1. Những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng
Trong nửa đầu năm 2023, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều gam màu trầm dưới tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại của kinh tế trong nước. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, là mức thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2011 tới nay (nếu loại trừ năm 2020 do tác động của dịch Covid-19). Dưới tác động của cầu thế giới suy giảm, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 giảm 12,1%, hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận kim ngạch xuất khẩu thấp hơn so với cùng kì. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là một động lực chính của tăng trưởng kinh tế cũng có mức tăng trưởng thấp trong lịch sử. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn hoặc chờ làm thủ tục giải thể tăng mạnh so với cùng kì, có gần 9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Những con số trên cho thấy, nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt đến từ kinh tế thế giới và mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm 2023 là rất thách thức.
Với những giải pháp toàn diện mà NHNN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới, việc tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp sẽ được cải thiện, trở thành một động lực quan trọng giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế (Nguồn: Internet)
Tín dụng ngân hàng vẫn luôn là một kênh dẫn vốn cực kì quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam khi tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức 125,34%, một trong những nước có tỉ lệ này cao nhất trên thế giới. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trải qua những khó khăn nhất định, khiến kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển tương xứng với vai trò và vị thế, áp lực vốn trong nền kinh tế vẫn được đặt phần lớn trên vai của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua tín dụng ngân hàng. Ngay từ khi tăng trưởng quý I/2023 được công bố với mức tăng trưởng giảm tốc đáng kể, trên cơ sở dự báo tình hình lạm phát có khả năng được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tục điều chỉnh giảm bốn lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm. Đồng thời, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay như: (i) Chỉ đạo TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lí, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lí rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; chỉ đạo TCTD kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; (ii) Khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; (iii) Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay không chỉ với khách hàng mới mà cả dư nợ hiện hữu; (iv) Phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng để kêu gọi các tổ chức hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay có dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của NHNN, đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm so với cuối năm 2022 và với tác động của độ trễ chính sách, dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Không chỉ quyết liệt với các động thái giảm lãi suất, NHNN ngay từ đầu năm đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng định hướng cao hơn các năm trước và tạo dư địa cho các TCTD có thể đẩy mạnh hơn nữa việc cấp tín dụng cho nền kinh tế. Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Đây là nỗ lực rất lớn của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, NHNN cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân: (i) Thường xuyên chỉ đạo TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; (ii) Đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỉ đồng của Agribank cho khách hàng, giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỉ đồng của Công ty Tài chính TNHH HD Saison và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường của hai công ty; (iii) Ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 31/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN bổ sung 01 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay bằng phương tiện điện tử, góp phần thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay và hỗ trợ khách hàng có thể thực hiện vay vốn trên môi trường số mà không cần trực tiếp đến ngân hàng; (iv) Phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp1 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa - DNNVV, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực,…), các hội nghị tín dụng vùng (Đông Nam Bộ) nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; (v) Tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế (ADB, JICA, WB…) triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp cho DNNVV.
Có thể thấy, NHNN đã rất chủ động, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động cấp tín dụng của các TCTD cả về phương diện giảm lãi suất cho vay và tăng nguồn cung tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế. Đây là những động thái cho thấy, nỗ lực rất lớn của NHNN trước áp lực từ thị trường quốc tế vẫn còn lớn khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) vẫn là chủ đạo trên toàn cầu, áp lực lạm phát trong nước chưa thể chủ quan cũng như yêu cầu phải luôn thận trọng với rủi ro của hệ thống tài chính và đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.
2. Tăng trưởng tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn
Với rất nhiều biện pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1 - 1,5% so với cuối năm 2022, thanh khoản các TCTD dư thừa lớn, room tín dụng được tiếp tục phân bổ tới mức 14% toàn hệ thống, có thể nói nguồn cung tín dụng đã được cải thiện rất đáng kể và lãi suất cũng đã giảm xuống. Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức rất khiêm tốn. Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Lãi suất là giá cả của việc sử dụng vốn và theo lí thuyết về cung - cầu thì khi lãi suất giảm sẽ dẫn tới cầu tín dụng tăng (theo lí thuyết kinh tế vĩ mô thì điểm cân bằng cung - cầu tín dụng sẽ di chuyển sang phải dọc theo đường tổng cầu tín dụng). Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam đã cho thấy điều ngược lại khi lãi suất tuy giảm nhưng tăng trưởng tín dụng lại có xu hướng chậm hơn. Hiện tượng này có thể được giải thích bằng việc cầu tín dụng trong nước đã yếu đi tương đối nhiều và không đủ khả năng hấp thụ toàn bộ nguồn cung tín dụng trên thị trường (theo lí thuyết kinh tế vĩ mô thì đường tổng cầu tín dụng đã dịch chuyển sang trái, tức là cùng một mức lãi suất thì nhu cầu tín dụng hiện nay thấp hơn so với trước kia).
Thực tế này có cả những yếu tố từ phía nguồn cung khi các TCTD có phần khó khăn hơn khi đưa ra quyết định cho vay đối với các khách hàng vì sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...). Bên cạnh đó, những vấn đề khi khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lí như việc tiếp cận tín dụng của nhóm DNNVV còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi... vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, không thể không đề cập đến một phần áp lực rất lớn từ phía cầu tín dụng trong nước đã suy yếu đáng kể dưới tác động liên tiếp của những yếu tố tiêu cực từ cả kinh tế thế giới tăng trưởng ảm đạm lẫn những vấn đề nội tại của kinh tế trong nước. Nguyên nhân của việc sụt giảm nhu cầu vay vốn tín dụng ngân hàng bao gồm:
Thứ nhất, nhu cầu vay vốn duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh giảm khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước có xu hướng giảm tốc. Một trong những nhu cầu khi doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng ngân hàng đó là chi trả cho các chi phí lưu động để đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh và mở rộng quy mô khi phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu thế giới và trong nước đều suy yếu, số lượng đơn đặt hàng giảm khiến lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng và làm giảm nhu cầu vay vốn lưu động. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,7%, thấp hơn mức 9,6% cùng kì và trong khi khu vực Nhà nước có mức tăng cao hơn cùng kì, tăng 12,6% (6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,5%) thì khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng thấp, lần lượt chỉ tăng 2,1% và 1,7% (6 tháng đầu năm 2022 tăng lần lượt 9,9% và 8,9%).
Thứ hai, kì vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước ảm đạm cũng tác động khiến tâm lí nhà đầu tư phòng thủ hơn, đợi chờ thời điểm thích hợp để bắt đầu mới hoặc khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo kết quả từ điều tra kì vọng lạm phát của các chuyên gia và TCTD do NHNN thực hiện, kì vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 trong tháng 7 chỉ đạt 5,6%, thấp hơn nhiều so với mức 6,95% của tháng 1. Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 cho thấy, chỉ có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023 và có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý III/2023 sẽ tốt lên so với quý II/2023. Các tổ chức quốc tế cũng liên tục hạ triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 trong bối cảnh còn nhiều rủi ro2. Triển vọng kinh tế ảm đạm cũng khiến phương án kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn và khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.
Thứ ba, nhu cầu tín dụng tiêu dùng cũng sụt giảm trong bối cảnh tình hình lao động và việc làm bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế ảm đạm. Thu nhập của cá nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng sẽ làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và làm giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thu nhập bình quân tháng của người làm công ăn lương trong quý II/2023 chỉ đạt 7 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với mức 7,9 triệu đồng của quý I/2023. Trên thực tế, tín dụng phục vụ đời sống đến hết tháng 5/2023, chỉ tăng 2,99% so với cuối năm 2022 (cùng kì năm 2022 tăng 11,56% so với cuối năm) đã phần nào phản ánh sự khó khăn trong tình hình tài chính của cá nhân và hộ gia đình.
Sự suy giảm của cầu tín dụng trong nửa đầu năm 2023 là một biểu hiện tất yếu khi nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn từ cả thị trường quốc tế cũng như những vấn đề nội tại chưa được xử lí triệt để. Đã có rất nhiều nghiên cứu quốc tế cũng đưa ra những kết luận tương tự khi nghiên cứu tình trạng này ở cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2007 - 2008. Dù rất khó lượng hóa được nguyên nhân nào đóng góp bao nhiêu vào sự suy giảm tăng trưởng tín dụng nhưng có thể khẳng định, vấn đề đến từ cả phía cung và phía cầu, đóng góp từ cầu tín dụng suy yếu là nhân tố rất đáng kể, cần được nghiêm túc xem xét khi đưa ra các chính sách tháo gỡ.
