Gỡ nút thắt thiếu lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất

(Banker.vn) Gặp muôn vàn khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát, đến nay khi trở lại sản xuất để phục hồi kinh tế không ít doanh nghiệp lại thêm nỗi lo thiếu lao động để hoàn thành các đơn hàng cũng như kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

Áp lực mới về tuyển dụng, tìm kiếm việc làm

Mặc dù chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh để phục hồi kinh tế đã giúp cho thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu tích cực, trong đó, quý IV/2021, lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với quý trước, tuy nhiên Tổng cục Thống kê đánh giá, tình hình lao động việc làm năm 2021 vẫn gặp nhiều khó khăn, số người có việc làm giảm, tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, quý IV/2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 55,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Còn số lao động có việc làm phi chính thức, so với quý III/2021 là 19,4 triệu người, tăng 1,3 triệu người, tương ứng tăng 7,4%.

Sau cơn bão đại dịch, Tổng cục Thống kê nhận định, nhiều người lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm nhưng phần nhiều là việc làm phi chính thức, với đặc trưng công việc là bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.

Có thể nói, dịch Covid-19 là một cú sốc đối với người lao động khi họ rơi vào tình trạng mất việc làm, thất nghiệp, thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với người lao động, khó khăn trong giai đoạn dịch bùng phát chưa qua, nay khi trở lại hoạt động doanh nghiệp tiếp tục đối diện khó khăn mới vì thiếu hụt nhân lực để phục hồi và thúc đẩy sản xuất, gấp rút hoàn thành các đơn hàng cũ tồn đọng nhiều tháng qua do dịch thị trường lao động không ổn định.

Áp lực thiếu hụt nhân lực đối với doanh nghiệp hiện dự báo sẽ còn rất lớn, bởi theo một khảo sát từ hơn 500 người trên cả nước về hiện trạng nhu cầu việc làm của công nhân, lao động phổ thông do Cổng thông tin Việc làm nhà máy, khu công nghiệp (Vieclamnhamay.vn), website hoạt động lâu năm trong thị trường tuyển dụng - việc làm nhà máy, khu công nghiệp do Công ty Santa Việt Nam vận hành mới đây cho thấy, tỷ lệ người lao động không muốn lên thành phố khá cao, do lo ngại chi phí đắt đỏ, dịch bệnh và tâm lý không muốn xa nhà và thu nhập không được cải thiện so với ở quê. Ngoài ra, có tới 61% muốn tìm việc làm tại các nhà máy, khu công nghiệp gần nhà.

Trong khi doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động thì người có nhu cầu tìm việc tại thành phố cũng đang gặp rất nhiều trở ngại trong tìm kiếm việc làm. Khảo sát của Vieclamnhamay.vn cho thấy thêm, 40,6% người muốn quay lại thành phố làm việc, nhưng có tới 21,6% cho hay, họ không biết tìm thông tin tuyển dụng ở đâu. Ngoài ra, để quay lại thành phố, hiện người lao động đang có nhu cầu được hỗ trợ tìm việc làm, nhà ở, phương tiện đi lại…

Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động

Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, quyết tâm không để doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu lao động, phía cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thời gian qua và hiện nay đang nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp ổn định tình hình, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động; nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có những chỉ đạo hỗ trợ cụ thể trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu, lao động, tiếp cận tài chính, hỗ trợ gia hạn, giãn nộp thuế, phí, lệ phí… cho doanh nghiệp.

Trăn trở với những khó khăn về nhân sự của doanh nghiệp, các nhà máy, khu công nghiệp khi phải đương đầu với dịch bệnh suốt thời gian dài, nay có cơ hội vực dậy sau khủng hoảng thì lại gặp khó ở khâu tuyển người hay sự vất vả tìm việc của người lao động. Đồng thời, nhận thấy tính cấp thiết của việc hỗ trợ và kết nối để nhà tuyển dụng và ứng viên gặp nhau, Vieclamnhamay.vn đã triển khai chiến dịch "Ba sẵn sàng" và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp cũng như người lao động. Cùng với đó, trang thông tin này còn mở các hội chợ việc làm nhà máy, khu công nghiệp hậu Covid-19 hay khảo sát tăng giờ làm thêm từ nhân sự nghề.

Theo ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Công ty Santa Việt Nam - cho hay, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch “Ba sẵn sàng”, đồng thời khép lại chuỗi 12 ngày hỗ trợ tìm việc gấp và tuyển người nhanh, kết quả thu về là những con số biết nói. Cụ thể, đã có đến 500 hồ sơ của ứng viên đăng ký tìm việc mỗi ngày; bên cạnh đó thu hút tăng trung bình 20 nhà tuyển dụng đăng ký tuyển người trên Vieclamnhamay.vn. “Qua chương trình này, chúng tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp tuyển đủ nhân sự và tìm giúp việc làm cho hàng trăm, nghìn lao động trên cả nước. Tất cả cùng phục vụ cho mục đích và quyết tâm “giúp nhà máy bùng nổ sản xuất sau dịch”- ông Việt chia sẻ.

Ngoài việc tăng cường hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, Vieclamnhamay.vn cũng đã tổ chức khảo sát ý kiến, nguyện vọng của người lao động về giờ làm thêm. Bởi suốt một năm qua, số lao động có việc làm ổn định, được tăng ca liên tục không nhiều nếu không muốn nói là hiếm, vì chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, số giờ làm thêm tính theo năm của họ hiện còn khá nhiều trong khi quy định về giờ làm thêm trong ngày hay tuần lại vẫn bị giới hạn. Điều này vô tình gây khó cho doanh nghiệp ở giai đoạn mở cửa sản xuất trở lại sau giãn cách.

Đại diện Vieclamnhamay.vn cho biết, qua khảo sát, người lao động cũng đang tha thiết mong được tăng ca thời điểm này để có thêm thu nhập sau nhiều tháng liền bị giảm lương, thậm chí mất việc làm vì dịch Covid-19. Nhất là, khi Tết cận kề, chuyện “kiếm thêm ít” để sắm sửa, chi tiêu Tết lại càng cần thiết và quan trọng.

Hoa Quỳnh
Theo Báo Công Thương
Theo: Báo Công Thương