Giải ngân vốn đầu tư công: Đường về đích còn… rất xa

(Banker.vn) 11 tháng, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2022 vẫn còn rất xa.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm Giải ngân vốn đầu tư công: Không để 'vốn chờ dự án'

Theo thống kê, hiện có 6 bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, 34/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (58,33%), trong đó có 5 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng giao.

Giải ngân vốn đầu tư công: Đường về đích còn… rất xa
Có 6 bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng giao

Chia sẻ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng đầu năm, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Chúng ta đã kỳ vọng rất nhiều vào kết quả giải ngân vốn đầu tư trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cũng tổ chức rất nhiều đoàn làm việc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gặp gỡ hết tỉnh này đến tỉnh khác để tăng cường, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng kết quả, giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng mới đạt chưa đến 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kém hơn con số 63,68% của cùng kỳ năm ngoái.

Về nguyên nhân của giải ngân vốn đầu tư công chậm, báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cho thấy, ngoài các nguyên nhân chung ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án như: Giá cả nguyên vật liệu tăng cao, tình hình thời tiết, khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng… thì tại nhiều địa phương hiện đang triển khai thực hiện lập quy hoạch, do đó ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Tổ công tác số 1 với các 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm: Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, lý do chậm bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong công tác lập quy hoạch, đề xuất xin dự án, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu.

Thúc giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn về đích
Có 5 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng giao

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên tiếp tục siết chặt kỷ cương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh trong nội bộ của bộ, cơ quan, địa phương mình theo quy định. Đặc biệt lưu ý phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị dự án để khi giao vốn thì dự án được triển khai ngay, không để xảy ra tình trạng "vốn chờ dự án", nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, kể cả thanh khoản của các tổ chức tín dụng và cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thúc đẩy giải ngân dòng vốn này chúng ta cần có cách tiếp cận mới, cách tiếp cận mới này phải được nhìn nhận thì xây dựng kế hoạch đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và quá trình triển khai thực hiện.

Theo đó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cách tiếp cận mới có thể tập trung vào 2 nội dung, thứ nhất, cần xây dựng nhiều dự án quan trọng quốc gia liên vùng, mà những dự án này không thể không làm. Ví dụ như dự án vành đai 3, 4 ở TP. Hồ Chí Minh, dự án sân bay Tây Sơn Nhất, sân bay Long Thành... đó là những dự án không thể không làm, mà khi làm cũng không cần “thủ tục” gì hết, mà chỉ tập trung vốn, nguồn lực để triển khai càng sớm càng tốt, lấy hiệu quả lên hàng đầu.

Thứ hai, cần lấy hiệu quả làm thước đo để đánh giá người đứng đầu, cơ quan khi thực hiện triển khai dự án đầu tư công. Cùng với đó là những cơ chế khuyến khích, đánh giá một cách khách quan để người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thấy những nỗ lực của họ thực sự được ghi nhận và họ muốn đóng góp cho giải ngân vốn đầu tư công. Nếu làm được như vậy, dòng vốn đầu tư công sẽ được khơi thông và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân của 5 địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Bình Dương. Theo đó, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như tập trung công tác đền bù giải phóng mặt bằng - gỡ "nút thắt" trong giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương