Giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống ATM lần đầu tiên giảm 5%: Xu hướng phát triển tích cực và nhiều ý nghĩa

(Banker.vn) Theo báo cáo của Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2021, giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống ATM lần đầu tiên giảm 5% so với năm 2020. Một chỉ số thông tin thống kê tưởng chừng đơn giản nhưng đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và phân tích đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống ATM và dịch vụ liên quan lại có ý nghĩa rất lớn.

Ý nghĩa mang lại trên nhiều phương diện cả về mặt chính sách và thực hiện chính sách cũng như hoạt động phát triển dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng thương mại hiện nay.

Việc giảm giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống ATM, trong khi các hoạt động dịch vụ ATM khác vẫn tăng trưởng: như số lượng thẻ ATM; số lượng máy POS.., đồng thời giao dịch qua POS cũng tăng 14,2% về số lượng giao dịch và tăng 12,6% về giá trị giao dịch - phản ánh xu hướng tích cực trong việc sử dụng dịch vụ này để thanh toán. Khách hàng giảm bớt việc rút tiền mặt qua ATM và sử dụng phổ biến hơn các dịch vụ thanh toán như: chuyển tiền, thanh toán qua POS và các phương thức khác (ví điện tử; mobile banking; internet banking…) qua tài khoản thẻ ATM khách hàng mở tại ngân hàng

Kết quả tích cực này còn phản ánh xu hướng ngày càng sử dụng phổ biến các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ ngân hàng điện tử của người dân – là chỉ dấu thị trường để các ngân hàng thương mại tiếp tục phát triển các dịch vụ ngân hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ ATM, đề ra các định hướng chiến lược phát triển hiệu quả.

Về mặt chính sách, đây là một trong những cơ sở nền tảng để thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược trong phát triển kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022, với những mục tiêu cụ thể về phát triển mạng lưới POS; số lượng tài khoản cá nhân, về thanh toán không dùng tiền mặt. Việc người dân mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng, có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong phát triển dịch vụ ngân hàng nói chung mà là yếu tố cơ sở để phát triển và ứng dụng công nghệ số trong phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, cung ứng cho khách hàng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế trong xu hướng phát triển ngân hàng số và nền kinh tế số. Bởi lẽ về bản chất, mọi dịch vụ ngân hàng, kể cả dịch vụ tín dụng đều liên quan đến dịch vụ tài khoản. Phát triển và mở rộng được số lượng tài khoản cá nhân ngày nay có ý nghĩa quan trọng đối với mọi ngân hàng thương mại trong chiến lược kinh doanh và chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Lan tỏa tích cực và cần được tận dụng để khai thác tốt hiệu ứng thông tin truyền thông đối với dịch vụ ATM nói riêng và các dịch vụ ngân hàng nói chung. Trong đó, năm 2021, bởi những tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, sự tăng trưởng của dịch vụ thanh toán là điểm sáng gắn liền với việc người dân do giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tiếp xúc đã sử dụng phổ biến hơn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch mua bán ngày càng tăng trên các trang thương mại điện tử; phương tiện giao thông công nghệ; thanh toán phí, dịch vụ công, ăn uống và tiêu dùng cá nhân… bằng chuyển khoản ngày càng mở rộng. Ở góc độ truyền thông, đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng khi người dân ở các địa bàn khác nhau đã từng bước thay đổi nhận thức và thói quen về sử dụng dịch vụ ngân hàng do thấy được được những tiện ích mang lại rất lớn.

Nguyễn Đức Lệnh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