Giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

(Banker.vn) Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), thời đại “công nghệ số” hình thành dẫn đến việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống, xã hội và trở thành xu hướng phát triển tất yếu.
Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), thời đại “công nghệ số” hình thành dẫn đến việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống, xã hội và trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Hàng loạt mô hình kinh tế mới xuất hiện dựa trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó phổ biến nhất là mô hình kinh tế chia sẻ (Sharing Economy). Kinh tế chia sẻ phát triển nhờ tái phân phối nguồn tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng...) sang nơi mà tài nguyên được dùng hiệu quả hơn.
 
1. Lợi ích của kinh tế chia sẻ
 
Có nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế chia sẻ như: Kinh tế chia sẻ là “một hệ thống kinh doanh mà trong đó, tài sản và dịch vụ được chia sẻ giữa các cá nhân, miễn phí hoặc có phí”; “Kinh tế chia sẻ là nền kinh tế mà các cá nhân thực hiện giao dịch ngang hàng để chia sẻ quyền sử dụng tài sản, dịch vụ nhàn rỗi, thúc đẩy sự hợp tác”. Cách hiểu phổ biến nhất, kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản, dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, không phải trả tiền hoặc phí thông qua các công cụ Internet. Đây là phương thức kết nối giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với hoạt động kinh tế1.
 

 
Kinh tế chia sẻ còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như: Kinh tế cộng tác (Collaborative Economy), kinh tế theo cầu (On-demand Economy), kinh tế nền tảng (Platform Economy), kinh tế truy cập (Access Economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (App Economy)2. Mặc dù với tên gọi khác nhau, song bản chất đều là kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau, đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.
 
Kinh tế chia sẻ gồm các hoạt động chia sẻ, trao đổi nguồn lực chưa được sử dụng hay sử dụng không hết thông qua nền tảng số. Công nghệ số giúp kết nối nhu cầu chia sẻ nguồn lực nhàn rỗi một cách chính xác, hiệu quả, nhanh chóng với chi phí thấp. Nền tảng công nghệ sẽ xử lý thông tin, kết nối người cung cấp nguồn lực với người sử dụng nguồn lực.
 
Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ là phương thức kinh doanh mới, nơi mà tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số3. Có ba yếu tố giúp cho việc chia sẻ quyền sử dụng các hàng hóa và dịch vụ mới được thuận lợi, đó là:
 
Thứ nhất, hành vi của khách hàng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ được thay đổi tính chất từ sở hữu đến chia sẻ.
 
Thứ hai, liên kết mạng lưới người tiêu dùng qua các mạng xã hội trực tuyến và thị trường điện tử dễ dàng hơn.
 
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin qua các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử làm cho việc sử dụng, chia sẻ các hàng hóa và dịch vụ trở nên thuận tiện hơn.
 
Nhờ ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ số, Internet vạn vật, điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… kinh tế chia sẻ đã có những bước phát triển đột phá với các mô hình kinh doanh mới như mô hình hợp tác, chia sẻ về vận tải hành khách công cộng, mô hình chia sẻ địa điểm lưu trú, mô hình cho vay tài chính ngang hàng. Có ba yếu tố chính tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ, cụ thể:
 
(i) Nhà cung cấp dịch vụ (bên bán): Người có sở hữu tài sản nhàn rỗi có thể cung cấp được dịch vụ, sản phẩm ra thị trường.
 
(ii) Khách hàng (bên mua): Người trực tiếp giao dịch, sử dụng dịch vụ, sản phẩm đến từ bên bán.
 
(iii) Đơn vị cung cấp nền tảng: Bên mang đến nền tảng chung kết nối người mua và người bán, có trách nhiệm quản lý người mua và người bán để tạo ra giá trị, đồng thời duy trì hoạt động hiệu quả của nền tảng.
 
Kinh tế chia sẻ đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm:
 
Một là, kinh tế chia sẻ tác động tích cực đến môi trường. Lợi ích lớn nhất của kinh tế chia sẻ là việc tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài sản. Với việc tiết kiệm trong sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị, tiết kiệm tài nguyên... các hoạt động kinh tế chia sẻ tác động tích cực tới môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, giảm khối lượng các chất thải ra môi trường.
 
Kinh tế chia sẻ cung cấp quyền sử dụng thông qua việc tiếp cận nguồn lực thay vì sở hữu nguồn lực. Chính vì vậy, nhu cầu về việc sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ giảm đi đáng kể. Ít các hoạt động sản xuất đồng nghĩa với ít hơn sự xuất hiện của các tác nhân gây hại cho môi trường, ít khí thải carbon. Điều này được phản ánh rõ rệt khi chia sẻ trong việc di chuyển. Nhờ chia sẻ, đi chung xe, số kilomet di chuyển giảm xuống. Thay vì đi hai xe, khi chia sẻ, chỉ có một chiếc xe thải khí ra môi trường.
 
Hai là, kinh tế chia sẻ giúp giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế. Thông qua các nền tảng trực tuyến, người mua và người bán nhanh chóng tìm được nhau, tương tác trực tiếp với nhau; tiết kiệm được thời gian tìm đối tác, tiết kiệm thời gian thương lượng và chốt giao dịch. Kết quả cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng lợi và hiệu quả sản xuất trong nền kinh tế tăng lên.
 
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong tiêu dùng những nguồn lực của mình. Chia sẻ giúp mỗi người giảm chi phí mà vẫn đạt được mục tiêu của mình đặt ra. 
 
Ba là, kinh tế chia sẻ giúp gia tăng tài sản, thu nhập, tăng năng suất, tăng nhu cầu và mở rộng tiêu thụ, thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới ở cấp độ cá nhân. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp trong kinh tế chia sẻ là những tài sản “nhàn rỗi”, chưa được tận dụng đúng mức. Kinh tế chia sẻ đem đến cơ hội tận dụng nguồn tài sản đó. Tài sản vốn nhàn rỗi đem đến lợi ích không chỉ cho người mua mà cả người cung cấp dịch vụ. Nếu để không, tài sản không tạo ra giá trị, nhưng khi được đưa vào sử dụng, đặc biệt là khi sử dụng đúng cách, đúng mức, tài sản đem đến giá trị.
 
Trong mô hình kinh tế chia sẻ, giá trị đó có thể quy đổi thành phí sử dụng mà người bán thu từ người mua. Như vậy, tài sản nhàn rỗi sẽ đem đến cho chủ sở hữu thêm nhiều tài sản hơn nữa; từ đó, thu nhập tăng lên. Thu nhập nhiều hơn giúp họ có thêm nhiều lựa chọn, tiếp cận với các lựa chọn tốt hơn. Kinh tế chia sẻ đã góp phần tạo nên thu nhập cho nhiều người.
 
Bốn là, kinh tế chia sẻ tạo cơ hội nghề nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghệ. Kinh tế chia sẻ loại bỏ hoặc giảm các rào cản gia nhập thị trường như vốn đầu tư nguồn lực sản xuất, mạng lưới phân phối phức tạp. Do đó, cho phép nhiều cá nhân khởi nghiệp, tạo cơ hội việc làm, tham gia thị trường từ nguồn lực sẵn có. Kinh tế chia sẻ tạo cơ hội để con người chia sẻ kỹ năng của mình. Cùng với công việc chính thức, toàn thời gian, mỗi người có thể dành thêm thời gian và kỹ năng chưa tận dụng hết của mình cho một người đang cần hoặc thiếu kỹ năng đó. Sử dụng kỹ năng của mình đem đến giá trị cho cộng đồng cũng được xem là một trong những lợi ích của kinh tế chia sẻ.
 
Kinh tế chia sẻ góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, do bản thân kinh tế chia sẻ có nhu cầu ngày càng cao đối với việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn của khách hàng.
 
2. Thực trạng phát triển kinh tế chia sẻ Việt Nam
 
Cùng với cuộc CMCN 4.0 và sự bùng nổ của các thành tựu phát triển khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, kinh tế chia sẻ đang có những bước phát triển đột phá và được coi là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển ở Việt Nam nhưng việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại. Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ. Theo khảo sát của Nielsen, cứ bốn người Việt Nam được phỏng vấn thì có ba người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình kinh tế chia sẻ; 76% sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ; chỉ có 18% từ chối4
 
Mặc dù kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện và có nhiều tiềm năng để phát triển. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ: 
 
Một là, vận chuyển hành khách với chia sẻ phương tiện giao thông:
 
Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông như GrabTaxi và Uber, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be là các ứng dụng định vị tự động dùng để đặt và điều phối xe trên điện thoại thông minh, hướng tới mục tiêu cải tiến thị trường taxi bằng khởi đầu đơn giản, chi phí hiệu quả cho cả hai bên cung (công ty vận tải) và cầu (hành khách). Sử dụng công nghệ thông minh, dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông tối ưu hóa quá trình kết hợp giữa công ty taxi và hành khách. GrabTaxi và Uber là hai ứng dụng đặt xe được sử dụng phổ biến và sớm nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2018, Grab công bố việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á và đổi lại chuyển nhượng 27,5% cổ phần cho Uber. Từ ngày 08/4/2018, toàn bộ khách hàng và tài xế dùng Uber đã chuyển qua ứng dụng của Grab.
 
Hai là, dịch vụ lưu trú, du lịch: Mô hình Airbnb (dịch vụ chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch du nhập vào Việt Nam năm 2014. Năm 2015, các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh, thành khác đã tham gia mạng lưới Airbnb với số lượng phòng ngủ, nhà cho thuê trên 1.000 phòng. Chỉ sau 4 năm, đã có hơn 40.800 cơ sở tham gia Airbnb (tháng 6/2019). Theo thống kê, lượng khách tới Việt Nam tăng nhanh những năm gần đây, Airbnb thật sự là môi trường kinh doanh lý tưởng. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, ứng dụng Airbnb xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó.
 
Mô hình Triip.me đã biến những người địa phương bình thường thành một hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư. Triip.me cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo một gói sản phẩm du lịch, đưa lên và bán cho khách du lịch trên trang web hoặc ứng dụng trên iPhone. Triip.me được hình thành và xây dựng từ một nhóm người trẻ và đam mê du lịch đến từ nhiều quốc gia với những nền văn hóa khác biệt nhau. Điểm chung lớn nhất của Triip.me là nơi kết nối mọi người, chia sẻ kinh nghiệm về du lịch qua đó góp phần bảo tồn văn hóa tại các địa phương.
 
Mô hình Travelmob đăng tải thông tin về việc cho thuê nhà, phòng ở trong thời gian ngắn. Travelmob là trung gian giải quyết các giao dịch tài chính giữa hai bên chủ nhà và người thuê nhà. Được thành lập từ năm 2012 tại Singapore, Travelmob hiện nay đã được sử dụng ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Việt Nam hiện cũng đã có phiên bản tiếng Việt của Travelmob tại địa chỉ vn.travelmob.com. Dự báo thời gian tới, còn nhiều ngành nghề hoặc nhóm ngành, dịch vụ khác phát triển theo mô hình kinh tế chia sẻ.
 
Ba là, dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending) - chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech). Loại hình Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT thông qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam, trong số 100 công ty P2P Lending5 đã đi vào hoạt động chính thức và đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Việt Nam, phần lớn là các công ty của nhà đầu tư nước ngoài (Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan…); trong đó, một số công ty P2P Lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia.
 
Một số bất cập trong hoạt động của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, điển hình như:
 
Thứ nhất, thiếu chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ. Điều kiện kinh doanh của mô hình kinh tế chia sẻ được cho là thấp hơn so với quy định và điều kiện trong mô hình kinh tế truyền thống, dẫn đến các cáo buộc cạnh tranh không công bằng. Sự nở rộ của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đã xuất hiện những mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng (do thiếu hành lang pháp lý). Bởi tính ưu việt của mô hình kinh tế chia sẻ sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống. Xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ xảy ra. Hầu hết xung đột hết sức gay gắt nếu như không có những chính sách phù hợp của chính quyền với vai trò “trọng tài” giải quyết. Khi chưa có các chính sách đồng bộ, vấn đề cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp truyền thống là một rủi ro lớn cần giải quyết. 
 
Thứ hai, thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng. Cần xác định rõ hơn nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp) dịch vụ. Mặc dù các bên có thông tin về nhau đầy đủ hơn, nhưng việc kiểm chứng các thông tin và tiếp xúc trực tiếp với nhau lại ít hơn nên cũng tiềm ẩn rủi ro lớn hơn nếu như không được khắc phục bằng những quy định cụ thể và hiệu quả. Vấn đề bảo hiểm, an toàn cho các bên bao gồm cả người cung cấp dịch vụ và người dùng/người sử dụng dịch vụ hay khách hàng cũng đặt ra gay gắt hơn.
 
Thứ ba, cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng của các bên trong kinh tế chia sẻ chưa hoàn thiện. Bảo vệ quyền lợi khách hàng cũng là vấn đề cần giải quyết do chưa có quy định quản lý cụ thể. Do sự xuất hiện của bên thứ ba là nền tảng công nghệ, quan hệ hợp đồng trong kinh tế chia sẻ ít nhất là quan hệ ba bên thay vì quan hệ hai bên như trong các hợp đồng trước đây. Khung khổ pháp lý quy định trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ hợp đồng cần được thay đổi và bổ sung. Đây cũng là một trong những lý do mà các quốc gia trên thế giới (ngay cả các nước phát triển) đều cần điều chỉnh hệ thống pháp luật để ứng xử phù hợp trong bối cảnh mới của kinh tế chia sẻ.
 
Thứ tư, quản lý thuế với mô hình kinh tế chia sẻ chưa hiệu quả do quy định của pháp luật chưa xác định rõ mô hình kinh doanh và các cơ chế, chính sách quản lý thuế chưa được hoàn thiện. Để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý thuế. Đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức dựa trên doanh thu do không quản lý được đầu vào ở bên nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam. Do vậy, gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Các vấn đề về thuế, đặc biệt là vấn đề thu thuế của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, vấn đề về tránh đánh thuế hai lần là nội dung cần được quan tâm trong điều chỉnh chính sách thuế.
 
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đã hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam còn gặp khó khăn về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và các cơ quan thuế lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế. Hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đang gặp vấn đề về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này. Vì thế, cần phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo doanh nghiệp vận tải, doanh thu phải hạch toán theo tổng giá trị giao dịch của chuyến hàng, với con số lớn hơn nhiều so với mức phí mà doanh nghiệp thực thu trong vai trò kết nối. Nếu được thực hiện theo cơ chế thử nghiệm (Sandbox)6 chính sách, lĩnh vực này sẽ giảm thiểu rủi ro về dòng tiền. 
 
Thứ năm, thiếu các chính sách về quản lý lao động, việc làm và an sinh xã hội. Quyền lợi người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ là vấn đề quan trọng cần có sự can thiệp của Nhà nước. Đối với người lao động và chủ sử dụng lao động trong nền kinh tế chia sẻ, việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong kinh tế chia sẻ là cần thiết. Kinh tế chia sẻ cũng bộc lộ những hạn chế trong công tác quản lý, khiến các cơ quan quản lý khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức vận hành. Các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể liên quan đến kinh tế chia sẻ như trong Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 và các quy định pháp luật khác như pháp luật về thuế, về thương mại điện tử (Luật Giao dịch điện tử 2005), các chính sách quy định về nghĩa vụ tài chính. Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể, như sự bất bình đẳng trong đăng ký kinh doanh, trong việc xác định giá thành dịch vụ, thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ; thiếu các cơ chế, chính sách quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của các bên trong kinh tế chia sẻ.
 
Hệ thống an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn tình trạng lộ lọt thông tin người sử dụng dịch vụ và các rủi ro về công nghệ trong quá trình sử dụng. Các quy định về an toàn thông tin chưa đề cập đầy đủ đến trách nhiệm các bên khi thông tin bị rò rỉ, mất mát. Nghiêm trọng hơn là bán thông tin trái phép không được sự đồng ý của khách hàng. Khoảng trống về nghĩa vụ thuế của các loại doanh nghiệp này trong kinh tế chia sẻ diễn ra tại Việt Nam cần được khắc phục. Hiện nay, còn thiếu (hoặc chưa hoàn thiện) các cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
 
3. Giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ
 
Để mô hình kinh tế chia sẻ được phát triển hiệu quả, cần tập trung đồng bộ vào những giải pháp sau:
 
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để hoạt động của kinh tế chia sẻ được kiểm soát chặt chẽ. Pháp luật về đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khai báo thông tin, nghĩa vụ đáp ứng các điều kiện kinh doanh chuyên ngành, nghĩa vụ về thực hiện chính sách bảo hiểm cần được hoàn thiện. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đối với mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ.
 
Đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ cần bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ; giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ (bao gồm cả không gian, hàng hóa và kỹ năng). Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.
 
Các đơn vị chức năng cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hướng quy định rõ ràng, thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định cần được xây dựng trên quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những loại hình kinh doanh mới theo mô hình kinh tế chia sẻ hiện chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh (ví dụ P2P Lending). Khẩn trương bổ sung quy định thí điểm cấp phép cho các loại hình kinh doanh mới đi vào hoạt động.
 
Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại điện tử, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng mục tiêu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng.
 
Để thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ, cần nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.
 
Thứ hai, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Mô hình kinh tế chia sẻ chắc chắn đe dọa lợi ích và sự tồn tại của doanh nghiệp trong mô hình kinh tế truyền thống. Điều này đòi hỏi quản lý nhà nước phải cùng đồng hành với doanh nghiệp, bên sở hữu nguồn lực chia sẻ và bên sử dụng nguồn lực để hạn chế các tác động không mong muốn, đồng thời phát huy lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Đối với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, cần bổ sung các quy định pháp luật với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Bên cạnh đó, cần có những chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
 
Tận dụng tối đa tài nguyên nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và người cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn được đề ra. Do đó, để phát huy được lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ theo hướng nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống (áp dụng chung cho cả khu vực truyền thống và khu vực kinh tế chia sẻ); đồng thời, tăng cường kiểm soát, quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong việc cung ứng dịch vụ để tiến dần sự công bằng giữa truyền thống và công nghệ, gia tăng tính cạnh tranh.
 
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước trong bối cảnh CMCN 4.0.  Để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ, cần nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước; đổi mới quản lý nhà nước theo hướng các bộ, ngành tăng cường sự phối hợp trong công tác điều hành, quản lý và chia sẻ thông tin. Có quy chuẩn chung về thu thập xử lý dữ liệu để có thể kết nối, lưu trữ, phân tích thông tin làm cơ sở đưa ra các chính sách phù hợp trong bối cảnh công nghệ xóa mờ ranh giới giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2020 - 2025; thực hiện xây dựng thí điểm mô hình thành phố chia sẻ như mô hình thành phố Seoul (Hàn Quốc).
 
Trong quản lý nhà nước, cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong, mạnh dạn dỡ bỏ các rào cản pháp lý không phù hợp. Tuy nhiên, không cần thiết phải xây dựng luật cụ thể quy định về mô hình kinh tế chia sẻ.
 
Thứ tư, đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra và đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế chia sẻ tăng lên nhanh chóng, an toàn thông tin cần được đảm bảo. Cụ thể, cần có những chính sách hướng dẫn các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có trách nhiệm bảo mật thông tin. Không cung cấp thông tin cho bên thứ ba ngoại trừ có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được người có thông tin cho phép; tuyên truyền nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Cần xây dựng cơ chế để các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ có thể kiểm soát được việc sử dụng thông tin của các nền tảng, các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình theo đúng thỏa thuận giữa các bên.
 
Hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính đang đối mặt với những thách thức như: Thiếu nguồn lực (về cán bộ, kiến thức và công cụ); cơ sở hạ tầng tài chính còn thấp; thị trường dịch vụ tài chính bán lẻ còn hạn chế, phức tạp và khó khăn trong việc cân bằng các mục tiêu điều chỉnh chủ chốt liên quan đến vấn đề phổ cập tài chính, tính ổn định, toàn vẹn, bảo vệ khách hàng và cạnh tranh. Do đó, việc áp dụng Sandbox có thể làm cho mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước (Ngân hàng, Bộ Tài chính) và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính theo hướng cởi mở và chủ động đối thoại, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý rà soát và xây dựng khung chính sách và giám sát thực thi một cách linh hoạt. 
 
Thứ năm, tăng cường nhận thức của các bên trong nền kinh tế chia sẻ, bao gồm tăng cường nhận thức của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân. 
 
Nâng cao năng lực để nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp về khai báo thông tin liên quan đến các hoạt động của kinh tế chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm các thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành.
 
Nhà nước cần bổ sung các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt chú trọng những quy định về tình trạng việc làm của người lao động, hợp đồng lao động, an sinh xã hội cho người lao động trong các mô hình kinh tế chia sẻ. 
 
Tóm lại, mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và tương lai sẽ còn có tốc độ bứt phá hơn nữa khi tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng lên. Kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ tiềm năng lớn để mở rộng mô hình kinh tế chia sẻ.
 

1 Chu Thị Hoa (2019), Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và một số vấn đề pháp lý, https://moj.gov.vn
2  Hoàng Văn Cương (2020), Kinh tế chia sẻ: Thực trạng và giải pháp, https://vjst.vn
3 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Chuyên đề số 14: Quản lý nhà nước trong nền kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, tr. 4.
4 Nguyễn Thị Loan, Kinh tế chia sẻ, tiềm năng và thách thức đối với Việt Nam, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-chia-se-tiem-nang-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-301322.html 
5 Mô hình P2P Lending, người vay tiền và người có tiền kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên di động hoặc máy tính. Các công ty P2P cung cấp gói vay từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ô tô...
6 Sandbox là cơ chế khung pháp lý thử nghiệm được áp dụng trong phạm vi hạn chế.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Nguyễn Thị Loan, Kinh tế chia sẻ, tiềm năngvà thách thức đối với Việt Nam, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-chia-se-tiem-nang-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-301322.html
2. Hoàng Văn Cương (2020), Kinh tế chia sẻ: Thực trạng và giải pháp, https://vjst.vn
3. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Chuyên đề số 14: Quản lý nhà nước trong nền kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, tr. 4.
4. Chu Thị Hoa (2019), CMCN 4.0 và một số vấn đề pháp lý, https://moj.gov.vn
5. Hoàng Văn Cương (2020), Kinh tế chia sẻ: Thực trạng và giải pháp, https://vjst.vn
 
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình (Viện Hàn lâm  Khoa học xã hội Việt Nam)
TS. Vũ Thị Quế Anh (Đại học Ngoại thương Hà Nội)
 
 
 
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng