Giá xăng dầu hôm nay 23/9/2022: Xu hướng tăng nhẹ

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 6h10 ngày 23/9 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu hôm nay trên thế giới có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh thị trường lại dấy lên lo ngại về tình trạng thắt chặt, thậm chí thiếu hụt nguồn cung khi mùa đông đến gần.

Giá xăng dầu hôm nay 21/9/2022: Sẽ giảm mạnh vào phiên chiều?

[Tin vui] Giá xăng trong nước giảm về mốc hơn 21.000 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 22/9/2022: Giảm cực mạnh, về sát mốc 22.000 đồng/lít

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 83,41 USD/thùng, giảm 0,08 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 22/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2022 đã tăng 0,59 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 90,43 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 0,88 USD so với cùng thời điểm ngày 22/9.

Giá dầu có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh thị trường lại dấy lên lo ngại về tình trạng thắt chặt, thậm chí thiếu hụt nguồn cung khi mùa đông đến gần.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Áp lực nguồn cung được cho sẽ còn lớn hơn khi một số nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc xem xét tăng cường hoạt động trong tháng 10 do nhu cầu thị trường mạnh hơn và khả năng nước này có thể thay đổi chính sách xuất khẩu nhiên liệu.

Thời điểm các lệnh trừng phạt, cấm vận dầu thô Nga của các nước EU, G7 càng làm gia tăng các lo ngại về nguy cơ về tình trạng thiếu hụt năng lượng tại khu vực châu Âu.

Ở diễn biến mới nhất, nhiều nhà phân tích lo ngại sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây trong những ngày gần đây có thể kéo theo những động thái tiêu cực về việc cung cấp năng lượng từ Nga sang các nước châu Âu.

Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, giá dầu ngày 23/9 cũng chịu áp lực không nhỏ bởi quyết định tăng lãi suất của một số ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, và đồng USD mạnh hơn.

Bên cạnh đó, thông tin tồn kho dầu thô của Mỹ tăng trong tuần kết thúc ngày 16/9 cũng góp phần đáng kể ghìm chân giá dầu thô đi lên.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu xăng trong 4 tuần qua của nước này đã giảm xuống 8,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tồn kho dầu thô thương mại của nước này cũng tăng 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/9.

Tại thị trường trong nước, sau quyết định điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, giá xăng dầu tiếp tục giảm. Cụ thể, từ 15h, mỗi lít xăng RON 95 giảm 630 đồng, về mức 22.580 đồng/lít và E5 RON 92 là 21.780 đồng/lít, tức giảm 450 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm mạnh hơn, với mức 1.650 đồng một lít, có giá bán tối đa là 22.530 đồng/lít. Tương tự, mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 1.970 đồng, còn 22.440 đồng/lít. Dầu mazut giảm 380 đồng/kg, chỉ còn 14.650 đồng.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn với xăng là 450-451 đồng/lít, còn dầu là 300-741 đồng/lít hoặc kg. Sau khi giảm, giá xăng đã về mức giá tương đương tháng 10/2021.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 25 lần điều chỉnh với 13 lần tăng, 11 lần giảm và một lần giữ nguyên. Riêng giá xăng đã có kỳ giảm giá lần thứ 8 từ đầu tháng 7.

Trong nước, các chính sách, quy định liên quan đến việc điều hành thị trường xăng dầu tiếp tục được quan tâm. Tại phiên họp ngày 19/9, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật giá (sửa đổi), trong đó vẫn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi, quỹ này trước đó đã từng nhiều lần được các doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất bỏ để giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn.

Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây cũng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các phương án để giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu.

Thu Uyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục