Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp

Đánh giá cao các kết quả tương đối toàn diện về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội đạt được trong thời gian qua, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho rằng, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của thành phố.

Vì thế, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đề nghị Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thành phố cần tiếp tục có giải pháp, biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân, giảm áp lực phải tăng nguồn thu từ quỹ bảo hiểm y tế của các cơ sở y tế.

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội - ông Nguyễn Văn Cường cũng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Cường cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức, đồng thời gợi mở cách làm, các giải pháp mà Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội cần tập trung, nỗ lực thực hiện triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp.

Đề cập đến tỷ lệ nợ đọng trên địa bàn thành phố khá cao với khoảng 8,33%, ông Nguyễn Văn Cường đề nghị Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra, đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ đọng, sử dụng hệ thống phần mềm giám định một cách hiệu quả, chặt chẽ. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nâng cao hiệu quả công tác giám định bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi người tham gia.

Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội cần phối hợp với UBND và Sở, ngành các cấp tiếp tục tăng cường, hỗ trợ dài hạn cho người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch làm việc.

Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội cần tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quy định của ngành tại Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội và bảo hiểm xã hội huyện. Phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, viên chức, đảm bảo đúng người, đúng việc, đánh giá cán bộ, viên chức gắn với kết quả công việc đảm bảo công tâm, khách quan…

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương