Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lê Trần Diễm, công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
GỬI NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG NGHIỆP TƯƠNG LAI
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 04 năm 2021
Gửi những người bạn đồng nghiệp của tôi ở thế kỷ 22,
Tôi là một trong những cán bộ làm trong ngành Ngân hàng ở những thập niên đầu thế kỷ 21. Nhân dịp Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” để hướng tới sự kiện trọng đại: 70 năm thành lập của ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951- 6/5/2021), tôi đột nhiên nghĩ đến các bạn, những người bạn đồng nghiệp tương lai và muốn viết một lá thư gửi các bạn để bày tỏ đôi dòng chia sẻ.
Không biết các bạn sẽ nhận được lá thư này bằng cách nào, có thể không còn là một email điện tử - một hình thức gửi thư thông dụng nhất ở thế kỷ 21, mà có thể được chia sẻ dưới một hình thức mới mẻ hơn, một blockchain chẳng hạn. Nhưng dù bằng hình thức nào đi nữa, tôi vẫn mong các bạn sẽ thấy thích thú với một lá thư của một người ở cách xa gần 1 thế kỷ, cũng giống như tôi luôn hứng thú và có xúc cảm với những lá thư của các bậc cha anh trong quá khứ.
Các bạn biết không, đến thời điểm này Ngân hàng Việt Nam đã trải qua chặng đường dài 70 năm với rất nhiều những bước đi thăng trầm, mà mỗi giai đoạn lại mang trên vai của mình những trọng trách riêng, ý nghĩa riêng. Bạn hãy cùng tôi nhìn lại một chút về những giai đoạn ấy nhé.
Những năm đầu vừa mới thành lập và hình thành (1951- 1975) trong bối cảnh đặc biệt: Vừa làm cách mạng vừa làm kinh tế, vừa phụng sự kháng chiến vừa phục vụ nhân dân. Ngân hàng Việt Nam ra đời dù chỉ mới mang nhiệm vụ sơ khai là thay đổi cơ bản chế độ tiền tệ, thay đổi cơ chế phát hành, quản lý và điều hoà lưu thông tiền tệ; nhưng đây là giai đoạn có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, là giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên trong việc định hình hệ thống Ngân hàng Việt Nam.
Thời kỳ này, những cán bộ làm ngân hàng không chỉ phải vận dụng trí tuệ, tri thức mà làm việc bằng cả trái tim yêu nước nồng nàn, lòng dũng cảm, sự can trường, thậm chí phải hy sinh cả mạng sống của mình trong bối cảnh lịch sử chống giặc ngoại xâm khốc liệt và tàn ác. Một thời kỳ đầy đau thương những cũng vô cùng vẻ vang và đáng tự hào.
Giai đoạn thống nhất đất nước, bắt đầu tập trung xây dựng kinh tế sau những năm tháng dài chìm trong bom đạn (1976-2010): Lịch sử ghi nhận những bước chuyển mình và từng bước cải cách của hệ thống Ngân hàng Việt Nam nhằm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế đất nước.
Giai đoạn này cũng là giai đoạn chứng kiến những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dần dần hoàn thiện các bộ luật, quy định trong lĩnh vực tài chính- tiền tệ, từng bước phân cấp trong hệ thống (Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chuyên doanh trực thuộc) , từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước nghiên cứu và áp dụng công nghệ và hoạt động ngân hàng, vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2007-2008).
Cho đến giai đoạn đột phá (từ năm 2011 - năm 2020) hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã bước sang những trang sử mới. Tư duy quản lý, tư duy chiến lược, năng lực phòng ngừa rủi ro, vận dụng khoa học công nghệ của các TCTD đã được nâng tầm đáng kể. Trong giai đoạn này, hoạt động của các ngân hàng, dưới sự dẫn dắt và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã diễn ra sôi động, với tốc độ tăng trưởng nhanh, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn và bền vững. Đây cũng là thời kỳ mà hệ thống Ngân hàng Việt Nam khẳng định vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nói một chút về hiện tại: Năm 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng là năm đầu Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), trong bối cảnh cả thế giới đã và đang trải qua những biến động khó lường do một loại virus mới hoành hành trong hơn 1 năm nay làm hơn 2,24 triệu người chết trên toàn cầu: Virus Corona hay còn gọi là COVID - 19.
Các bạn biết không, điều đáng tự hào là trong khi các cường quốc trên thế giới vẫn đang chật vật đối phó với dịch bệnh, Việt Nam của chúng ta, dù nhỏ bé nhưng đã vô cùng kiên cường và trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất trên toàn thế giới khi đã khống chế dịch bệnh kịp thời và giảm thiểu tốt nhất số lượng người mắc và tử vong vì COVID - 19. Nhờ vậy, chúng ta đã vừa trải qua một năm phát triển kinh tế đầy bản lĩnh với tốc độ tăng GDP ước tính đạt 2,91%, trong khi kinh tế thế giới phải chứng kiến những bước lùi đầy u ám.
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đang hàng ngày làm thay đổi diện mạo của các ngân hàng nhưng cũng tạo ra vô vàn thách thức. Các công ty Fintech (công nghệ tài chính) phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh gắt gay với các chúng ta, buộc các ngân hàng phải chạy đua về công nghệ, không ngừng đổi mới công nghệ để giữ vững thị phần; Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tuy đang phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các cây ATM ở khắp nơi nhưng 85% giao dịch tại đây chỉ là rút tiền mặt...
Ngân hàng vẫn đang là một ngành nghề “ hot” trong xã hội và ngân hàng vẫn đang đóng vai trò huyết mạch của cả nền kinh tế của một quốc gia.
Nhưng vẫn có ý kiến tiên đoán rằng trong thời gian không xa, nhiều chi nhánh ngân hàng sẽ biến mất hay nhiều vị trí tại ngân hàng cũng sẽ không còn do tác động của xu hướng số hóa, tự động hóa. Vậy nên, tôi đoán rằng các bạn- những đồng nghiệp của tôi ở thế kỷ 22, sẽ là những người đa năng, không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn phải có kiến thức nền tảng để nắm bắt các công nghệ mới theo yêu cầu của thời cuộc.
Tôi nghĩ hình ảnh các bạn chính là những tấm gương phản chiếu để chúng tôi soi vào đó, để nỗ lực hoàn thiện bản thân, để không bị tụt hậu lại phía sau, để tiếp tục được cống hiến với nghề mình đã chọn và với nghiệp đã chọn mình.
Nhưng hơn hết, tôi nhớ đến một câu nói của nhà văn Nam Cao (một nhà văn tiêu biểu nhất của nữa đầu thế kỷ 20): “Sự cẩu thả ở bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”.
Chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng, với nghề Ngân hàng càng không được để mình cẩu thả. Dù ở trong thời kỳ nào, quá khứ, hiện tại, hay tương lai, thì tôi nghĩ chúng tôi và các bạn đều phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên hết. Nói cách khác, chính là cái Tâm chân chính của người làm nghề - không chỉ là điều kiện để bảo vệ chính chúng ta, mà còn là nền móng chắc chắn nhất để bảo vệ những thành quả của cha ông bao đời đã xây dựng nên cho đến ngày nay, để giữ gìn chữ Tín cho hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong mắt các đối tác, khách hàng và nhất là ngày một nâng cao vị thế, độ tín nhiệm của hệ thống Ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế.
Dù thời cuộc sẽ thay đổi đến đâu, dù nghề Ngân hàng mai đây sẽ có những biến đổi và người làm nghề Ngân hàng vẫn luôn phải đối diện với vô vàn thách thức và vất vả, tôi vẫn luôn hy vọng các bạn sẽ luôn làm việc bằng cả tình yêu và có trách nhiệm với con đường các bạn đã chọn. Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai, các bạn nhé!
Từ người đồng nghiệp thế kỷ 21.
*Bài viết có tham khảo Lịch sử Ngân hàng Việt Nam
LÊ TRẦN DIỄM
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|