3. Cần phải có những chính sách đồng bộ để “cung” và “cầu” tín dụng gặp được nhau
Việc Chính phủ đưa ra những chính sách để giải quyết những khó khăn trong tăng trưởng tín dụng ngân hàng là vô cùng chính xác và cần thiết để có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định sức khỏe doanh nghiệp và đời sống của người dân, hướng đến thực hiện thắng lợi những mục tiêu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, các giải pháp không thể chỉ tháo gỡ khó khăn trong tổng cung tín dụng của nền kinh tế mà còn phải đến từ việc kích cầu tín dụng, trong đó tập trung cầu tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực có sức lan tỏa lớn tới nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng tín dụng phục hồi nhanh, lành mạnh và có hiệu quả lớn nhất tới việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Để “cung” và “cầu” tín dụng có thể gặp nhau, một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ cần được triển khai trong đó cần có sự góp sức của cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng cũng như sự tham gia quản lí của cả NHNN và sự định hướng vĩ mô của Chính phủ:
Một là, đối với hệ thống các TCTD, cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay với nền kinh tế thông qua cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí hoạt động, cân đối kế hoạch và nhu cầu sử dụng vốn. Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân đúng quy trình, thủ tục và quy định pháp luật đối với các gói tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%... Ngoài ra, các TCTD cần nhận thức đúng về mối quan hệ “cộng sinh”, nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặt ngân hàng vào doanh nghiệp và doanh nghiệp vào ngân hàng để thấy khó khăn của nhau, tích cực phối hợp, cộng tác để mạnh dạn cho vay theo đúng quy định dù là vay tín chấp, thế chấp, vay tiêu dùng. Tuy nhiên, các TCTD cũng vẫn phải luôn tuân thủ các quy định về quản lí rủi ro tín dụng, tuyệt đối không hạ chuẩn cho vay để tránh những rủi ro về suy giảm chất lượng tài sản tích tụ và tiềm ẩn rủi ro khủng hoảng tài chính như bài học về việc cho vay dưới chuẩn tại Mỹ trong khủng hoàng tài chính thế giới năm 2007 - 2008.
Hai là, đối với các doanh nghiệp, giải pháp quan trọng nhất để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng là phải tăng cường sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, minh bạch hóa dòng tiền và phương án kinh doanh để củng cố niềm tin và mối quan hệ với các TCTD. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để tiết giảm chi phí hoạt động, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và tìm kiếm những thị trường mới để giảm thiểu tác động từ sự giảm tốc của kinh tế thế giới.
Ba là, đối với NHNN, cần tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lí nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Về lãi suất, NHNN cần điều hành lãi suất linh hoạt, phù hợp với các mục tiêu CSTT và tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí không cần thiết để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Về đảm bảo nguồn cung tín dụng và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, NHNN cần xem xét tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, sớm có cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Bốn là, đối với Chính phủ, cần có những giải pháp căn cơ, toàn diện hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định tâm lí để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Một trong những ưu tiên mà Chính phủ cần thực hiện đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vốn là một nguồn lực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế nhưng nay đang nằm “bất động” trong ngân quỹ của NHNN. Việc giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả không chỉ tăng tổng cầu thông qua tăng chi tiêu của Chính phủ, kích thích đầu tư và chi tiêu của khu vực tư nhân và doanh nghiệp (hiệu ứng “vốn mồi”) mà còn hỗ trợ dòng tiền được luân chuyển thông suốt trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dư địa điều hành CSTT ngày càng hạn hẹp khi áp lực từ thị trường thế giới vẫn còn rất lớn thì vai trò của chính sách tài khóa cũng cần được nâng cao hơn nữa thông qua mạnh dạn triển khai các giải pháp tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng để hỗ trợ kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Đối với DNNVV, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh cho các khoản vay của DNNVV để cải thiện tình hình tài chính và nâng cao khả năng đáp ứng chuẩn cho vay của các TCTD. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, Chính phủ cần tập trung phát triển những thị trường mới tiềm năng trên cơ sở những hiệp định thương mại tự do đã kí kết, khi các doanh nghiệp trong nước có thêm đơn hàng thì sẽ phát sinh thêm nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, việc khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính, phục hồi sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng. Dù có những trở ngại nhất định khiến tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2023 còn thấp, nhưng với những giải pháp toàn diện mà NHNN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới, việc tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp sẽ được cải thiện, không còn là một trở lực mà sẽ trở thành một động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế phục hồi, hướng đến thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
1 Trong quý I/2023, đã có khoảng 214 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các TCTD đã cho vay mới với doanh số đạt khoảng hơn 302 nghìn tỉ đồng cho trên 77 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kì hạn trả nợ) đối với gần 3.400 doanh nghiệp và một số khách hàng khác với giá trị gần 8,4 nghìn tỉ đồng và thực hiện các hình thức hỗ trợ khác (điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí...) với dư nợ khoảng gần 130 nghìn tỉ đồng.
2 Tháng 7/2023, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 từ 5,8% xuống 4,7%; ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 5,8%.
ThS. Đào Minh Thắng
Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN