Giải pháp phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam

(Banker.vn) Kinh tế ban đêm (night - time economy) đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có ngành du lịch phát triển, trong đó có Việt Nam. Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 nhằm mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Kinh tế ban đêm (night - time economy) đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có ngành du lịch phát triển, trong đó có Việt Nam. Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 nhằm mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Bài viết tìm hiểu nội hàm của kinh tế ban đêm, thực trạng phát triển và những giải pháp phát triển kinh tế ban đêm nhằm mang lại hiệu quả tích cực và hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực khi mở rộng các hoạt động kinh doanh về đêm.
 
1. Kinh tế ban đêm: Khái niệm và thực trạng phát triển

Hiện vẫn chưa có khái niệm thống nhất về kinh tế ban đêm. Việc xác định giới hạn lĩnh vực và thời gian hoạt động kinh tế ban đêm còn có sự khác nhau giữa các quốc gia. Kinh tế ban đêm, theo nghĩa rộng, gồm tất cả các hoạt động xã hội, văn hóa và sản xuất diễn ra trong khung thời gian ban đêm. Tại Úc, kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho con người vào ban đêm. Theo nghĩa hẹp, kinh tế ban đêm là tập hợp các hoạt động của nền kinh tế - văn hóa diễn ra vào ban đêm, chủ yếu là các hoạt động trải nghiệm mang tính giải trí (không bao gồm ngành công nghiệp mại dâm). Tại Mỹ, kinh tế ban đêm gồm 05 lĩnh vực chính gồm: Nghệ thuật, quán bar, dịch vụ ẩm thực, thể thao và giải trí. Phần lớn các quốc gia châu Âu đều quan niệm kinh tế ban đêm theo nghĩa hẹp và xác định khung giờ hoạt động kinh tế ban đêm từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.



Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm 
(Ảnh: Phố đi bộ Bùi Viện, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Internet)
 
Kinh tế ban đêm không phải là bộ phận tách rời của nền kinh tế. Phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Kinh tế ban đêm tập trung phát triển các hoạt động dịch vụ diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, như dịch vụ văn hóa, vui chơi, thể thao, giải trí, dịch vụ ăn uống, mua sắm, du lịch, lễ hội, sự kiện gia đình. Thông thường, kinh tế ban đêm được chia thành “kinh tế buổi tối” (từ 06 giờ tối hôm trước đến 0 giờ sáng hôm sau) và “kinh tế đêm muộn” (từ 0 giờ sáng đến 06 giờ sáng).
 
Phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch, tập trung phát triển 04 lĩnh vực: i) Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; ii) Dịch vụ ăn uống; iii) Dịch vụ mua sắm; iv) Du lịch tại các khu vực có tiềm năng về phát triển kinh tế ban đêm. Kinh tế ban đêm không chỉ đơn thuần là các hoạt động dịch vụ phục vụ tầng lớp thanh niên ở khu vực đô thị. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ mở rộng giờ hoạt động vào buổi tối, kinh tế ban đêm thu hút được nhiều tầng lớp xã hội và ngày càng trở nên toàn diện hơn thông qua việc phục vụ nhiều nhóm đối tượng nhân khẩu học khác nhau.
 
Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm: Tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; dân số trẻ đông, sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu tạo nên nhiều tiềm năng để Việt Nam phát triển kinh tế ban đêm. Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Trong Bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới năm 2019 của Tạp chí Global Finance, Việt Nam được xếp thứ 83/128 quốc gia với chỉ số an toàn đạt 11,15 điểm, xếp trên cả Thái Lan1. Với nền chính trị ổn định, hiếm khi xảy ra bạo động, tranh chấp lãnh thổ, chỉ số an ninh con người đang ngày càng được cải thiện, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
 
Chợ đêm được đánh giá là mô hình kinh tế ban đêm hiệu quả đối với du lịch, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân qua việc làm tăng chi tiêu của du khách, đồng thời làm đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, chỉ trừ số ít mô hình thành công như chợ đêm Phú Quốc, một số điểm du lịch ở Nha Trang, Đà Nẵng, Huế..., hầu hết các điểm du lịch khác đều chưa hình thành được khu chợ đêm, phố ẩm thực theo đúng nghĩa; nếu có, thì cũng chưa thực sự hấp dẫn được du khách, các sản phẩm còn chưa đa dạng, chất lượng còn hạn chế, chưa mang bản sắc địa phương.
 
Mặc dù du lịch Việt Nam thu hút lượng khách lớn nhưng số tiền chi tiêu của du khách rất thấp. Vì vậy muốn phát triển du lịch thì cần phải phát triển kinh tế ban đêm. Kinh tế ban đêm là cách hiệu quả để giữ chân khách du lịch khi đến Việt Nam. Điều này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương mà đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
 
Lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của kinh tế ban đêm
 
Phát triển kinh tế ban đêm mang tới nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Kinh tế ban đêm được nhấn mạnh như một bộ phận hợp thành trong nền kinh tế tổng thể, đóng góp vào tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Lợi ích của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng, miền. Do đó, nếu kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú thì càng có khả năng giữ chân du khách và kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách.
 
Từ góc độ kinh tế, lợi ích của kinh tế ban đêm góp phần tái cấu trúc ngành công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm, nguồn thu nhập mới cho địa phương và cho quốc gia; tái thiết, phát triển khu vực đô thị và các khu vực không được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định trong ngày; khuyến khích tiêu dùng nội địa và tạo nguồn thu thuế cho địa phương; nuôi dưỡng ngành du lịch, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, kéo dài ngày lưu trú, tăng mức chi tiêu trung bình và sự hài lòng của du khách. Mức chi tiêu du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, trong khi đó ban đêm chiếm tới 70%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo tính toán, cứ thêm 4 tiếng đồng hồ thì kinh tế ban đêm có thể đóng góp từ 5 - 8% GDP của thành phố2.  Doanh thu dịch vụ của các cửa hàng ban đêm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đạt khoảng 2,3 tỉ đồng (ngày thường) và tăng gấp 4 lần (ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật). Trong khi đó, doanh thu của các cơ sở kinh doanh ăn uống tại phố Bùi Viện, thậm chí cao hơn, từ gần 3 tỉ đồng đến khoảng 8 tỉ đồng/ngày3.
 
Kinh tế ban đêm cũng tạo công ăn, việc làm mới cho người lao động, đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội. Bởi các loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng của kinh tế ban đêm luôn đòi hỏi số lượng lao động lớn. Nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là bồi bàn, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng, mà còn cần một số lượng lớn nhân công vận tải, lái xe, kĩ sư, bảo vệ, quản lí, nhân công vệ sinh, kĩ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện và các ngành, nghề khác.
 
Kinh tế ban đêm góp phần gia tăng giá trị thương mại. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp, Việt Nam có thêm 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu mỗi năm. Với mức sống từ 15 USD/ngày, tầng lớp trung lưu đang dành nhiều tiền và thời gian để tận hưởng cuộc sống, chi nhiều hơn cho các hoạt động trao đổi, mua, bán và dành 43% tiền nhàn rỗi cho mục đích giải trí4. Kinh tế ban đêm luôn đòi hỏi số lượng lao động lớn. Thúc đẩy kinh tế ban đêm có thể là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tạo công ăn việc làm mới cho người lao động, đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội. Kinh tế ban đêm tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Sự sôi động của kinh tế ban đêm dần trở thành hình ảnh đặc trưng, là biểu tượng về một xã hội năng động, giàu có và phồn thịnh mà các quốc gia phát triển trên thế giới đều hướng tới.
 
Ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, kinh tế ban đêm tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kinh tế ban đêm được “thắp sáng” sẽ đem lại sức bật mới cho kinh tế du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút du khách, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút thêm nhiều khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng, miền.
 
Từ góc độ văn hóa, văn hóa, giải trí luôn phát triển song hành cùng kinh tế ban đêm. Kinh tế ban đêm tạo cơ hội để tăng cường giao tiếp xã hội và phát triển ý thức bản thân, đặc biệt là cho giới trẻ. Do vậy, kinh tế ban đêm tạo ra cú hích rất lớn cho sự phát triển của thị trường âm nhạc, tổ chức sự kiện, lễ hội đường phố và các loại hình giải trí, truyền thông khác. Môi trường và nhu cầu thực tế càng sôi động sẽ càng tạo ra động lực để nền công nghiệp giải trí phát triển và đóng góp nhiều hơn cho văn hóa, xã hội. Các hoạt động giải trí vào ban đêm giúp người dân cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn và thành phố sống động hơn. Phát triển kinh tế ban đêm không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, mà dịch vụ vui chơi giải trí cũng “cất cánh”5. Do đó, kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú, thì càng có khả năng giữ chân được du khách.
 
Phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng cho các cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải. Tuy nhiên, phát triển kinh tế ban đêm đang phải đối diện với những hạn chế, rủi ro tiềm ẩn: Tiêu tốn một khoản chi phí xã hội không mong muốn như chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giám sát. Một trong những cản trở của kinh tế ban đêm là tiếng ồn. Bởi một số dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm có âm thanh hoạt động công suất cao suốt đêm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến du khách và sinh hoạt, nghỉ ngơi về đêm người dân địa phương tại các khu vực xung quanh, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và trong nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến năng suất lao động. Các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố có thể cũng phải chịu các chi phí liên quan đến sửa chữa các thiệt hại nhỏ do hành vi phá hoại của những người tham gia hoạt động ban đêm. Bên cạnh đó là sự xuất hiện chênh lệch điều kiện kinh tế - xã hội, lai căng văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng, rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, ô nhiễm môi trường; tình trạng phát sinh chặt chém, ép giá, đe dọa, giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì an toàn giao thông, an ninh - trật tự xã hội.
 
Những rủi ro tiềm ẩn khác có thể xuất hiện khi phát triển kinh tế ban đêm như: Xuất hiện vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng. Kinh tế ban đêm có thể vô tình trở thành môi trường thuận lợi, làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến như mại dâm, buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp bóc. Lợi dụng điều kiện ban đêm, các tụ điểm ăn chơi tiến hành tổ chức môi giới mại dâm, massage thiếu lành mạnh và nhiều hình thức giải trí có tính đồi trụy, lệch lạc khác. Những hiện tượng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Sự phát triển lâu dài của kinh tế ban đêm sẽ tạo môi trường, chất xúc tác có thể làm nảy sinh những băng, nhóm tội phạm mới, tội phạm có tổ chức, mô hình bảo kê tại khu kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ xung đột bạo lực hoặc các hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, một số hình thức phạm tội có thể có xu hướng tăng lên trong môi trường kinh tế ban đêm như trộm cắp tài sản, cướp giật, lừa đảo, gây rối trật tự nơi công cộng.
 
Phát triển kinh tế ban đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lí, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc và các loại tội phạm khác, gây khó khăn cho các nhà quản lí xã hội. Lượng tiêu thụ đồ uống chứa cồn cũng có xu hướng gia tăng khi phát triển kinh tế ban đêm. Các vụ vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng có nguy cơ diễn ra như một hệ lụy của việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các đồ uống có cồn. Vì vậy cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan và đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu của kinh tế đêm với tình hình an ninh, trật tự xã hội.
 
Hoạt động kinh tế ban đêm còn tạo ra vấn nạn ô nhiễm rác thải; rủi ro cháy nổ, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó là áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu, như xử lí chất thải, cung cấp điện, nước, giám sát các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa.
 
2. Giải pháp phát triển kinh tế ban đêm
 
Kinh tế ban đêm là nối dài hoạt động kinh tế ban ngày, góp phần làm cho hoạt động của nền kinh tế có hiệu quả cao hơn. Vì vậy, cần có giải pháp rõ ràng thúc đẩy hoạt động kinh tế đêm nhằm tạo giá trị thặng dư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, kinh tế ban đêm phát triển chậm và đơn điệu, chưa tạo được thương hiệu nổi bật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún tại một số khu vực, chưa gây được ấn tượng. Đây là một trong những lí do khiến doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn so với các thị trường khác. Để phát triển kinh tế ban đêm cần tập trung đồng bộ vào những giải pháp sau:
 
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lí về kinh tế ban đêm. Để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm, trước tiên cần có quan điểm, định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lí điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm. Cơ chế chính sách phát triển, quản lí kinh tế ban đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm. Xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.
 
Khung pháp lí liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lí nhà nước trong quản lí hoạt động kinh tế ban đêm trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lí và phát triển kinh tế ban đêm. Khung pháp lí cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với từng đối tượng, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau và đảm bảo tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch mang lại và những mặt trái tiềm ẩn của kinh tế ban đêm.
 
Phân quyền quản lí hoạt động kinh tế ban đêm tới các cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố, cấp quận). Chính quyền địa phương có thể bổ nhiệm chức vụ chủ chốt quản lí các hoạt động kinh tế ban đêm. Chức vụ quản lí này hoàn toàn tách biệt với chức vụ quản lí chính quyền địa phương đối với các hoạt động kinh tế ban ngày. Về cơ bản, mô hình tổ chức bộ máy quản lí có sự tham gia, tham vấn từ cộng đồng địa phương (từ cơ sở cung ứng dịch vụ, hiệp hội cư dân, nhà quản lí, lực lượng đảm bảo an ninh).
 
Ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn hoạt động, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lí để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lí; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm. Địa phương các cấp cần được phân quyền rõ ràng và khuyến khích triển khai công tác quản lí hoạt động kinh tế ban đêm mang tính đặc thù, phát huy sáng tạo, gìn giữ bản sắc của địa phương.
 
Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lí thống nhất về phát triển kinh tế ban đêm (quy định về loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động; chính sách về giao thông; chính sách về an ninh, trật tự…). Cần có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hóa, ca nhạc nhằm phát triển các loại hình kinh doanh một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật. Gắn phát triển kinh tế ban đêm với phát triển văn hóa, xác định nội hàm văn hóa của từng địa phương. Việc quản lí và điều phối các hoạt động kinh tế đêm tại các đô thị cần được tổ chức linh hoạt, thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách. 
 
Thứ hai, đổi mới phương thức quản lí nhà nước về kinh tế ban đêm. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lí của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lí. Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lí nhà nước trong quản lí hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lí và phát triển kinh tế ban đêm.
 
Sử dụng quy hoạch để quản lí các hoạt động kinh tế ban đêm như chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt. Chính quyền quản lí và lực lượng chuyên trách cần tăng cường công tác quản lí, tuần tra, kiểm soát và nắm tình hình nhằm phòng ngừa việc xuất hiện các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, phát hiện sớm và ngăn ngừa các hoạt động phạm tội xảy ra. Việc quản lí người nước ngoài, du khách thăm quan cũng cần được đưa vào tổng thể các hoạt động kiểm soát an ninh.
 
Để phát triển kinh tế ban đêm, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh ở địa phương. Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm nhiều và chi tiêu nhiều hơn. Các lực lượng chức năng cần có chiến lược phân bổ nguồn nhân lực điều hành, quản lí phù hợp. Tăng cường lực lượng cho những khu vực trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ tiềm ẩn. Bố trí lực lượng ứng trực ban đêm với mức độ cân xứng với lực lượng làm việc ban ngày để bảo đảm sự có mặt và giải quyết tình huống khẩn cấp của các cơ quan chức năng.
 
Huy động các nguồn lực tại chỗ làm công tác kiểm soát và quản lí về an ninh, trật tự bên cạnh lực lượng chính quy. Huy động bảo vệ, quản lí trật tự khu phố. Đồng thời có chiến dịch tuyên truyền rộng khắp tới quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia các hoạt động thúc đẩy kinh tế ban đêm. Thường xuyên triển khai các đợt vận động truy quét tội phạm, thể hiện tính tích cực, thường xuyên của các lực lượng chuyên trách trong việc quản lí các khu phố, khu vực phát triển kinh tế ban đêm.
 
Mô hình quản lí kinh tế ban đêm theo xu hướng thành lập Hội đồng quản lí cần được thúc đẩy tại các địa phương. Phối hợp với các ban, ngành, thành phố trong các lĩnh vực quy hoạch, cải tạo, du lịch và văn hóa, môi trường, an ninh, dịch vụ y tế, từ đó tạo ra những giá trị thiết thực với cộng đồng thông qua hoạt động kinh tế ban đêm. Phát triển và quản lí kinh tế ban đêm cần chú trọng tới nhu cầu trải nghiệm an toàn của người dân, khách du lịch đối với các hoạt động dịch vụ ban đêm; đảm bảo an ninh trật tự, tôn trọng không gian sống. Dữ liệu về kinh tế ban đêm cần được thống kê minh bạch, phục vụ công tác tính quy mô và cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế.
 
Thứ ba, tập trung phát triển dịch vụ giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng. Xây dựng, phát triển kinh tế ban đêm cần có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đây cũng là giải pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự của kinh tế ban đêm. Hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi có thưởng được kết nối trong hạ tầng cơ sở đồng bộ, chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho việc quản lí được minh bạch, rõ ràng, tránh được các nguy cơ xấu phát sinh.
 
Hoạt động kinh tế ban đêm rút ngắn thời gian xuống cấp của hạ tầng cơ sở; làm tăng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, trong khi lượng tiêu thụ bia, rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá lại nhiều hơn. Do đó, để phát triển kinh tế ban đêm một cách hiệu quả, cần phát triển theo trọng điểm (lựa chọn các vùng có điểm du lịch hấp dẫn, dịch vụ tốt, an ninh đảm bảo…), không nên phát triển kinh tế ban đêm một cách đại trà.
 
Đầu tư cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực nhằm chuẩn bị những điều kiện phát triển tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ văn hóa, giải trí vào ban đêm trên địa bàn. Đặc biệt, các chính sách phát triển kinh tế ban đêm cần kết hợp linh hoạt, sáng tạo cùng các chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, công nghệ 4.0 và kinh tế chia sẻ. Quản lí kinh tế ban đêm cần được quy hoạch phát triển thí điểm tại một số khu vực nhất định để đánh giá tính khả thi, hiệu quả, tác động kinh tế - xã hội trước khi phát triển đại trà.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế ban đêm tại Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường khu vực như Thái Lan, Singapore, để thu hút khách du lịch quốc tế tới lưu trú và chi tiêu, các nhà hoạch định chính sách địa phương cần có kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm một cách rõ ràng, áp dụng thí điểm từng giai đoạn và được nghiên cứu cụ thể với tầm nhìn dài hạn nhằm đảm bảo tốt nhất nền tảng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
 
Thứ tư, hỗ trợ tài chính, khuyến khích ưu đãi doanh nghiệp hoạt động kinh tế ban đêm. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn thuộc khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào xây dựng và phát triển kinh tế ban đêm, xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật cho hoạt động ban đêm. Thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng. Các cơ chế, chính sách cần ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế ban đêm.
 
Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh tế ban đêm. Cơ chế chính sách thuế, phí hiện đang được áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế và không có sự phân biệt giữa hoạt động kinh tế ban đêm với kinh tế ban ngày. Các ưu đãi về thuế đều chỉ áp dụng theo hai tiêu chí, đó là ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo ngành, lĩnh vực.
 
Phần lớn các địa phương chưa có cơ chế, chính sách tài chính hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia cung cấp các dịch vụ ban đêm. Hiện các chính sách hỗ trợ của địa phương chủ yếu là đẩy mạnh việc triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm; triển khai hệ thống chiếu sáng đặc sắc hơn; hỗ trợ các hộ kinh doanh tại phố đi bộ đêm tiếp cận các quầy hàng không thu tiền sử dụng (trong một thời gian nhất định) hoặc miễn các loại phí, lệ phí. Khai thác tốt tiềm năng kinh tế ban đêm sẽ thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của du khách, đồng thời là đòn bẩy cho kinh tế địa phương.
 
Thứ năm, tăng cường nguồn nhân lực và ý thức chấp hành pháp luật của người dân cho phát triển kinh tế ban đêm. Kinh tế ban đêm luôn đòi hỏi nguồn nhân lực lao động lớn. Nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là bồi bàn, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn cần một số lượng lớn nhân công vận tải, lái xe, kĩ sư, bảo vệ, quản lí, nhân công vệ sinh, kĩ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện và các ngành nghề khác. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị trong dài hạn về chất lượng 
 
môi trường làm việc ban đêm cũng như các kĩ năng, khả năng của người lao động khi tham gia nền kinh tế đặc thù ban đêm. Nhu cầu sản phẩm du lịch về đêm rất lớn. Muốn du lịch phát triển để giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có nơi để du khách khám phá thì sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực phục vụ ban đêm là cần thiết.
 
Nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia các hoạt động thúc đẩy kinh tế ban đêm. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tội phạm tới người dân và du khách để có được kiến thức, kĩ năng khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, mua sắm ban đêm cũng như cách thức ứng phó trong các tình huống bất ngờ.
 
Tóm lại, Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm nhờ nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh đó, Việt Nam có dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu. Kinh tế ban đêm được kì vọng sẽ tạo thêm cơ hội mới cho tăng trưởng, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế giúp Việt Nam phục hồi nhanh sau Covid-19. Với điều kiện thiên thời, địa lợi, cùng nền chính trị ổn định, Việt Nam rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Phát triển kinh tế ban đêm được kì vọng sẽ có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Việt Nam được coi là một điểm sáng, có sức hút du lịch và phát triển kinh tế ban đêm hi vọng gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
 
1 Mạnh Hùng (2021), Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức đặt ra. Tạp chí Kinh tế và Dự báo (kinhtevadubao.vn)
2 Hồng Thanh (2022), Chuyện thời cuộc: Nguồn lợi từ phát triển kinh tế ban đêm (thanhphohaiphong.gov.vn)
3 Tuệ An (2022), Khơi dậy tiềm năng kinh tế ban đêm (hanoimoi.com.vn)
Hồng Thanh (2022), Chuyện thời cuộc: Nguồn lợi từ phát triển kinh tế ban đêm (thanhphohaiphong.gov.vn)
5 Nhật Linh (2022), Đừng ‘trói chân’ kinh tế ban đêm (vnbusiness.vn)

Tài liệu tham khảo:
 
1. Bianchini, (1995), Night Cultures, Night Economies. Planning Practice & Research, 10(2), pages 121-126.
2. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
3. Minh Anh (2023), Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm. https://nhandan.vn/ 
4. Lê Anh (2022), Cổng thông tin điện tử Quốc hội. https://quochoi.vn/
5. Tô Hà (2021). “Thắp sáng” kinh tế ban đêm, truy cập từ https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/-thap-sang-kinh-te-ban-dem-630605.
6. Trung Anh (2022), “Thắp sáng” kinh tế đêm Hà Nội. https://dangcongsan.vn/ 
7. Thúy Hiền (2022), Kinh tế ban đêm: “Thắp sáng” bằng chính sách khác biệt | Kinh tế | Vietnam+. https://www.vietnamplus.vn/ 
8. Nguyệt Cầm (2022), Thực trạng phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn/
9. Song Hà (2022), Cơ hội phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. http://quocphongthudo.vn/
10. Thanh Trần (2020), Sức hút phát triển kinh tế ban đêm - Bài cuối: Việt Nam làm gì để phát triển kinh tế ban đêm?. https://nhadautu.vn/

ThS. Lê Thị Thu Hương (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)
PGS., TS. Vũ Văn Hà (Hội đồng Lý luận Trung ương)
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng